Chư Păh khẩn trương sắp xếp ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) triển khai 2 dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại làng Díp (xã Ia Kreng) và làng Bui (xã Ia Ka) nhằm ổn định đời sống cho các hộ đồng bào DTTS.

Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Díp (xã Ia Kreng) vừa được UBND huyện Chư Păh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 43,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

Theo đó, dự án sẽ đầu tư điểm trường làng Díp (Trường THCS Ia Kreng), nhà văn hóa làng Díp và làm 10 nhánh đường giao thông với tổng chiều dài 3,43 km.

chu-pah-khan-truong-sap-xep-on-dinh-dan-cu-vung-dan-toc-thieu-so-dd.jpg
Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Kreng giới thiệu khu bố trí dân cư tập trung tại làng Díp. Ảnh: L.N

Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho biết: Làng Díp là 1 trong 3 làng đặc biệt khó khăn của xã, cách xa trung tâm xã hơn 10 km. Làng có 278 hộ, trong đó, hộ đồng bào DTTS chiếm 98,2%. Làng có 126 hộ nghèo và 89 hộ cận nghèo.

“Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại làng Díp được triển khai theo hình thức xen ghép 97 hộ dân và khu tái định cư tập trung cho 50 hộ dân. Đồng thời, dự án đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, điểm trường học, nhà văn hóa là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của làng”-ông Tâm nhấn mạnh.

Gia đình chị Rơ Châm Viên thuộc diện hộ nghèo. Khi triển khai dự án, gia đình chị là 1 trong 50 hộ khó khăn về đất ở được Ban Nhân dân thôn bình xét chuyển đến vị trí tái định cư.

Chị vui mừng cho biết: “Cả gia đình tôi đang ở trong căn nhà tạm bợ trên đất của cha mẹ cho. Giờ được hỗ trợ chuyển đến khu bố trí tái định cư nên rất phấn khởi. Hy vọng dự án sớm hoàn thành hạ tầng để gia đình triển khai làm nhà mới”.

Còn anh Rơ Châm Lực thì cho hay: “Do thiếu đất ở nên từ khi lập gia đình đến nay, tôi chưa thể ra riêng. Vừa rồi, làng có họp thông báo chủ trương của Nhà nước triển khai dự án bố trí, sắp xếp dân cư và bình xét các hộ khó khăn về nhà ở, đất ở để chuyển đến khu vực mới. Gia đình rất vui mừng khi được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ về nơi ở mới để ổn định cuộc sống”.

2.jpg
Khu trung tâm làng Đíp sẽ được hỗ trợ làm điểm trường THCS Ia Kreng và nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: L.N

Tương tự, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Bui (xã Ia Ka) cũng được phê duyệt đầu tư làm 14 nhánh đường giao thông nông thôn với chiều dài 7,31 km nhằm đáp ứng việc đi lại và sản xuất của người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thành cho biết: Làng Bui cách trung tâm xã hơn 7 km. Làng có 202 hộ, trong đó, 16 hộ nghèo và 78 hộ cận nghèo. Khi triển khai Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại làng Bui, UBND xã xây dựng phương án đầu tư hạ tầng giao thông giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

“Ngoài Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại làng Bui, UBND xã đã kết hợp triển khai Dự án 1, Dự án 3, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Theo đó, từ năm 2022 đến 2024, xã đã hỗ trợ làng Bui làm hơn 1,1 km đường giao thông; cấp 33 con bò sinh sản cho 33 hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi; hỗ trợ làm nhà ở cho 4 hộ nghèo”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: Khi triển khai Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Díp (xã Ia Kreng) và làng Bui (xã Ia Ka), huyện ưu tiên đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch để đáp ứng việc đi lại và sản xuất của người dân.

Riêng đối với làng Díp (xã Ia Kreng), huyện đầu tư thêm nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao và giải trí, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa; đầu tư xây dựng trường học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trên địa bàn vùng khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.