Chuyện ông Vân làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tọa lạc trên diện tích 26 ha ngay sát bên quốc lộ 14 (thuộc địa phận xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân với phong cảnh hữu tình, nên thơ đã được xây dựng hơn 20 năm qua bằng chính tâm huyết của một người nông dân chân chất: Nguyễn Hoàng Vân.

Quyết tâm làm du lịch

Năm 1994, khi vừa từ huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) chân ướt chân ráo đến Gia Lai, ông Nguyễn Hoàng Vân đã nghĩ ngay đến việc làm gì để phát triển du lịch. “Tôi chọn Gia Lai chứ không phải một vùng đất nào khác bởi ở đây có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch”-ông Vân bày tỏ.

 

Người dân tấp nập đổ về Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: P.V
Người dân tấp nập đổ về Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: P.V

Ý tưởng làm du lịch nảy sinh từ một chuyến đi của ông vào TP. Hồ Chí Minh năm 1990. Đây cũng là năm mà đất nước xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Rồi ông rời quê nhà, lên Gia Lai tìm kiếm một mảnh đất thích hợp để thỏa đam mê. Ông Vân bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, để tìm địa điểm thích hợp, tôi đã đi không dưới 2.000 km khắp cả tỉnh, ngược lên cả vùng Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Thế rồi đứng trước vùng thung lũng cằn cỗi ở đây, tôi lại xiêu lòng, quyết tâm gầy dựng cơ nghiệp cho bằng được mặc sự can ngăn của gia đình, anh em, họ hàng”. Mảnh đất mà ông Vân lựa chọn ấy chính là nơi khởi nguồn của dòng suối Ia Ring. Theo ông Vân, dưới khu đất này có long mạch nên khi đào xuống thấy nước chảy ra có màu ngọc bích rất đẹp. Từ đó, hành trình đào ao, đắp đồi của ông bắt đầu. Mặc cho người thân phản đối kịch liệt, ông Vân vẫn cần mẫn, cặm cụi, dành hết tâm huyết cho công trình du lịch để đời của mình.

“Cứ có bao nhiêu tiền là tôi lại đầu tư vào xây dựng các hạng mục của công trình. Rồi tôi đi tham quan các khu du lịch, các mô hình hay ở khắp nơi, học hỏi đem về áp dụng cho khu du lịch của mình. Nếu ai theo dõi sẽ thấy, so với trước đây, nơi này đã đổi khác rất nhiều, quy củ hơn, xanh mát và đẹp mắt hơn”-ông Vân bày tỏ. Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân chính thức hoạt động từ năm 2011 sau khoảng thời gian dài dày công xây dựng, vun vén. Không cần quảng cáo, địa chỉ này ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và ghé thăm.     

Xanh mát vẻ đẹp thiên nhiên

Chỉ cách trung tâm TP. Pleiku chừng 15 km, Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân là điểm tham quan nghỉ dưỡng khá lý thú. Nhờ diện tích mặt hồ rộng tới 6 ha, lúc nào cũng xanh trong, phẳng lặng soi bóng hàng cau xanh mát, không gian của Hoàng Vân đem đến cảm giác bình yên, dễ chịu cho du khách. Trên mặt hồ rộng lớn ấy, ông Vân cho đặt hơn chục chiếc chòi phao dùng làm nơi cho du khách câu cá thư giãn, vừa có thể ăn uống, tổ chức tiệc tùng. Ngoài ra, ông còn tổ chức các trò chơi như: đi xe đạp trên nước, đua thuyền kayak, đạp vịt, thiên nga… để phục vụ nhu cầu vui chơi của du khách. Nằm dọc theo bờ hồ là khu nghỉ dưỡng với 8 phòng xây tách biệt mang phong cách nhà sàn Tây Nguyên. Trong khuôn viên của khu du lịch rộng lớn này còn có vườn cây ăn quả và khu vực đền thờ tâm linh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vân tự nhận mình là người “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng may mắn là ông chạy đúng hướng. Bởi sau bao gian khó, nỗ lực của ông đã được đền đáp. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân đã đón hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày. Bạn Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết: “Mình cũng đã đi khá nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. So với những nơi khác thì Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân khá gần trung tâm, lại có không gian xanh mát, thoáng đãng, rất thích hợp để vui chơi, giải trí vào cuối tuần hay dịp lễ, Tết”. Đáng mừng hơn, Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân cũng đã được tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh, mở ra một hướng đi mới trong phương thức làm du lịch của ông. “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục như bến du thuyền 2 (dài 600 m), bổ sung vườn cây ăn trái 4 mùa, khu tâm linh và đền tưởng niệm Bác Hồ”-ông Vân chia sẻ.

Xuất phát từ niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt và mong muốn đóng góp sức mình để phát triển quê hương thứ 2, từ khi khu du lịch đi vào hoạt động, ông Vân còn thuê 20 nhân viên phục vụ là người Jrai, tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập (trung bình 4 triệu đồng/người/tháng), dịp lễ, Tết có thể từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Người chủ của “vườn địa đàng Hoàng Vân” tâm sự: “Tôi làm khu du lịch này không phải là để lại cho con, cho cháu mà chính là để lại cho đời một vẻ đẹp, một nơi thật sự gần gũi với thiên nhiên, đất trời”.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

(GLO)- Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.