Công lý phải được thực thi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tội phạm khủng bố luôn là một thách thức an ninh toàn cầu, cần phải nghiêm trị, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Ra sức tô vẽ, đánh bóng, cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm để kích động, kêu gọi trả tự do cho đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố đang bị truy nã là hành vi tiếp tay, không thể dung thứ, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, đe dọa an ninh của các quốc gia. Bởi tội phạm khủng bố luôn là một thách thức an ninh toàn cầu, cần phải nghiêm trị, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

congly-4888.webp
Xét xử vụ án khủng bố ở Đắk Lắk.

Đã hơn một năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ tấn công ngày 11/6/2023 xảy ra tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur khiến 9 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, phá hủy tài sản trị giá hơn 2,5 tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định đây là hành động khủng bố có tổ chức, gây ra bởi các đối tượng có hành vi manh động và man rợ.

Và kẻ cầm đầu là Y Quynh Bdap, người đã thành lập tổ chức “Người Thượng vì công lý”. Cụ thể, Y Quynh Bdap đã lên kế hoạch từ năm 2017, thông qua việc móc nối, lôi kéo, tuyển mộ lực lượng, chỉ đạo thực hiện vụ tấn công. Trong quá trình điều tra, chính những đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công đã khai nhận vai trò của Y Quynh Bdap trong việc chỉ đạo và xúi giục họ thực hiện các hành vi tàn bạo. Hwuen Êban, một trong những kẻ cầm đầu vụ khủng bố và Y Krong Phok, đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố khai nhận từ năm 2017, 2018 Y Quynh Bdap đã giao nhiệm vụ cho họ phải đi tuyên truyền, lôi kéo để tuyển mộ người, chuẩn bị vũ khí cho việc tiến hành khủng bố.

Y Ba Bya, đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố, khai nhận Y Quynh Bdap chỉ đạo việc chọn những trụ sở cơ quan nhà nước có ít người để dễ thực hiện việc tấn công, đồng thời bắt phải quay video diễn biến cuộc tấn công khủng bố, phá hoại, giết cán bộ gửi cho Y Quynh Bdap để tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế.

Cần phải thông tin thêm, vào năm 2012, Y Quynh Bdap đã từng bị bắt tạm giam 5 tháng về hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng nên đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với Y Quynh Bdap và giao cho địa phương quản lý, giáo dục. Được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, lẽ ra Y Quynh Bdap phải ăn năn hối hận, tự biết sửa mình thế nhưng y vẫn thể hiện bản chất ngoan cố, tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp, vượt biên trái phép sang Thái Lan.

Tại đây Y Quynh Bdap lập ra tổ chức “Người Thượng vì công lý” - một tổ chức phản động, tập hợp nhóm người dân tộc thiểu số tại Thái Lan có tư tưởng chống phá Nhà nước Việt Nam. Với vỏ bọc đấu tranh đòi công lý cho người Thượng ở Tây Nguyên, các đối tượng ra sức xuyên tạc, bóp méo, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị. Ngoài ra, các đối tượng còn liên kết và nhận sự hậu thuẫn của tổ chức phản động “Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS”, thường xuyên tuyên truyền, kích động chống phá, lôi kéo, móc nối các đường dây tổ chức đưa người dân tộc thiểu số trốn đi nước ngoài. Liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/6 xảy ra tại huyện Cư Kuin, Y Quynh Bdap trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đối tượng trong nước thực hiện vụ tấn công đẫm máu với hành vi man rợ, mất hết nhân tính, gây phẫn nộ dư luận.

Từ những bằng chứng không thể chối cãi, tháng 1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án Y Quynh Bdap 10 năm tù với tội danh “Khủng bố”, và quyết định truy nã đặc biệt đã được ban hành đối với y. Các đối tượng khác trong vụ tấn công cũng đã bày tỏ sự hối hận về hành vi của mình, nhận thức rõ ràng hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra đối với gia đình và xã hội. Vụ việc đã phần nào phơi bày bộ mặt thật của tổ chức “Người Thượng vì công lý” cho dù sau vụ khủng bố, tổ chức này vẫn cố tình phát thông cáo báo chí, khẳng định “không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì”, “ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc và các chính phủ của những nước dân chủ”. Nói một đằng, làm một nẻo, bản chất chống phá, phản động của “Người Thượng vì công lý” đã bị thực tế vạch trần.

Ngày 6/3/2024, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã ra thông báo về tổ chức khủng bố “Người Thượng vì công lý - MSFJ”. Thông báo nêu rõ đối tượng cầm đầu, chỉ huy là Y Quynh Bdap sinh năm 1992 tại xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, quốc tịch Việt Nam; Y Phik Hdok sinh năm 1993 tại buôn M’Duk, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Y Pher Hdrue sinh năm 1979 tại buôn Êa Khít, xã Êa Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; H’ Biăp Krông sinh năm 1987 tại buôn Kwăng, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk; Y Aron Êban sinh năm 1985 tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk...

Từ nhiều năm nay, tội phạm khủng bố luôn là một thách thức an ninh đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bộ Công an xác định tổ chức “Người Thượng vì công lý-MSFJ” là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của MSFJ; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do MSFJ tổ chức; hoạt động theo chỉ đạo của MSFJ... là phạm tội “Khủng bố”, “Tài trợ khủng bố” và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, tội phạm khủng bố luôn là một thách thức an ninh đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đối phó với nguy cơ này, Liên hợp quốc đã thông qua 16 điều ước đa phương về chống khủng bố, tiêu biểu là Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố ngày 9/12/1999; Nghị quyết số 1373 ngày 28/9/ 2001 về chống khủng bố và tài trợ khủng bố. Tại nhiều quốc gia, tội phạm khủng bố đều bị nghiêm trị. Như ở Mỹ, sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chính phủ nước này đã thực thi “Đạo luật Yêu nước Mỹ”, trong đó tăng hình phạt đối với những người bị kết tội khủng bố và cho phép các bang thành lập cơ quan chống khủng bố riêng. Hầu hết luật chống khủng bố của các bang tại Mỹ đều được ban hành sau ngày 11/9/2001.

Còn ở Trung Quốc, chính quyền nước này nêu rõ quan điểm trừng phạt nghiêm những phần tử bạo lực khủng bố theo luật pháp là cần thiết để giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật, cần thiết để duy trì trật tự xã hội, cũng là cần thiết để bảo vệ quyền cơ bản của con người. Đồng thời khẳng định không có một nhà nước pháp quyền và có trách nhiệm nào lại dung túng hành động khủng bố bạo lực.

Tuy nhiên, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế, pháp luật nghiêm khắc của các quốc gia về chống khủng bố, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn cố tình xuyên tạc vụ việc liên quan đến Y Quynh Bdap và tổ chức phản động “Người Thượng vì công lý” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp người bất đồng chính kiến, đàn áp người dân tộc thiểu số, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nực cười là một kẻ tội phạm nguy hiểm, nhân chứng, vật chứng rõ ràng, đầy đủ, thế nhưng dưới sự nhào nặn của các đối tượng chống phá, phản động, Y Quynh Bdap lại được tô vẽ như một người hùng, với danh xưng “nhà hoạt động nhân quyền người Thượng”, “nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền”.

Gần đây khi Y Quynh Bdap bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ, một số tổ chức, cá nhân đã tự khoác lên mình sứ mạng bảo vệ “dân chủ, nhân quyền”, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế về phòng chống khủng bố mà ra sức tâng bốc tội phạm khủng bố Y Quynh Bdap là “người can đảm”, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng trả tự do cho Y Quynh Bdap, yêu cầu không dẫn độ về Việt Nam. Lẽ ra nếu tôn trọng luật pháp quốc tế, các tổ chức, cá nhân này cần hỗ trợ tích cực với Việt Nam trong việc điều tra, xét xử các đối tượng khủng bố đang sống lưu vong ở nước ngoài theo các công ước quốc tế, nghị quyết của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia chứ không phải ra sức bênh vực, tác động tới nhà chức trách Thái Lan đòi trả tự do cho y.

Ngày 31/7/2024, báo Bangkok Post dẫn lời ông Chai Wacharonke, Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ không can thiệp vào tiến trình tố tụng liên quan đến đối tượng Y Quynh Bdap. Rõ ràng những cáo buộc, đòi hỏi phi lý về việc trả tự do cho Y Quynh Bdap, bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh quốc gia mà các tổ chức, cá nhân chống phá, thù địch đưa ra sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Trong khi ra sức “đánh bóng” Y Quynh Bdap, các thế lực phản động đang cố tình lờ đi một sự thật không kém phần chua xót, đó là nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết, tin vào những lời lừa phỉnh, hứa hẹn của Y Quynh Bdap về cuộc sống “thiên đường” ở nước ngoài để rồi bán đất đai, tài sản, đưa hết tiền của cho Y Quynh Bdap và đồng bọn để vượt biên sang Thái Lan. Thế nhưng làm gì có giấc mộng thiên đường, không cần làm mà vẫn có ăn. Kẻ tráo trở Y Quynh Bdap cũng lập tức bỏ mặc những người nhẹ dạ khiến họ rơi vào cảnh không có công ăn việc làm, phải sống “bầy đàn”, cực khổ trong trại tỵ nạn. Một số người liều lĩnh trốn ra ngoài kiếm việc làm đã bị lực lượng chức năng Thái Lan truy bắt, cuộc sống bế tắc muốn quay về nước nhưng không có tiền.

Vụ khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kuin đã gây phẫn nộ dư luận trong nước cũng như quốc tế, nên việc xét xử, nghiêm trị những đối tượng khủng bố, lấy danh nghĩa nhân quyền và tự do tôn giáo để tuyên truyền, kích động, ủng hộ bạo lực, khủng bố... được dư luận, nhân dân và bạn bè quốc tế đòi hỏi, yêu cầu và quan tâm sát sao. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế về phòng chống khủng bố, tích cực hỗ trợ các nước trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các tổ chức tội phạm khủng bố quốc tế, bảo vệ các quyền tự do, lợi ích chính đáng của công dân.

Tuy nhiên với các đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá, mưu đồ lật đổ chính quyền, xâm hại, đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia sẽ bị nghiêm trị, công lý cần phải được thực thi. Không một tổ chức cá nhân nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các hành vi cản trở việc thực thi pháp luật, đồng lõa, bảo trợ cho các đối tượng khủng bố cần phải bị ngăn chặn và lên án.

Theo ĐÔNG Á (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.