Chuyện chưa biết về thiếu niên bắn rơi 2 viên tướng Mỹ - Kỳ 1: Một lòng theo cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lớn lên ở làng Maih, xã B6, huyện 4 (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chứng kiến cảnh dân làng, người thân đói khổ triền miên, bị địch tra tấn, bắn giết tàn bạo, Puih Glớ chẳng thể cam lòng. Năm 1968, khi chỉ mới đứng ngang ngực người lớn, Glớ quyết xin được đi làm cách mạng. Sau một thời gian trui rèn, Glớ đã lập những chiến công đáng nể ở tuổi thiếu niên. 
Nhiều người lớn tuổi ở xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) vẫn nhớ rõ chuyện thiếu niên Puih Glớ anh dũng bắn rơi 2 máy bay Mỹ chỉ bằng súng trường trong buổi chiều cách đây hơn nửa thế kỷ. Càng hy hữu khi trên máy bay có đến 2 tướng Mỹ. Một số tài liệu đáng tin cậy mà chúng tôi tiếp cận có nêu: Trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm ở Việt Nam, phía Mỹ có 11 tướng tử trận. Kết nối với chuyện người thiếu niên dũng cảm, chúng tôi quyết tâm tìm lại những chi tiết lịch sử xác thực, đáng giá về chiến công xuất sắc này nhằm làm sáng tỏ thêm sử liệu hiện có. 
Du kích nhỏ tuổi nhất đội
Thấy chúng tôi ghé thăm nhà, ông Ksor Hiếu-nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrung (trú tại làng Me, xã Ia Hrung) chỉnh tề thay bộ quân phục. Những kỷ niệm vừa gợi nhớ khiến ông không khỏi bồi hồi về năm tháng xưa cũ, nhất là chuyện người “đồng đội” nhỏ tuổi. Ông Hiếu kể lại: “Puih Glớ ngày ấy nhỏ lắm, chỉ đứng ngang ngực tôi thôi. Nó mặc cái quần ống thấp, ống cao, tóc vàng hoe cháy nắng chạy đến gặp Xã đội trưởng xin được tham gia cách mạng để trả thù cho cha mẹ, cho dân làng. Thằng Mỹ nó bắt cha của Glớ đánh đập, tra tấn khiến ông tàn tật. Mẹ và 3 anh chị em của Glớ cũng chết đói, chết rét. Hàng ngày, Glớ phải lên rẫy kiếm rau rừng, củ mì, củ khoai, quả chuối xanh… lo cho cha và đứa em còn lại. Tận mắt chứng kiến Mỹ-ngụy càn quét, Glớ thấy chúng ác hơn hổ báo. Chúng bắt gà, bắt heo, trâu bò của dân làng, chúng đốt làng mạc xơ xác, đánh đập dân làng, dồn dân, lập ấp. Thấy thằng bé còn nhỏ quá nên chúng tôi khuyên nên về, vài năm nữa cái chân chạy khỏe thì sẽ cho đi đánh Mỹ. Nhưng nó một mực không chịu, quyết xin tham gia cách mạng cho bằng được. Chúng tôi đành chấp nhận, thành ra nó là du kích nhỏ tuổi nhất đội”. 
Ông Ksor Hiếu-nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrung-bồi hồi kể chuyện về du kích Puih Glớ. Ảnh: P.L
Ông Ksor Hiếu-nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrung-bồi hồi kể chuyện về du kích Puih Glớ. Ảnh: Phương Loan
“Chỉ có cách mạng mới đem lại quyền lợi tự do cho Nhân dân, nên chết sống tôi quyết theo cách mạng đến cùng… Trong gian khổ ác liệt tôi chưa lúc nào bỏ nhiệm vụ”-trích bản báo cáo thành tích năm 1974 của chiến sĩ thi đua Puih Glớ.
Đáng tiếc là Puih Glớ đã mất năm 1986 do bệnh tật khi tuổi đời còn trẻ. Song, bản báo cáo thành tích của Puih Glớ năm 1974 mà chúng tôi may mắn tiếp cận được đã thay chủ nhân “kể” lại những câu chuyện đời ông bằng giọng điệu không thể chân thực hơn. Trong báo cáo không ghi rõ tham luận tại sự kiện nào, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đây có thể là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ IV-1974 họp tại vùng giải phóng với 200 đại biểu các đơn vị anh hùng, anh hùng và chiến sĩ thi đua về dự. Trên bản in ronéo cũ kỹ nêu rõ lý do Puih Glớ quyết tâm theo cách mạng: “Gia đình nghèo, cha mẹ tôi khổ lắm, thường phải ăn lá rau củ rừng, cơm có nhưng ít, muối thì lâu lâu mới có… Mỹ-ngụy thường xuyên đi bắt heo gà, trâu bò, lấy hết lúa gạo, đốt nhà, đánh đập bắn giết, phá nương rẫy nên dân làng và cha mẹ tôi phải đói khổ. Anh chị tôi đã lớn nhưng vì đói, đau và phải chạy trốn địch không có cơm ăn, thuốc uống, chết trong rừng. Cha tôi làm cán bộ kinh tế cho cách mạng (tiếp tế lương thực, thực phẩm-P.V) bị địch bắt tra tấn đánh đập bị tàn tật…”. 
Trong báo cáo này còn có những dòng chất chứa căm phẫn của chiến sĩ thi đua Puih Glớ: “Tôi thường nghe cha tôi và dân làng nói, thằng Mỹ-ngụy nó ác lắm… Còn thằng Mỹ-ngụy thì dân làng ta khổ miết rồi chết hết thôi. Tôi nghe tức lắm nhưng còn nhỏ chưa biết bắn súng, cái chân còn nhỏ chưa biết chạy nhanh làm sao đánh nó. Nhưng tôi biết chạy cái giấy được (đưa thư-P.V), chỉ cái đường cho bộ đội đi, nên tôi xin theo du kích vào rừng. Cha tôi dặn: Mày đi du kích đánh Mỹ, đánh ngụy phải đi đến cùng, không được bỏ về làng”. 
Những chiến công đầu tiên
Ông Ksor Hiếu hồi nhớ: Với tư chất thông minh, lanh lợi và thông đường thuộc lối nên đầu tiên Puih Glớ được giao nhiệm vụ làm giao liên từ vùng căn cứ cách mạng B6 qua vùng B5, ấp chiến lược Tân Giò, Pleiku Blang 3 của Mỹ. Được bộ đội dạy cho cái chữ, những lúc nguy nan, Glớ bèn mở mật thư ra nhanh chóng đọc thuộc rồi nuốt luôn vào bụng. Nhiều lần lính Mỹ túm được nhưng Glớ giả vờ đi kiếm củi, chúng lục soát không thấy gì nên đành thả ra.
Cứ thế, Glớ lớn dần lên, dũng cảm, gan dạ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên. Bàn chân non nớt của Glớ chi chít vết xước của cây rừng, vết chai do giẫm lên gai góc, sỏi đá sau cả trăm lượt xuyên rừng, vượt suối dẫn đường cho bộ đội. “Năm 1968, tôi vào ở với du kích làm liên lạc, chạy giấy từ tiểu đội du kích này qua tiểu đội du kích khác. Trong năm 1968, tôi đi chạy giấy, chỉ đường cho bộ đội gần 100 lần”-bản báo cáo nêu chi tiết. 
Bản báo cáo thành tích năm 1974 của du kích Puih Glớ. Ảnh: P.D
Bản báo cáo thành tích năm 1974 của du kích Puih Glớ. Ảnh: Phương Duyên
Có lần, 2 đại đội Mỹ đi càn đến chốt ở khu đồi gần làng Maih và canh gác rất chặt. Để nắm bắt tình hình, Xã đội đã giao cho Glớ nhiệm vụ cải trang thành em nhỏ Jrai vào rừng tìm măng. “Bữa đó trời mưa ướt lạnh lắm, tôi ráng chịu đào xới miết để Mỹ không chú ý. Tôi chạy qua chạy lại nhìn thấy tất cả mà không rõ, phải vào tới chỗ bọn lính ở để rõ hơn… Một tên Mỹ tay nó xách AR15 lăm lăm đi ra. Hai mắt nó xanh đục nhìn tôi rồi đứng lại. Một chặp thằng Mỹ hỏi bằng tiếng Gia rai: “Mầy làm gì đây, hở?”. Nghe nó nói tiếng Gia rai tôi liền trả lời: Đi tìm đồ hộp, đào măng le để ăn mà không có. Có đồ hộp không, cho mình ăn với”. Tên lính đồng ý cho Glớ vào chốt, lấy đồ hộp cho ăn rồi bắt nhổ tóc ngứa. Vừa nhổ tóc, Glớ vừa quan sát kỹ khắp lượt, thấy có tổng cộng gần 100 tên, nắm rõ đường đi, hầm hào, hàng rào, vũ khí, bãi mìn... Từ những chi tiết Glớ cung cấp, bộ đội và du kích xã đã tiêu diệt gọn chốt này, thu nhiều súng ống và chiến lợi phẩm.
“Từ những việc làm đó tôi dần dần quen, bắn được cái súng, cái chân chạy được nhanh hơn. Tôi không sợ như trước nữa”-ông Glớ kể trong bản thành tích. Đáng nói, trước đó 1 tháng, nhân lúc bọn địch lơ là, chủ quan khi đi càn ở làng Tô về, ông và 6 người trong đội đã phục kích bắn chết 3 tên, thu 2 súng AR15 và 2 ba lô. Thấy Glớ lập được nhiều thành tích, Xã đội trưởng Kôi đã đồng ý cho ông trực tiếp tham gia đánh giặc. 
PHƯƠNG LOAN-PHƯƠNG DUYÊN
-----------------------
Kỳ 2: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...