Chống lãng phí để đất nước vươn mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, mới đây nhất, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng về chống lãng phí, trong đó chứa đựng nhiều nội dung hết sức phong phú, sâu sắc, mang tầm chiến lược, đã xác lập những quan điểm, tư duy mới trong chỉ đạo, định hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao quyết tâm chính trị để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh đẩy lùi “giặc nội xâm” hết sức nguy hại. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ ngày càng cao đối với lực lượng Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Triệt để thu hồi tài sản trong các đại án

Thời gian qua, hàng loạt các vụ “đại án” đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an phát hiện, điều tra, triệt xóa. Cùng với việc đưa ra truy tố những đối tượng phạm pháp, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án này là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong điều tra, xử lý vụ án. Đây cũng là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hay nói cách khác, nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa thật sự hiệu quả, chưa đạt được kết quả cuối cùng mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

chong-lan-phi.jpg
Cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét trong vụ án AIC.

Thượng tá, Thạc sĩ Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đánh giá: Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đồng thời đây còn là một trong những yêu cầu quan trọng trong cải cách tư pháp. Mục tiêu yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đặt ra là chú trọng thu hồi tài sản, áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản, thu hồi triệt để trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đồng thời hằng năm Quốc hội cũng giao chỉ tiêu thu hồi tài sản án tham nhũng phải đạt trên 60%.

“Nếu chỉ phát hiện, điều tra, truy tố xét xử nghiêm người phạm tội mà không thu hồi được tài sản thì mục đích của việc xử lý tội phạm trong những vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên mới chỉ đạt được một nửa yêu cầu đặt ra, đó là mới chỉ buộc “người phạm tội phải chịu hình phạt” mà chưa “buộc người phạm tội phải nộp lại những tài sản mà họ đã chiếm đoạt hoặc gây thất thoát, lãng phí”. Điều này còn tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, gây bất bình trong dư luận xã hội, mất niềm tin vào chế độ, tính nghiêm minh của pháp luật. Việc thu hồi tài sản càng hiệu quả bao nhiêu thì càng có tác dụng làm triệt tiêu động lực, mục đích phạm tội của tội phạm tham nhũng, kinh tế bấy nhiêu, góp phần nâng cao tính răn đe, phòng ngừa và ngăn chặn chung” - Thượng tá Vũ Thanh Tùng nêu quan điểm.

Nhận thức và quán triệt yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với công tác thu hồi tài sản, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế với đầu tàu là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, giải pháp xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và thu được kết quả tích cực. Cụ thể, số tài sản thu hồi năm sau cao hơn năm trước và luôn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi tài sản tham nhũng trên 60% (năm 2020 đạt tỷ lệ 72%, năm 2021 đạt tỷ lệ 76%, năm 2022 đạt tỷ lệ 81%).

Nhiều vụ án thu hồi tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản được quy đổi với tổng giá trị gần 400 nghìn tỷ đồng, số tiền này cũng lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ án. Nói về vụ án Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết: giai đoạn điều tra, các trinh sát đã dựng lên toàn bộ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, chia thành nhiều tầng lớp với 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm công ty “ma” và nhóm công ty ở nước ngoài.

Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nhiều vụ án đã thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, điển hình là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh do Phòng 2 trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý, đã thu hồi 100% tài sản bị chiếm đoạt với số tiền đặc biệt lớn - hơn 8.644 tỷ đồng, phục vụ chi trả cho hơn 6.000 bị hại, giải quyết được vấn đề an ninh, trật tự và bức xúc của xã hội, nhà đầu tư. Đặc biệt, cũng trong vụ án, Cơ quan CSĐT đã đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, buộc các đối tượng khai nhận hành vi hối lộ và thu hồi số tiền nhận hối lộ của một bị can lớn nhất từ trước đến nay lên đến 5,2 triệu USD..., qua đó góp phần vào kết quả thu hồi tài sản chung của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế.

Kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”

Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố 66 vụ/173 bị can về các tội danh liên quan đến lãng phí, trong đó có nhiều vụ án phức tạp như: Vụ án tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương gây thất thoát, lãng phí trên 2.711 tỷ đồng; vụ án mở rộng nhà máy Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, gây thất thoát, lãng phí 830 tỷ đồng (hiện nay dự án đã dừng triển khai, nguy cơ thất thoát, lãng phí còn gia tăng); vụ án tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam gây thất thoát, lãng phí trên 133 tỷ đồng; vụ án tại Tập đoàn Cao su Việt Nam gây thất thoát, lãng phí trên 157 tỷ đồng..., qua đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

2chonglangphi.jpg
Phối cảnh đẹp đẽ của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, bệnh viện vẫn chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại mọc đầy, lãng phí vô cùng lớn.

Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình và thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua, cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống lãng phí, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Nổi lên là lãng phí trong công tác quản lý tài chính, ngân sách với các biểu hiện chủ yếu như mua sắm thiết bị và vật tư không cần thiết, vượt quá nhu cầu thực tế; thực hiện các khoản chi tiêu vượt mức cần thiết, không mang lại hiệu quả.

Qua rà soát bước đầu, số tiền lãng phí thuộc dạng này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/năm; điển hình: Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 2), tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, triển khai trong 5 năm 2001-2005, song không đạt được mục tiêu đề ra, gây lãng phí hơn 1.100 tỷ đồng. Tình trạng không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí ảnh hưởng đến nguồn lực phục vụ công tác điều hành phát triển kinh tế, xã hội (tính đến tháng 9/2024 có khoảng 200.000 tỷ đồng tiền nợ thuế).

Lãng phí, sai phạm trong công tác đầu tư, xây dựng diễn ra ở tất cả các khâu từ quyết định chủ trương đầu tư, khảo sát, thiết kế, bồi thường, giải phóng mặt bằng đến thi công, nghiệm thu, quyết toán, dẫn đến quyết định đầu tư sai, để kéo dài, đội vốn, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, làm lợi cho một số nhóm lợi ích, gây lãng phí, thất thoát vốn lớn, thiệt hại ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ/năm.

Điển hình như: 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương; dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng đã hư hỏng, sụt lún, phải sửa chữa lớn thêm hàng nghìn tỷ đồng; hay như dự án kè chống ngập tại TP Hồ Chí Minh vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, để kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống ngươi dân, gây bức xúc dư luận xã hội; dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ 19 năm, đội vốn 16.000 tỷ đồng...

Trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, đất đai, các loại khoáng sản lãng phí diễn ra phổ biến ở các tỉnh, thành gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn. Qua rà soát bước đầu, cả nước có khoảng 404 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308 ha. Điển hình như dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, quy mô 351.618 m2, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, triển khai năm 2004 nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang; Dự án khu đô thị Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn là cánh đồng hoang...

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng chỉ ra lãng phí lớn nhất đó chính là lãng phí trong công tác tổ chức, đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực con người. Điển hình như thực hiện Đề án 371 và Đề án 761 đã đầu tư 3.180 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nghề; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề nhưng vẫn không hoàn thành mục tiêu của Đề án.

Hiện chúng ta cũng đang lãng phí trong công tác phát huy các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như thiếu các cơ chế, quy định cụ thể để khuyến khích người dân đang tích trữ vàng, ngoại tệ đưa ra lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh (ước tính ở Việt Nam hiện số vàng người dân đang nắm giữ quy đổi khoảng 50 tỷ USD và từ 60 tỷ USD đến 100 tỷ USD ngoại tệ); phân bổ, sử dụng các nguồn vốn đi vay (như ODA) chưa hợp lý, hiệu quả; tình trạng triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài song chưa hiệu quả, còn để kéo dài hàng chục năm, gây lãng phí, thất thoát hàng tỷ USD.

Theo Vũ Thanh Tùng - Hoàng Phong (cand)

Có thể bạn quan tâm

Kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Qua các kỳ đại hội, Ðảng ta luôn nghiêm túc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề ra những quan điểm chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam mang bản chất dân chủ, ưu việt, tốt đẹp.

Vươn mình phát triển và thịnh vượng

Vươn mình phát triển và thịnh vượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Tinh thần ấy vẫn còn vẹn nguyên và trở thành nguồn cảm hứng để chúng ta vượt qua những biến chuyển khó lường của thế giới.

Chung tay cùng mọi nhà đón Tết

Chung tay cùng mọi nhà đón Tết

Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều chương trình ý nghĩa được thực hiện nhằm chăm lo hơn nữa cho các hộ nghèo, công nhân, người lao động… được đón cái Tết an vui, đầm ấm.

Giải bài toán tăng trưởng 2 con số

Giải bài toán tăng trưởng 2 con số

Năm 2024 là năm “lên ngôi” của logistics khi hoạt động ngành này đóng góp 25,4% vào mức tăng GRDP của TPHCM. Con số trên minh chứng cho sự phát triển của thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải - kho bãi với mức tăng 34,5% so với năm 2023 - tăng mạnh nhất trong các ngành.

Phát huy nguồn lực kiều bào trẻ

Phát huy nguồn lực kiều bào trẻ

Hiện có hơn 6 triệu người VN sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhiều thập niên qua, kiều bào không chỉ đóng góp tích cực cho cả quốc gia sở tại và VN mà còn trở thành cầu nối quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của quê hương trên trường quốc tế.

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.