Chuyện cổ tích về người thầy ở vùng cao xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhìn học trò vượt rừng, vượt suối gần nửa ngày đến trường trong khó nhọc, thầy Đặng Văn Cương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) thương cảm trước sự khó khăn, thiếu thốn của các em nên đã vận động phụ huynh cho các em đến trường ở nội trú. Rồi, không chỉ đi vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất để cho các em được cơm no, áo ấm, thầy còn lấy lương của mình ra lo cho các em.

Người cha của cậu học trò tí hon

Hôm chúng tôi đến, thầy Cương đang hướng dẫn cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể, người đồng bào Hrê, học sinh lớp 1B viết chữ. Như hiểu được ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, thầy cười hiền, nói: “Đây là học trò tí hon nhất của trường, tuy đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 56 cm và nặng chưa tới 4kg. Cháu ở nội trú tại trường và ở cùng với tôi, mọi sinh hoạt hằng ngày cháu tôi đều lo liệu. Tôi xem cháu như con của mình vậy”.

 

Thầy Cương dạy học cho học sinh thôn Gò Da ở nội trú.
Thầy Cương dạy học cho học sinh thôn Gò Da ở nội trú.

Thật vậy, con đường để cậu học sinh đặc biệt này đến với trường lớp ghi đậm dấu ấn của thầy Cương. Năm 2016, trong một lần đi vận động học sinh đến trường lớp ở thôn Gò Da, thầy Cương phát hiện ra trường hợp của K’Rể. Nhìn thân hình bé tẹo teo, những bước đi khó nhọc của cậu bé tí hon đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường, thầy Cương thương cảm và dành cả ngày thuyết phục gia đình để được đưa cậu bé về trường, với lời hứa sẽ tận tay mình chăm sóc, dạy dỗ cháu.

Sự kiên trì đưa học trò đến lớp của thầy Cương cuối cùng cũng được gia đình đồng ý. Sáng hôm sau, người thầy này một mình vượt 5 giờ đồng hồ đường rừng suối để đưa K’Rể về trường. Từ ngày đi học, mọi sinh hoạt của K’Rể từ ăn, uống, tắm, đi vệ sinh... đều do một tay thầy Cương cáng đáng. Qua một năm học, từ đứa trẻ nhút nhát khi còn ở với bố mẹ, bây giờ K’Rể rất hiếu động. Cậu học trò này bắt đầu nói được những tiếng ghép đơn giản, cầm bút viết nguệch ngoạc được những chữ cái. Ngoài giờ học, K’Rể vui đùa cùng các bạn, đá bóng nhựa, nhổ cỏ rau…

Từ ngày nhận K’Rể về trường đến nay, thầy Cương vừa làm quản lý chỉ đạo chuyên môn, tổ chức đời sống nội trú cho các em học sinh xa nhà, lại vừa phải chăm sóc một “đứa con” không cùng máu mủ. Bây giờ, ở xã Sơn Ba, nhắc tới cậu học trò tí hon thì người dân biết đến thầy Cương và nhắc về thầy Hiệu trưởng này thì họ cũng nghĩ ngay đến K’Rể. Bởi, hai thầy trò đã quá nổi tiếng ở rẻo cao Sơn Ba này.

Cổ tích đẹp giữa đời thường

Không phải từ ngày nhận cậu học trò đặc biệt này về trường lớp, thầy Cương mới được người dân biết đến, mà từ lâu người thầy này đã được người dân nơi đây ví như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường. Là Hiệu trưởng nhà trường, ngày ngày chứng kiến học trò của mình ở thôn Gò Da phải đi 5 giờ đồng hồ qua 1 con sông Re mênh mông, 11 ngọn núi, 9 con suối nhỏ đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn đã thôi thúc thầy phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em. Thầy Cương xác định phải đưa các em xuống núi học nội trú tại trường, nếu cứ để các em đi học mỗi ngày thì các em sẽ bỏ học giữa chừng.

Nghĩ là làm, đầu năm học 2009, thầy Cương đề xuất với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà đưa các em về ở nội trú tại trường. Sau đó, thầy trực tiếp đến thôn Gò Da để đưa học sinh ra lớp, cho các em ở nội trú tại trường. Để thuyết phục phụ huynh, thầy hứa với họ sẽ nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà. Vận động được học sinh ra lớp đã khó, nhưng đứng trước việc phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho gần 40 học sinh đối với một trường tiểu học vùng cao là điều không tưởng.

Ngay sau khi đưa học sinh Gò Da về trường ở nội trú, các thầy cô xếp dọn 3 phòng ở, vốn là phòng giáo viên cho các em tá túc. Cũng từ ngày đó, sau giờ dạy trên lớp các thầy đến các thôn xin cây gỗ về đục đẽo làm nhà ăn, rồi cùng nhau đóng bàn ghế. Bàn tay thầy giáo quen cầm phấn, cầm bút giờ lại cầm cưa, cầm đục, cưa đục… Trường có 32 giáo viên, trong đó 12 thầy, cô ở miền xuôi lên công tác không thể đi về trong ngày cho nên phải ở nội trú. Những thầy, cô này cáng đáng luôn phần việc nấu ăn, chăm sóc các học sinh nội trú.

Nhớ lại những ngày đầu đưa các em về trường, thầy Cương bảo: “Khi các em mới về trường, chúng tôi không nhận được khoản trợ cấp nào để lo cho các em nên tôi lấy tiền lương của mình lo cho các em. Tôi động viên các thầy, cô giáo trong trường cùng tôi nuôi học trò, bằng mọi giá không để học trò về lại làng”.

Biết các em không thể có bữa cơm đầy đủ từ đồng lương của mình nên thầy Cương ra Huyện ủy, UBND huyện Sơn Hà xin hỗ trợ tiền; đồng thời, vận động khắp nơi xin gạo, dầu ăn, mắm, muối nuôi các em. Ròng rã nhiều tháng trời vận động, rồi những thùng mì tôm, những bao gạo, những thùng quần áo cũ từ miền xuôi lần lượt được chuyển lên cho các em.

 

Thầy Cương dạy K’Rể tập viết.
Thầy Cương dạy K’Rể tập viết.

Năm 2013, thầy Cương thiết kế mô hình vườn rau trong trường học để cung cấp thực phẩm sạch tại chỗ cho các em. Vườn rau của trường là một mảnh vườn rộng chừng 500m2 nằm ngay sau lưng dãy nhà ở của thầy cô và các em. Vườn có các loại rau cải, rau muống, xà lách, đậu ve... xanh tốt. Phía bên hông dãy nhà nội trú còn có đến gần trăm con gà, vịt. “Bữa ăn bán trú của các em không ngày nào thiếu rau sạch. Mỗi suất ăn của các em đều cố định nhưng thay vì mua rau, chúng tôi lại dùng số tiền đó để mua thêm thịt cá”, thầy Cương chia sẻ.

“Đó mới là lòng tốt không vụ lợi”

Suốt mấy mươi năm cống hiến cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Cương vẫn không nguôi ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục vùng khó. “Nghề giáo đã cho tôi niềm vui, cho tôi lẽ sống và các em học sinh là động lực, là cảm hứng cho tôi trong công việc mỗi ngày”, thầy tâm sự.

Bằng tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo, thầy Cương đã đóng góp tích cực cho công tác “trồng người” trên mảnh đất đầy gian khó này. Cũng là thầy đấy nhưng người thầy này có điều gì đó nặng với con chữ của học trò nơi này. Bằng tấm lòng vì trẻ thơ, thầy không chỉ truyền đạt, nuôi dưỡng tri thức cho con trẻ mà còn thay cha mẹ dạy dỗ, chỉ bảo tận tình từ cách xưng hô, đi đứng, chào hỏi cho các em.

Dẫu hôm nay bữa cơm đã no, manh áo đã ấm, bút mực, sách vở, áo quần đủ đầy hơn xưa, nhưng các em vẫn luôn mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội. Và, người thầy Hiệu trưởng này vẫn muốn các tổ chức, cá nhân ủng hộ gạo ăn, nước mắm, bột giặt… giúp đỡ các em. Giúp cho các em những điều thiết yếu ấy cũng chính là đã góp phần ươm mầm xanh cho tương lai vùng cao Sơn Ba vươn xa, bay cao.

Ông Đinh Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Sơn Ba, cho biết: “Những hình ảnh về các thầy, cô giáo ở trường Tiểu học Sơn Ba, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã tình nguyện nuôi nấng, dạy dỗ các em học sinh thôn Gò Da, trong đó có cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể đã khiến tôi thực sự xúc động. Đó mới là lòng tốt không vụ lợi, đó mới thực sự là tấm lòng đáng trân trọng. Thầy Cương đã trở thành một câu chuyện đẹp về một nhà giáo tận tụy, một người thầy hết lòng vì học trò vùng cao nơi này mỗi khi được nhắc tới”.

Phố Nhơn/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai tuyên dương cầu thủ Châu Ngọc Quang và Trần Trung Kiên

Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai tuyên dương cầu thủ Châu Ngọc Quang và Trần Trung Kiên

(GLO)- Chiều 18-1, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai đã gặp mặt, tuyên dương và tặng bằng khen cho 2 cầu thủ: Châu Ngọc Quang và Trần Trung Kiên có nhiều đóng góp vào chức vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam.

Nấu 200 suất ăn miễn phí cho thiếu nhi làng Têng 2

Nấu 200 suất ăn miễn phí cho thiếu nhi làng Têng 2

(GLO)- Ngày 18-1, Thành Đoàn-Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku phối hợp với Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Trường Đại học Việt Đức tổ chức chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng quang vinh-Mừng Xuân đổi mới” và chương trình “Xuân yêu thương-Tết đong đầy” tại làng Têng 2 (xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

Hơn 150 đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai

Hơn 150 đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 18-1, hơn 150 đoàn viên, thanh niên đến từ các tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã ra quân dọn vệ sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phía sau ánh hào quang của những cô gái 'vàng'

Phía sau ánh hào quang của những cô gái 'vàng'

Lô Thị Ngọc Thúy và Nguyễn Thiên Ngân với hai hành trình khác nhau, nhưng cùng chung một điểm chạm đó là đang sống trọn vẹn với đam mê. Ngọc Thúy - nghệ sĩ xiếc người Nùng, đã hy sinh tuổi trẻ, vượt qua chấn thương để theo đuổi những màn biểu diễn ngoạn mục.

Nguyễn Trọng Hoàng và gia đình trong ngày tốt nghiệp đại học (ảnh nhân vật cung cấp).

Nguyễn Trọng Hoàng: Chàng trai phố núi đa tài

(GLO)- Với thành tích học tập đáng nể, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), chàng trai phố núi Nguyễn Trọng Hoàng nhận được học bổng chương trình thạc sĩ của Memorial University of Newfoundland (Canada). Hoàng còn là tay vợt cừ khôi của làng banh nỉ.

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

(GLO)- Ngày 11-1, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Chi đoàn Cảnh sát Nhân dân I (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an xã Biển Hồ tổ chức chương trình “Xuân gắn kết” tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

(GLO)- Ngày 9-1, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức vòng chung kết Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2024-2025 với chủ đề “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” và chương trình giao lưu truyền thống “Tiếp bước cha anh”.

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Mặc dù là dân tộc Kinh nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk) – nơi có những buôn làng người M’nông bản địa sinh sống lâu đời nên có niềm đam mê đặc biệt với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.