Chúa tể đồng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bọn trẻ ngày xưa ở thôn quê hầu hết phải chăn trâu. Ngày ấy, những năm đầu thập niên 1980, con trâu cáng đáng công việc đồng áng của mọi nhà nông. Cày bừa ruộng lúa, vỡ đất làm rẫy, kéo xe tải gỗ, phân ủ bón cây…, tất tật đều nhờ trâu.
Lũ trẻ chúng tôi trừ vài đứa ở chợ, còn lại đi học một buổi, chăn trâu một buổi. Tôi ở chợ, không làm nông nhưng cứ học về, ăn trưa xong lại trốn theo lũ bạn chăn trâu lăn lộn ngoài đồng đến chiều tối.
Thằng San bạn tôi, bố mất sớm, mới 14 tuổi nhưng có thâm niên chăn trâu hơn 7 năm. San nổi tiếng nhất cánh đồng Đê bởi trong đàn trâu nhà nó có Đực Mẫm. Khi trâu HTX giao cho nhà San nuôi đẻ ra Đực Mẫm, một tay nó chăm đến lớn.
Đực Mẫm càng lớn càng dữ tợn, sừng sững như quái thú. Cặp sừng nó dày cứng như sắt nguội, lông đen mun, trái cổ bằng cả 2 vòng tay. Đực Mẫm là chúa tể đồng xanh, húc văng tất cả con đực lảng vảng đến lãnh địa của nó ở đồng Đê, đồng Thượng, bàu Sình…

 
Vậy nhưng, với thằng San thì Đực Mẫm cun cút như chó con. San cưng nó lắm, suốt ngày vạch đám lông cứng như gai bắt từng con rận. Chiều lùa bầy trâu xuống kênh tắm, San luôn bơi theo nó lấy lá cây, đá cuội kỳ cọ tấm lưng đen kịt. Đực Mẫm thích nhất buổi trưa nằm lim dim nhai cỏ để cậu chủ dùng mảnh sành chuốt cái sừng nhọn hoắt.
Có buổi sáng, San bận học phải gửi Đực Mẫm theo bầy khác ra đồng. Khi ngang trường, nó ngước mũi theo mùi mồ hôi của cậu chủ rồi cứ đứng hậm hực trước cổng. Cả trường nhốn nháo. San sợ cô giáo la vội chạy ra nạt nộ một hồi, nó mới chịu đi.
Đám con trai lớp tôi đứa nào cũng khoái được cưỡi trên lưng Đực Mẫm nhưng nó to lớn, trông hung tợn quá nên chẳng mấy đứa dám. Khi San gọi Đực Mẫm lại cho tụi bạn leo lên cưỡi thì nó long mắt, giậm chân, lắc lư sừng làm đứa nào cũng xanh mặt. Với San thì khác, chỉ cần hô một tiếng, nó liền quỳ 2 chân trước, cúi đầu để cậu chủ bước lên. San xoay người ngồi lên cổ, tay nắm 2 sừng Đực Mẫm rồi cả hai khệnh khạng đi ra đê. Lúc đó, nhìn San như… mấy ông tướng trong truyện Tàu.
***
Hè năm đó, Đực Se được HTX đưa về từ miền Trung. Nghe nói con trâu này rất dữ tợn, có ngón đòn hiểm khi húc nhau là ghìm đầu đối thủ rồi se ngang thân, lừa thế móc sừng vô cổ. Nó dùng sức vai tì mạnh rồi lắc cổ, bẻ đối thủ lăn ra đất. Khi đối thủ xoay thân đứng dậy, nó lao tới chém sừng ngang bụng. Nhiều con trâu đã bị hạ bởi đòn này.
Sáng nọ, Đực Se nghênh ngang muốn chiếm lãnh địa ở đồng Thượng. Thấy kẻ lạ từ xa, Đực Mẫm hếch mũi, chậm rãi bước tới. Đực Se ngạo mạn, lao thẳng đến đánh phủ đầu.
Bất ngờ với ngón đòn hỗn, Đực Mẫm bình tĩnh choãi chân, giương sừng phòng thủ. "Rầm" - cú húc trực diện đẩy lùi Đực Mẫm mấy bước. Nó cúi gằm đầu, liên tục chém sừng để đối thủ mất đà. Trụ vững, nó bắt đầu ghìm chặt đối thủ và ép vào cuộc đua sức. Đực Mẫm biết càng kéo dài thời gian sẽ càng lợi thế bởi hạ bàn nó vững, lực tốt hơn.
Cuộc đấu kéo dài đến giữa trưa, một vùng ruộng đồng bị cày xới tơi tả, từng nhát sừng chém toạc vai, rách da đầu cả 2 con trâu đực. Lũ trẻ không dám lảng vảng, vội leo lên cây trâm cổ thụ gần đó. San vẫn ngồi lầm lì trên ụ gò mối, miệng mím chặt, tay ghì vạt áo.
Khi cả 2 đã mệt nhoài, Đực Se bắt đầu giở đòn sở trường, lùi lại cho lỏng sừng rồi se ngang. Đực Mẫm thấy cơ nguy hiểm vội quỳ 2 chân trước, hạ thấp thân, móc sừng ghì đầu đối thủ chặt xuống đất. Sừng Đực Se liên tiếp chém vào cổ nhưng Đực Mẫm cố chịu. Đực Se hết thế, giật đầu ra sau để cố xoay ngang móc sừng vào cổ Đực Mẫm.
Chỉ chờ có thế, Đực Mẫm lao tới, dùng gốc sừng to khỏe đánh một đòn hết sức vào giữa thân sừng Đực Se. "Rắc" - khô khốc một tiếng, sừng Đực Se gãy ngang. Đực Mẫm giậm chân, khua sừng rồi hếch mũi lên trời không thèm truy đánh.
Từ ngày đó, Đực Se không dám bén mảng đến đồng Thượng nửa bước.
***
Tháng 10, mùa lụt, nước tràn về làm vỡ đê. Kẻng báo động vang khắp xã. Người người ào ào đổ ra đồng cứu đê. Nước mà ngập đồng là mùa lúa mất trắng, sẽ đói cả năm.
Đang ở ngoài đồng, bầy trâu hơn trăm con theo Đực Mẫm gặm cỏ nhốn nháo. Đột nhiên, Đực Mẫm nghển đầu lừng lững bước đi. Cả bầy cùng theo nó, lội ngược dòng chen nhau lì lợm chắn ngang khúc đê vỡ. Nước ùn ùn tràn qua thân, tạt qua đầu nhưng Đực Mẫm vẫn phì phò đứng đó. Cả bầy trâu như hóa đá, ghìm chặt thân giữa dòng nước lũ.
Mọi người vỡ òa, gọi nhau mau đổ đất vô bao tải ném vào dòng nước. Cả buổi sáng, hàng ngàn bao đất lần lượt bỏ xuống nước, lũ trâu vẫn chôn chân không rời. Đất quăng xuống, chúng bước lên chèn chặt.
Đến chiều, dòng nước lũ đục ngầu bị chặn lại. Lũ trâu nằm bệt trên đê không lê nổi bước về nhà. San đi học về, nghe chuyện vội chạy ra đồng. Tối, nó lặn lội cắt cỏ tươi cho lũ trâu, đốt đống lửa to sưởi ấm rồi tựa vào Đực Mẫm ngồi canh cả đêm.
***
Rồi làng quê được cơ giới hóa, tỉnh đưa máy cày về từng HTX. Lũ trâu không còn cực nhọc nhưng theo chân máy cày, những gã đồ tể cũng đến. Con trâu bao đời là đầu cơ nghiệp của nhà nông giờ bị bỏ mặc. HTX thu hồi trâu về và… xẻ thịt bán.
Chỉ trong vài tháng, cả ngàn con trâu tội nghiệp bị giết thịt đưa lên thành phố. Sân trường sạch sẽ trở thành lò mổ mỗi chiều. Làng quê yên ả trở nên ngột ngạt. San biết chuyện không lành, nằng nặc đòi mẹ nó không giao Đực Mẫm cho HTX.
Chiều ấy, người của HTX vật trâu giết thịt trước lớp tôi. Bàn học bị mang ra lót lá chia thịt. Đến sáng, khi chúng tôi vào học, dấu tích vẫn chưa phai. Thằng San đến lớp thấy vậy lầm lũi bỏ về.
Giữa buổi học, bỗng đâu đàn trâu mấy chục con ùa vào sân trường. Đực Mẫm dẫn đầu hếch mõm lần theo mùi thịt đồng loại còn vương trên bàn học, mắt long sòng sọc. Chúng tôi chết điếng khi nó bước vào lớp. Đực Mẫm gí mũi vào mặt thằng Lâm ngồi bàn đầu, thở phì phò. Hé mắt nhìn lại, Lâm mừng rỡ hô to: "Đực Mẫm… Đực Mẫm!".
Đực Mẫm cũng nhận ra thằng Lâm bởi cậu ta từng đòi trèo lên lưng nó mà chẳng được. Lâm còn lén lấy tiền mẹ mua rau lang "nịnh" Đực Mẫm nhưng cũng chẳng thành công.
Mắt Đực Mẫm dịu lại, lúc lắc sừng quay ra. Bỗng dưng, nó nghiêng đầu chém sừng một nhát làm vỡ nát tấm bảng đen, giậm chân thình thịch ra ngoài. Sau buổi ấy, thầy cô không cho mượn sân trường mổ trâu nữa.
***
Không lâu sau đó, trong lúc chăn trâu ở đồng Thượng, San lượm được trái đạn. Nó lấy đá đập ra để mong thu được ít thuốc nổ làm pháo Tết. Chẳng may trái đạn nổ... Lũ bạn chăn trâu hốt hoảng chạy về làng báo tin. Đực Mẫm thấy vậy vội quỳ chân nghiêng sừng hất nhẹ cậu chủ lên cổ rồi lê bước về nhà.
Tối đó, xe cứu thương đến chở San ra bệnh viện tỉnh ở Phan Thiết. Giữa đường, cậu mở mắt nói với mẹ "Đừng bán Đực Mẫm…", rồi ngừng thở.
Gia đình chôn San ở cuối vườn nhà, dựng tấm bia đá giữa trảng cỏ ba lá xanh um - món mà Đực Mẫm ưa thích. Mẹ San giao hết trâu cho HTX, chỉ giữ lại Đực Mẫm rồi thả nó tự do trong vườn. Đực Mẫm từ đó hết ra đồng lang thang trên triền đê, lội xuống chỗ kênh mà San thường tắm táp, kỳ cọ cho nó lại về nằm nhẩn nha nhai cỏ bên mộ cậu chủ.
Lên lớp 10, tôi theo gia đình vào TP HCM học. Khi ấy, Đực Mẫm đã già lắm rồi. Tết năm đó, tôi về quê đến thăm nhà bạn. Mẹ San bảo Đực Mẫm đã chết, bên mộ San, sừng ghếch lên tấm bia đá…
HỒ PHI. Ảnh: Hoàng Triều (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

"Núi trên đất bằng"

"Núi trên đất bằng"

(GLO)- Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét Tiểu thuyết "Núi trên đất bằng" của Võ Đình Duy là một tác phẩm văn chương đầu tay ra mắt năm 2025, đánh dấu bước chuyển đầy bất ngờ từ một kiến trúc sư trẻ sống ở Gia Lai sang hành trình kiến tạo thế giới văn chương.

NHÀ THƠ ĐÀO AN DUYÊN: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

Nhà thơ Đào An Duyên: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

(GLO)- Với nhà thơ Đào An Duyên, đọc và viết chính là hành trình nuôi chữ. Trong hành trình ấy, chị chọn một lối đi riêng, chắt chiu xúc cảm, gửi tiếng lòng vào từng con chữ với niềm mong giữ lại những xanh tươi cuộc đời, từ đó góp thêm một giọng thơ giàu hương sắc cho văn chương Gia Lai.

BẢO TỒN CÁC KỊCH BẢN TIÊU BIỂU CỦA HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

Bảo tồn các kịch bản tiêu biểu của hát bội Bình Định: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

(GLO)- Hát bội Bình Định là một di sản văn hóa đặc sắc với nhiều vở tuồng kinh điển như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Ngũ hổ Bình Tây, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (còn có tên khác là Chém cáo, Cổ miếu vãn ca) của Nguyễn Diêu, Trầm hương các, Diễn võ đình và Cổ thành… của Đào Tấn.

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

null