COVID-19: Biến thể BA.2 có thể nguy hiểm hơn với trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số trẻ nhiễm BA.2 có triệu chứng sốt cao gấp 3 lần so với trẻ nhiễm cúm và gấp 4 lần so với trẻ nhiễm parainfluenza; 5% trẻ nhiễm BA.2 bị ho có đờm, cao gấp 11 lần so với biến thể khác của SARS-CoV-2.
 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nghiên cứu mới về mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2 đối với trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy biến thể này nguy hiểm với trẻ em hơn các biến thể khác hoặc so với virus cúm thông thường và virus parainfluenza gây các bệnh về đường hô hấp.
Tuy nhiên, xét về số liệu tuyệt đối, nghiên cứu trên chỉ thấy một số lượng nhỏ ca tử vong hoặc ca nặng.
Nghiên cứu trên chỉ mang tính sơ bộ bước đầu vì chưa được công bố chính thức trên một tạp chí khoa học.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Beth Thielen, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Đại học Minnesota ở thành phố Minneapolis (Mỹ), cho rằng nghiên cứu này đem lại một cái nhìn quan trọng về sự nguy hiểm của biến thể BA.2 đối với một nhóm người dễ bị tổn thương.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần sớm có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và cần có thêm nhiều thuốc điều trị cho nhóm tuổi này.
Trong suốt thời gian đầu của đại dịch, Hong Kong đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội, truy vết tiếp xúc, đóng cửa trường học và doanh nghiệp.
Kết quả là thành phố này có số ca mắc COVID-19 rất thấp và tương đối ít người bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 trong hầu hết thời gian dịch hoành hành. Điều này đúng cho đến khi xuất hiện biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron.
Từ thời điểm này, Hong Kong chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng ở mức đáng báo động, đặc biệt ở người cao tuổi.
Trẻ em cũng không được miễn dịch trước BA.2. Nghiên cứu nói trên đã so sánh tình trạng của trẻ nhập viện vì nhiễm biến thể này với so với trẻ nhập viện vì các biến thể trước đó (từ tháng 1/2020 đến tháng 11/2021) hoặc trẻ nhập viện vì nhiễm virus cúm thông thường hoặc parainfluenza (từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2018).
Tháng 2/2022, giữa lúc làn sóng lây lan biến thể Omicron lên đỉnh điểm tại Hong Kong, hầu hết do biến thể BA.2 gây ra, có 1.147 em phải nhập viện, trong đó 4 em tử vong. Trẻ tử vong là các bé 11 tháng tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi và 9 tuổi.
Trước đó, các bé này đều có sức khỏe tốt và bé 9 tuổi mắc chứng loạn dưỡng cơ. Chưa bé nào được tiêm vaccine. 2 bé tử vong vì viêm não hoặc phù não. Đây là những trẻ em đầu tiên tử vong vì COVID-19 tại Hong Kong kể từ khi dịch bùng phát.
Khi so sánh tỷ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong phát hiện rằng tỷ lệ tử vong ở trẻ nhập viện vì BA.2 cao gấp 7 lần trẻ nhập viện vì cúm thông thường, gấp 6 lần trẻ nhập viện vì nhiễm virus parainfluenza. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm là 0,35% đối với BA.2, 0,05% đối với cúm thông thường và 0,04% đối với parainfluenza (vốn gây ho có đờm).
Bên cạnh đó, số trẻ nhập viện vì BA.2 phải điều trị tích cực cao gấp 18 lần so với các biến thể trước của SARS-CoV-2, gấp 2 lần so với cúm thông thường và so với trẻ nhập viện vì nhiễm parainfluenza.
Không có ca nào sốt được ghi nhận ở Hong Kong trong các làn sóng biến thể trước. Nhưng số trẻ nhiễm BA.2 có triệu chứng sốt cao gấp 3 lần so với trẻ nhiễm cúm và gấp 4 lần so với trẻ nhiễm parainfluenza. Trẻ nhiễm BA.2 cũng có nguy cơ mắc chứng phù não hơn trẻ nhiễm parainfluenza, nhưng nguy cơ tương đương với trẻ nhiễm cúm thông thường.
Về các biến chứng hô hấp, 5% trẻ nhiễm BA.2 bị ho có đờm, so với 0,27% trẻ nhiễm các biến thể khác của SARS-CoV-2, cao gấp 11 lần. So với trẻ nhiễm cúm thì trẻ nhiễm BA.2 bị ho có đờm cao gấp hai lần.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Không thể coi thường mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2, nhất là xét về tỷ lệ tử vong, mắc các biến chứng nặng của trẻ chưa tiêm phòng và chưa từng mắc COVID-19 trước đó."
Dù phát hiện của nghiên cứu trên là đáng lo ngại, nhưng Tiến sỹ Claudia Hoyen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi và trẻ sơ sinh UH Rainbow ở Cleveland (Mỹ), lưu ý các bậc phụ huynh rằng “nguy cơ trẻ tử vong vì nhiễm Omicron rất, rất, rất thấp."
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 0,1% số ca tử vong vì COVID19 tại Mỹ là trẻ em dưới 12 tuổi.
Bà Hoyen nhấn mạnh rằng không cần phải quá lo ngại, thay vào đó, các phụ huynh có con nhỏ cần thận trọng hơn. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đảm bảo rằng mọi người ở quanh bé đều đã tiêm phòng, bao gồm cả mũi tăng cường.
Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.