(GLO)- Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Ngân hàng (NH) đã có nhiều động thái tích cực nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn như công bố giảm lãi suất huy động xuống còn 5-7%/năm, điều chỉnh trần lãi suất cho vay về mức tối đa 15%/năm...
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách chưa thể rút ngắn vì hầu hết các DN không còn tài sản thế chấp để tiếp cận vốn vay mới, trong khi các NH lại cẩn trọng với nợ xấu-nhất là thời điểm thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phân loại nợ đang đến gần.
Theo số liệu thống kê của NHNN-Chi nhánh Gia Lai, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo từ NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 3-2013, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tạo điều kiện cho DN có thêm điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn trước mắt.
Cụ thể, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 cho 115 DN, với dư nợ 1.791 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 487 tỷ đồng, gia hạn nợ 1.304 tỷ đồng. Về thực hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn, các NHTM đã cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 7.792 khách hàng với dư nợ 2.934 tỷ đồng (trong đó có 616 DN).
Về điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các NH đã điều chỉnh cho 50.459 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh là 15.194 tỷ đồng, chiếm 94,7% tổng dư nợ lãi suất trên 15%. Trong đó có 1.119 DN với dư nợ được điều chỉnh là 8.457 tỷ đồng, chiếm 96,3% tổng dư nợ lãi suất trên 15% của các DN. Nhìn chung, mức lãi suất cho vay hiện nay ở mức bình quân từ 10% đến 13%/năm, riêng lãi suất cho vay xuất khẩu ở mức 9-10%/năm.
Riêng lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn được đánh giá có mức tăng trưởng khá, phần đông khách hàng là hộ sản xuất kinh doanh, cá nhân. Các NHTM đã cho vay lĩnh vực này với dư nợ 13.286 tỷ đồng (trong đó cho vay ngắn hạn là 8.359 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 62,9%; cho vay trung và dài hạn là 4.927 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 37,1%), có 203.397 khách hàng còn dư nợ (trong đó có 701 DN). Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 4.155 tỷ đồng với 156.548 khách hàng (trong đó có 147 DN).
Mặc dù ngành NH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng xem ra việc tiếp cận vốn vay của DN vẫn rất khó vì nguyên nhân căn bản: DN không còn tài sản để thế chấp, hàng tồn kho nhiều bởi không có đầu ra. Để giải tỏa bớt áp lực cho DN, theo ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh, cần nhanh chóng thanh toán vốn các công trình xây dựng cơ bản cho DN thi công.
Bởi hiện nay, nhiều DN gặp khó về vốn do chủ đầu tư chậm trễ trong khâu quyết toán công trình. Bên cạnh đó, đề xuất tỉnh thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các DN trong công tác vay vốn. Đồng thời kiến nghị Thống đốc NHNN Việt Nam cho phép chậm thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ. Hiện nay, các NHTM đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ gần 1.800 tỷ đồng, nếu áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN từ ngày 1-6-2013 thì số nợ được điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn theo Quyết định 780/QĐ-NHNN có nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu. Hệ quả tất yếu kéo theo là các DN càng khó khăn hơn khi tiếp cận vốn vay mới khi bị xếp vào nhóm nợ xấu, còn NH đương nhiên gia tăng áp lực về trích chi phí dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng.
Hải Bình