Chuyến du lịch không đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một mình một vali, vừa ra khỏi nhà, chị đã thấy chống chếnh, bao lâu rồi chị không có cảm giác một mình. Xe lắc lư bốn tiếng, thả chị xuống một nơi hoàn toàn xa lạ.

 


Chị ngỡ ngàng khi nhận ra Hiền, người phụ nữ lam lũ nhưng tươi tắn, ào tới khoác vai chị như thời còn đi học, ríu rít kéo nước giếng khơi lên cho chị rửa mặt, rồi dúi đầu vào nhau soi mình vào chậu nước, bảo trông cứ như hai cô cháu.

Chị cười. So với Hiền và một số bạn bè, chị hẳn có cuộc sống mơ ước. Chị cũng từng nghĩ thế, tự nhủ cuộc sống của người phụ nữ là gia đình và con cái, chị có một gia đình để chăm sóc, có hai đứa con để chăm lo, chị còn muốn gì nữa.

Chị thở dài, muốn gì à?

***

Từ ngày sinh con bé, anh nói chị ở nhà chăm con và chăm sóc nhà cửa. Ngày trước có một đứa, thằng bé cứ lây lất từ nhà nọ sang nhà kia. Sáng mẹ chở đến trường, chiều cô giáo đón về, hôm nào cô không đón được thì lại nhờ bác hàng xóm chạy xe ôm. Đón thằng bé về mà có ai gọi xe, bác lại gửi thằng bé sang nhà hàng xóm. Ngày ấy làm gì đã có điện thoại như bây giờ, nên có ngày chị bươn bả chạy từ nơi nọ sang nơi kia tìm con, có hôm chín giờ tối mẹ con mới về đến nhà.

Sinh con bé, anh được thăng chức, anh nói con bé là thần tài của ba, giờ anh có thể cáng đáng cho gia đình, chị ở nhà chăm con cho cứng cáp, con là con gái, lại yếu ớt, không thả như thằng anh được. Thằng anh cũng tội nghiệp nhiều rồi, cũng nên bù đắp cho con em. Thế là một ngày của chị xoay quanh hai đứa trẻ, hai thau quần áo, ba tầng lầu cần lau chùi và ba bữa ăn, còn những việc linh tinh khác chị không nhớ rõ. Mà có ai hỏi đến đâu mà cần nhớ, cần kể. Con gái vào cấp một, rồi cấp hai. Chị bao lần có ý định đi làm nhưng anh không đồng ý, nói: “Nhà quen có em rồi. Em nghỉ ở nhà lâu quá, đi làm giờ lương được bao nhiêu có đủ tiền thuê giúp việc không. Chưa kể con cái ngày một lớn, anh thì tối ngày ngoài đường, em không cần gửi con nhỡ có chuyện gì…”.

Thế là chị ngậm ngùi xếp lại bộ hồ sơ đã chuẩn bị mất mấy ngày. Chị gọi cho bạn cũ, ai cũng bảo chị nên ở nhà, đi làm làm gì khi tiền đã không thiếu. Hàng tháng, chồng đưa tiền cho chị chợ búa và chi tiêu. Anh rất khéo léo, chưa bao giờ khiến chị có cảm giác mình được phát lương, anh cũng phụ chị để ý hai đứa con. Những bữa ăn cơm nhà, anh luôn nói hai con phải thương yêu gần gũi mẹ, ba con mình cả ngày bay nhảy ở ngoài, có mình mẹ ở nhà thui thủi, về thì phải cùng mẹ làm việc, chuyện trò cho mẹ vui, nhà này vắng mẹ một ngày là không xong đâu.

Hẳn anh nhớ lần chị bị sốt xuất huyết nằm viện mười ngày. Anh nói mười ngày như ác mộng khi hai đứa trẻ cần đưa đón, áo quần cơm nước, chưa kể còn phải ra vào viện với chị. Chị về và không nhận ra nhà mình khi mọi thứ xáo trộn lung tung. Quần áo cũ thay ra bạ đâu vứt đấy và vùi lấp cái máy giặt. Sàn nhà một lớp bụi dày, có cả vết giày trên nền nhà, hẳn anh hay con trai quên gì đó, vội quá không cả tháo giày, hoặc nghĩ đằng nào nền nhà cũng đã bẩn, giữ làm gì nữa.

Tháng trước, con trai dẫn bạn gái về, nhìn cô gái lênh khênh trên đôi giày cao gót, chị đã có gì đó không vui. Con trai khoe: “Mẹ anh nấu ăn ngon lắm. Em thích ăn gì thì nói mẹ làm cho ăn”. Chị chưng hửng, sao không phải là em xuống nấu ăn phụ mẹ mà là thích ăn gì nói mẹ? Đi nhà hàng muốn gọi món cũng phải nhìn thực đơn, đâu phải cứ muốn là có?

Cô gái vui vẻ: Em thích ăn cua gạch sốt me, món đó phải gỡ dơ tay lắm, nhưng ăn ở nhà anh, có anh gỡ giùm rồi. Thêm tôm nướng muối hạt nha, với...

Bỏ lại đôi trẻ tíu tít, chị xách giỏ đi chợ, lòng trào lên một nỗi rất khó gọi tên. Bạn chị khi cưới vợ cho con, nói tủi thân khi bị ra rìa, chị biết mình rồi sẽ có ngày này, nhưng không nghĩ nó còn phũ phàng đến vậy. Con trai rồi sẽ có gia đình là đương nhiên, nó sẽ rời cha mẹ để lo cho vợ con nó, nhưng đâu đến mức nó coi mẹ như người giúp việc, đưa bạn gái về mà không cần báo trước rồi yêu cầu mẹ vào bếp. Đã vậy, được bạn trai bóc vỏ cua, mà cô còn hồn nhiên chê cua này ít gạch, chắc giá rẻ. Chị đợi phản ứng của con trai, nhưng rồi thất vọng khi con trai im lặng.

Chiều qua, con trai về muộn, chị chưa kịp khoe bữa tối có món rạm kho mà con thích thì con cau mày hỏi: “Cái áo thun xanh của con mẹ để đâu, con mới mặc hôm kia, nay sao tìm không thấy”. Chị nhíu mày, hôm qua chị cảm chưa giặt đồ, cái áo ấy hẳn mới giặt hôm nay chưa kịp khô.

Con trai cao giọng: Mẹ ở nhà làm gì mà cái áo từ hôm kia để đến nay mới giặt? Mẹ có biết là con cần không? Con trai còn làu bàu thêm mấy câu nữa, chị nuốt nước mắt đi xuống nhà. Những câu nói như vậy mỗi ngày chị nghe thường xuyên hơn. Con gái không có món nó thích sẽ cằn nhằn: Con dặn mẹ thế rồi. Anh cũng: Nhắc em bao lần là đừng di chuyển mấy chai rượu của anh...

Ai cũng có việc của mình và việc của chị là phải làm vừa lòng ba bố con. Chị bị sốt, con trai đưa thuốc cho chị bảo, mẹ ở nhà suốt có ra mưa nắng gì đâu mà cũng ốm.

***

Đi đến ngày thứ ba, chị mới bật điện thoại, bỏ qua các cuộc gọi nhỡ, chị nhắn cho cha con anh mấy chữ nói mệt rồi, muốn nghỉ ngơi. Con trai gọi lại ngay, có vẻ cáu: “Mẹ đi đâu phải nói chứ, nhà cửa bỏ đó mà đi được”. Chị cười: “Nhà của mẹ mà, mẹ hoàn toàn có quyền làm mọi chuyện với nó”. Con trai nghe chị rắn giọng, có vẻ chột dạ. Con gái biết ý hơn, nói: Mẹ buồn con hả mẹ, con biết lỗi rồi. Từ nay con sẽ làm việc nhà đỡ mẹ, mẹ cứ ở đó chơi ít bữa rồi về nha.

Mỗi ngày vài cuộc điện thoại, Hiền nói: Bà còn mong gì nữa khi chồng quan tâm, con cái khỏe mạnh, còn sống sao là quyền của tụi nó khi mình đã dạy dỗ uốn nắn. Chị cười, bữa đầu đến đây, chị cảm giác mình như cô gái nhỏ giận mà bỏ nhà ra đi, nhưng thấy cách Hiền sống với đám con, chị nghĩ có khi mình cũng nên buông tay được rồi. Chuyến đi khiến chị học được nhiều điều, Hiền vất vả nhưng vui vẻ, con trai con dâu đùa giỡn với mẹ như bạn bè. Biết nhà có khách, con dâu mang đồ sang nấu ở nhà mẹ chồng rồi “lợi dụng” học nghề luôn. Hiền bảo: “Đã đến lúc được nghỉ ngơi rồi”. Như bản năng, lâu lâu chị lại đá mắt xuống bếp, buồn cười khi hai vợ chồng trẻ háy nhau: Tính lấy lòng mẹ chồng hay sao mà nhà có gì khuân hết sang vậy? Lát thế nào mẹ cũng phát hiện ra con gà già, mắt mũi em để đâu mà bắt nhầm thế, con mái tơ lông nó vàng hơn cơ mà!

Mấy nay, sáng nào Hiền cũng rủ chị đi chợ, chị muốn mua gì, Hiền cũng đòi trả tiền, nói: “Bà là khách, mấy chục năm rồi mới gặp nhau, để tôi đãi, mai kia còn có cớ lên nhà bà ăn chực”. Chị sáng mắt: Nói thật nhé, bà đến đi, tôi gọi cả bọn cái Hà, cái Linh đến. Rất nhanh, trong đầu chị đã nghĩ đến những món gì đãi bạn, chẳng cần sang trọng cầu kỳ nhưng chắc chắn là vui, y như thời ký túc ở giường tầng, có củ khoai một người lột vỏ, bảy tám cái miệng ghé vào đòi cắn...

 

Theo KHÁNH HIỀN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.