Chú trọng duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông trong mùa mưa lũ, ngành Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã triển khai rà soát, tu sửa các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ (19, 19D, 25, 14C, đường Trường Sơn Đông và đường Hồ Chí Minh) và 10 tuyến tỉnh lộ (tổng chiều dài 371 km). Theo phân cấp, Sở GT-VT hiện quản lý 10 tuyến tỉnh lộ và nhận ủy thác quản lý 372 km quốc lộ (các tuyến: 19D, 25, 14C và đường Trường Sơn Đông đoạn giao cắt với quốc lộ 19 đến hết ranh giới tiếp giáp giữa 2 tỉnh Gia Lai-Phú Yên); các tuyến quốc lộ còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý Đường bộ III (Bộ GT-VT). Hệ thống các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn do các địa phương trực tiếp quản lý. 
Giữ vững tuyến giao thông huyết mạch
Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Kết cấu-Hạ tầng (Sở GT-VT) cho biết: Ngoài tỉnh lộ 666 đang tiếp tục được nâng cấp mở rộng, sửa chữa hư hỏng nền và mặt đường trong phạm vi 7 km (đoạn từ Km 12 đến Km 17 và từ Km 18 đến Km 20), Sở đã có kế hoạch sửa chữa 2 tuyến tỉnh lộ thuộc khu vực phía Đông tỉnh gồm: tỉnh lộ 667 (thị xã An Khê đi huyện Kông Chro) và tỉnh lộ 669 (thị xã An Khê đi huyện Kbang). Đối với các đoạn trên tuyến quốc lộ thuộc phạm vi phân cấp quản lý, Sở GT-VT đang tiến hành sửa chữa tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn từ huyện Kông Chro đến thị xã Ayun Pa. 2 tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp nghiêm trọng gồm tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông) và 662 (huyện Phú Thiện) cũng sẽ được đầu tư thi công nâng cấp, cải tạo.
Theo ông Thái, năm nay, nguồn vốn dành cho công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống đường bộ thuộc tỉnh quản lý được bố trí khoảng 60 tỷ đồng. Trong bối cảnh hạ tầng đường tỉnh đã phần nhiều xuống cấp, nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng khoảng 45-50% nhu cầu thực tế. “Trước áp lực về kinh phí sửa chữa hạn hẹp, Sở quán triệt phương án phải xử lý hư hỏng sớm, tránh để lan rộng làm gia tăng chi phí sửa chữa và ưu tiên nguồn vốn cho những công trình có mức độ cần thiết cao hơn”-ông Thái nói.
Thi công mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê. Ảnh: L.H
Thi công mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê. Ảnh: L.H
Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai đang quản lý và bảo dưỡng thường xuyên các tuyến: đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19 (trừ đoạn đầu tư theo hình thức BOT), đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 25, quốc lộ 19D, các tuyến tỉnh lộ 662B, 663, 665, 668. “Công ty có 14 hạt quản lý đường bộ trải dọc trên các tuyến quản lý; phạm vi quản lý trung bình 40-50 km/đơn vị. Sau những trận mưa lớn đầu mùa, các hạt quản lý đường bộ đã cho lực lượng phát quang bụi rậm bên đường, đảm bảo tầm nhìn cho người và phương tiện lưu thông. Đồng thời, khơi thông hệ thống cầu, cống, mương thoát nước và rà soát các điểm hư hỏng trên tuyến. Hiện nay, đơn vị đang tập kết vật liệu, chuẩn bị thực hiện vá sửa một số đoạn đường phát sinh ổ gà”-ông Trần Công Đại Phúc-Phó Giám đốc Công ty-thông tin.
Cần giải pháp căn cơ
Ngay từ đầu mùa mưa, không chỉ sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý, Sở GT-VT còn phối hợp cùng Cục Quản lý Đường bộ III kiểm tra, rà soát hiện trạng các tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm hư hỏng phát sinh trên tuyến. Đồng thời, có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông để phát hiện, xử lý sớm các điểm hư hỏng, bổ sung thiết bị cảnh báo giao thông nhằm đảm bảo lưu thông thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ, nhất là với hệ thống cầu treo dân sinh.
Thảm nhựa lại bề mặt đường Lạc Long Quân-TP. Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Thảm nhựa lại bề mặt đường Lạc Long Quân-TP. Pleiku. Ảnh: L.H
Mặc dù mới là đầu mùa mưa nhưng tại huyện Krông Pa đã xảy ra những trận mưa giông lớn làm hư hại tài sản, hoa màu và ảnh hưởng chất lượng công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn. Ông Trà Thanh Lâm-Hạt trưởng Hạt Quản lý Đường bộ Ayun Pa cho hay: “Một số đoạn trên tuyến đường Trường Sơn Đông (thuộc địa bàn thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa) bị rạn nứt bề mặt nên đơn vị đã cho rà soát, khoanh vùng khoảng 1.300 m2 để vá sửa. Đồng thời, cử lực lượng phát dọn cây cỏ ven đường, xử lý các điểm bị đất cát bồi lấp, dọn dẹp vệ sinh mố và trụ tại các cây cầu trên tuyến nhằm đảm bảo thanh thải lòng sông, tránh tắc ứ cũng như bảo vệ hạ tầng giao thông hiện có”.
Theo Trưởng phòng Kết cấu-Hạ tầng Hà Anh Thái, công tác sửa chữa hạ tầng giao thông năm nay rất được quan tâm. Trong đó, nổi bật là nguồn vốn dành cho công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ đã được tăng lên đáng kể, từ 29 tỷ đồng (năm 2018) lên 60 tỷ đồng; công tác bố trí vốn cũng kịp thời hơn, tạo điều kiện để đơn vị quản lý gia tăng tính chủ động trong triển khai kế hoạch sửa chữa, bảo trì. Một số tuyến đường nâng cấp từ tài sản địa phương lên tài sản Trung ương (quốc lộ 19D nâng cấp từ tỉnh lộ 670, đường Trường Sơn Đông đoạn từ Ia Pa đi Ayun Pa nâng cấp từ tỉnh lộ 662) đã được bố trí kinh phí quản lý, bảo trì.
“Tuy nhiên, công tác đầu tư, sửa chữa hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa phải hết khó. Các tuyến tỉnh lộ đều được xây dựng từ trước những năm 2010, có tuyến được làm từ đầu những năm 2000. Thời gian khai thác lâu khiến nhiều tuyến hư hỏng. Vì vậy, việc sửa chữa theo hình thức đắp vá chỉ là giải pháp tình thế. Để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại thì việc cải tạo, nâng cấp là hết sức cần thiết”-ông Thái nêu quan điểm.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất