Cơ hội vực dậy phong trào futsal Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai từng là nơi xuất thân của nhiều cầu thủ futsal tài năng. Tuy nhiên, những năm gần đây, môn thể thao này lại khá trầm lắng. Vì vậy, Giải Futsal toàn tỉnh năm 2023 vừa khai mạc sáng qua (4-4) chính là cơ hội để vực dậy phong trào.

Không có đội bóng futsal chuyên nghiệp, song cái tên Gia Lai ít nhiều để lại dấu ấn ở đấu trường quốc gia. Không ít cầu thủ của tỉnh từng chơi futsal chuyên nghiệp, thậm chí khoác áo đội tuyển quốc gia như: Mai Thành Đạt, Ngô Đình Thuận, Đoàn Minh Quang. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII-2018, Gia Lai là một trong những địa phương có đại diện tranh tài ở môn futsal. Đây là thành quả của sự phát triển môn futsal thông qua các giải đấu phong trào.

Trong 2 năm 2018-2019, các giải futsal trong tỉnh đã thực sự tạo ra sức hút lớn với việc quy tụ các đội bóng futsal chuyên nghiệp như: Savinest Khánh Hòa, Sài Gòn FC hay một số cầu thủ của đội bóng Thái Sơn Nam, Hải Phương Nam Phú Nhuận. Nhiều ông bầu đã mạnh tay trút hầu bao để ký hợp đồng với các cầu thủ chuyên nghiệp hoặc các tổ đấu “phủi” nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đak Lak. Do đó, mỗi giải đấu trở thành ngày hội của những người đam mê bóng đá phong trào với hàng ngàn lượt khán giả cổ vũ mỗi ngày.

Ngoài các giải trong nhà, nền tảng của futsal là bóng đá 5 người trên sân cỏ nhân tạo cũng liên tiếp có các giải đấu chất lượng như: Giải bóng đá doanh nghiệp tỉnh, Giải bóng đá Cúp Bia Sài Gòn, Giải bóng đá Cúp Bia Larue…

Dẫu vậy, với sự “lấn sân” của phong trào sân 7 nở rộ trên toàn quốc nên bóng đá sân 5 người nói chung và futsal nói riêng bị… lép vế. Thực tế, futsal vẫn là môn thể thao đối kháng cao mang đến sự hấp dẫn, kịch tính và đặc biệt Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển. Bởi vậy, việc phong trào futsal đi xuống là một nốt trầm của thể thao tỉnh nhà.

Do đó, Giải Futsal toàn tỉnh năm 2023 là cơ hội tốt để thúc đẩy phong trào futsal phát triển. Giải năm nay quy tụ hơn 250 cầu thủ của 20 đội bóng trong toàn tỉnh. Các đội bóng được chia làm 6 bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt để chọn ra 8 đội xuất sắc nhất góp mặt ở vòng tứ kết. Trận chung kết và lễ trao thưởng sẽ diễn ra vào chiều 9-4.

Giải đấu là cơ hội để vực dậy phong trào futsal ở Gia Lai. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Giải đấu là cơ hội để vực dậy phong trào futsal ở Gia Lai. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Sự thay đổi lớn nhất của giải đấu năm nay là các đội tham gia đóng lệ phí 1 triệu đồng/đội thay vì không đóng góp như mọi năm. Theo Ban tổ chức, toàn bộ 20 triệu đồng do các đội đóng góp sẽ được bổ sung vào cơ cấu giải thưởng cho các đội xếp hạng cao cũng như các giải cá nhân. Cách làm này đẩy giá trị giải thưởng lên cao tạo sự khích lệ cho các đội bóng tranh tài.

Theo đó, đội vô địch nhận được 9 triệu đồng, đội hạng nhì nhận 7 triệu đồng và đội hạng ba nhận 5 triệu đồng. Đây được xem là sự bắt nhịp với các giải đấu phong trào tự phát khi huy động nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng nới lỏng khung giờ thi đấu vào chiều tối tạo điều kiện cho cầu thủ tham gia và đặc biệt là khán giả đến cổ vũ thay vì sắp xếp tất cả các trận đấu rơi vào khung giờ hành chính.

Anh Nguyễn Văn Kỳ-huấn luyện viên đội bóng Yên Đổ FC-chia sẻ: “Những năm trước, các đội không đóng tiền lệ phí giải nên giá trị giải thưởng khá thấp so với các giải tự phát khác. Năm nay, chúng tôi sẵn sàng đóng thêm kinh phí để các đội thi đấu nỗ lực hơn. Theo tôi, Ban tổ chức nên bãi bỏ quy định cấm cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu, bởi những nhân tố này sẽ tạo sức hút cho giải, cầu thủ tại Gia Lai cũng có dịp học hỏi”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Ý-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Gia Lai là địa phương có tiềm năng phát triển môn futsal. Tuy nhiên, thời gian qua, futsal có dấu hiệu trầm lắng bởi nhiều yếu tố. Qua giải đấu lần này, chúng tôi hy vọng phần nào vực dậy môn futsal tỉnh nhà, tìm ra những nhân tố nòng cốt để bồi dưỡng, phát triển. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của các đội bóng để tổ chức giải một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn, thành công”.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bìa phải) trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: L.V.N

Xuyên Việt bằng xe đạp ở tuổi lục tuần

(GLO)- Với những thanh niên khỏe mạnh, việc đạp xe xuyên Việt đã là thử thách rất lớn vì đòi hỏi thể lực, sức bền cùng sự quyết tâm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1962, tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã làm được điều đó khi ở tuổi lục tuần.