Cuộc đấu dàn sao trị giá bạc tỉ mang lại điều gì cho đội tuyển Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những trận giao hữu chất lượng gặp Hàn Quốc, Uzbekistan hay Trung Quốc sẽ mang lại cho đội tuyển Việt Nam bài học cần thiết trước khi khởi tranh vòng loại World Cup 2026.

Ngày 25.9, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nhận lời mời của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA), qua đó đội tuyển Việt Nam sẽ đấu 2 trận giao hữu, lần lượt gặp đội tuyển Trung Quốc vào ngày 10.10 và chạm trán Uzbekistan vào ngày 13.10. Cả hai trận đấu đều diễn ra tại Trung Quốc, với giờ cụ thể diễn ra trận đấu chưa xác định.

Sau đó 4 ngày, đội tuyển Việt Nam sẽ so tài với Hàn Quốc vào ngày 17.10 tại TP.Suwon, nơi tổ chức trận chung kết giải U.20 World Cup 2017, sân chơi đã chứng kiến Quang Hải, Văn Hậu trưởng thành.

Những trận đấu giao hữu với các đội tuyển nhóm đầu châu lục ngay trước thềm vòng loại World Cup 2026, trước hết cho thấy vị thế mới của đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam toàn thắng 3 trận đầu dưới thời ông Troussier. Ảnh: MINH TÚ

Đội tuyển Việt Nam toàn thắng 3 trận đầu dưới thời ông Troussier. Ảnh: MINH TÚ

Trước thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam thường chỉ đá giao hữu "loanh quanh" với các đội bóng Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, hay gặp một số đội hạng hai châu lục như Palestine, Bahrain,... Đó là khoảng thời gian đội tuyển Việt Nam chưa có tiếng tăm, dẫn đến không đủ sức hút, tầm vóc với những đối thủ hùng mạnh.

Việc đá những trận giao hữu với sức nặng chuyên môn không cao cũng là rào cản khiến đội tuyển Việt Nam khó vươn mình. Chỉ đến thành công ở giai đoạn 2018-2022 dưới thời ông Park khi vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 hay vòng loại thứ ba World Cup 2022, vị thế của bóng đá Việt Nam mới thay đổi.

Những trận đấu kiên cường trước Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Úc, UAE hay Oman đã giúp đội tuyển Việt Nam cải thiện vị thế.

Hiển nhiên, khoảng thời gian vươn mình ngắn ngủi (trong 5 năm) chưa thể đưa Quang Hải cùng đồng đội lọt vào nhóm ưu tú ở châu lục. Dù World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội, đồng nghĩa 8,5 suất cho các đội châu Á, nhưng cơ hội của đội tuyển Việt Nam cũng chưa hẳn đã rõ ràng.

5 trong số 8 suất gần như chắc chắn được ấn định cho các đội tuyển hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ả Rập Xê Út và Iran. Đội tuyển Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Uzbekistan, Qatar, UAE, Iraq, Jordan, Trung Quốc, Palestine, Syria, Bahrain, Thái Lan hay Indonesia, đều là những đối thủ giàu tiềm lực, kinh nghiệm và khát vọng. Cuộc đua đến World Cup sẽ rất khốc liệt, đòi hỏi thầy trò HLV Philippe Troussier phải tiếp tục nâng cấp nếu không muốn bị tụt lại.

Dù vậy, những trận đấu giao hữu "nặng ký" trong tháng 10, như đã đề cập, là sự chứng thực vô hình cho nỗ lực của đội tuyển Việt Nam thời gian qua.

Đội tuyển Việt Nam cần tiếp tục trau dồi. Ảnh: MINH TÚ

Đội tuyển Việt Nam cần tiếp tục trau dồi. Ảnh: MINH TÚ

Khi chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, các đội tuyển sẽ không đá giao hữu "cho vui", mà phải tìm đối thủ chất lượng cao để thử lửa. Đội tuyển Việt Nam được lựa chọn, cho thấy năng lực chuyên môn và đẳng cấp của Quang Hải cùng đồng đội trong mắt các đội hàng đầu châu Á đã khác.

Câu hỏi đặt ra là, HLV Troussier cùng học trò sẽ học được gì khi đương đầu với những ngôi sao triệu USD như Son Heung-min, Kim Min-jae, Lee Kang-in, Hwang Hee-chan (Hàn Quốc) hay Wu Lei, Xu Xin (Trung Quốc)?

Vốn quý đầu tiên đội tuyển Việt Nam có thể gặt hái, đó là cường độ thi đấu ở đẳng cấp cao nhất châu Á. Các đội tuyển Uzbekistan và Hàn Quốc đều có lối chơi giàu tốc độ, nhanh, mạnh, trực diện và chính xác, trong khi Trung Quốc đã chơi bóng dài nhiều hơn ở giai đoạn có nhiều cầu thủ nhập tịch, nhưng vẫn rất đáng gờm.

Đây là cường độ mà các học trò ông Troussier cần thích nghi, để lấy lại cảm giác cho các trận gặp Iraq, Philippines và rất có thể là Indonesia ở vòng loại hai. Cường độ chơi bóng ở V-League (nơi đại đa số các tuyển thủ Việt Nam đang thi đấu) rất khác so với sân chơi quốc tế. Minh chứng là nhiều cầu thủ dù nổi danh ở V-League, nhưng lại mờ nhạt khi bước ra châu Á.

Do đó, các trận đấu này sẽ giúp cầu thủ đương đầu với sóng gió để khớp nhịp chơi bóng và tìm ra giải pháp chống đỡ những đội tuyển rất mạnh. Bởi để đến với World Cup, đội tuyển Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều đội đáng gờm như Uzbekistan và Trung Quốc.

Các cầu thủ cần "làm nóng" với nhịp độ thi đấu ở đẳng cấp cao nhất châu Á. Ảnh: MINH TÚ

Các cầu thủ cần "làm nóng" với nhịp độ thi đấu ở đẳng cấp cao nhất châu Á. Ảnh: MINH TÚ

Ngoài ra, HLV Troussier có cơ hội thử nghiệm lối chơi kiểm soát trước những bài kiểm tra ở độ khó rất cao. Kiểm soát bóng trước Palestine, Syria hay Hồng Kông, đội tuyển Việt Nam đã phần nào làm tốt. Nhưng trước Hàn Quốc hay Uzbekistan thì sao?

Gặp đối thủ mạnh, đội tuyển Việt Nam sẽ chơi hài hòa giữa kiểm soát bóng, giữ nhịp trận đấu và phản công ra sao, đó là thử thách cho năng lực cầm quân của HLV Troussier. Việc xây dựng đấu pháp uyển chuyển nhưng vẫn giữ được lối chơi cốt lõi sẽ là chìa khóa của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026.

Ông Troussier không muốn học trò giữ lối chơi phòng ngự như ở vòng loại trước, song tấn công thế nào cho hiệu quả vẫn là dấu hỏi mà "Phù thủy trắng" và học trò tìm lời giải.

3 trận giao hữu vào tháng 10 sẽ giúp đội tuyển Việt Nam tháo gỡ nhiều nút thắt, trước khi bước vào đấu trường quan trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

(GLO)- Sáng 8-12, hơn 850 vận động viên (VĐV) trong và ngoài tỉnh đã hội tụ về Giải chạy Half Marthon Chư Pưh 2024 lần thứ I với chủ đề “Bước chạy xanh-Thân thiện với môi trường”. Các chân chạy đều hào hứng khi được chinh phục cung đường đẹp nhưng đầy thử thách của vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

(GLO)- Ngay từ khi còn nhỏ, em Hà Thị Anh Minh (SN 2009, làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã phải chịu bao vất vả, khó khăn. Song với nghị lực cùng sự quyết tâm, nữ võ sĩ 15 tuổi này đang là một trong những tài năng trẻ của Taekwondo Gia Lai cũng như đội tuyển trẻ quốc gia.