Nhờ trồng hơn 1.000 gốc cây bưởi, ổi, mít và nuôi 300 cặp chim bồ câu, anh Nguyễn Thế Dũng, Bí thư đoàn xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh có thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm.
Chàng Bí thư Đoàn xã làm nông nghiệp giỏi
Trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi chim bồ câu của chàng Bí thư đoàn Nguyễn Thế Dũng nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt thôn Du Tràng, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh.
Bước chân vào trang trại của anh Nguyễn Thế Dũng, chúng tôi khá ấn tượng bởi sự quy hoạch rõ ràng, hợp lý. Với tổng diện tích 1,5ha, anh Dũng chia trang trại thành từng phân khu riêng biệt: chỗ trồng bưởi, chỗ trồng ổi, mít, chỗ làm chuồng nuôi chim bồ câu.
|
Hiện Bí thư đoàn Nguyễn Thế Dũng đang nuôi 300 cặp chim bồ câu Pháp. |
Trang trại của anh Dũng có môi trường khá sạch, vào sát khu chăn nuôi cũng không hề thấy nặng mùi.
Vừa chăm sóc đàn chim bồ câu, anh Dũng vui vẻ kể, anh vốn là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh Đại học Thương mại. Sau vài năm làm việc tại công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất nhập khẩu, anh Dũng quyết định trở về quê hương "kế thừa" nghề nông của ông cha.
Ban đầu, anh tiếp quản và phát triển cơ sở sản xuất nước đóng chai của gia đình. Trong quá trình tham gia hoạt động công tác Đoàn tại địa phương, anh có dịp được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp và rất hứng thú với hướng đi này.
|
Vụ bưởi năm 2019, trang trại của Bí thư đoàn Nguyễn Thế Dũng thu bán được hơn 3 vạn quả bưởi, bưởi ngon ngọt nên thương lái đến tận vườn khuân hết sạch. |
Năm 2016, anh Dũng cùng với anh rể là Nguyễn Mạnh Tuân mạnh dạn thầu hơn 1,5ha đất để làm trang trại. Với lợi thế sinh ra trên vùng đất Khoái Châu (Hưng Yên), anh Tuân am hiểu về các loại cây ăn quả.
Sau khi tìm hiểu kỹ về tính chất đất và đặc tính các loại cây ăn quả phù hợp, hai anh em về Hưng Yên tìm mua một số giống cây ăn quả như: Bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn lồng, táo, ổi… từ 1-2 năm tuổi về trồng.
“Để tránh rủi ro, hai anh em không đầu tư vào một loại cây, mà trồng đa dạng các loại cây ăn quả, bao gồm cả những cây ngắn ngày và dài ngày. Đơn cử, cùng là bưởi nhưng trang trại cũng trồng đa dạng các loại giống bưởi như bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh…
Giống bưởi Hoàng này thường cho thu hoạch vào đầu tháng 10 dương lịch, thời gian kéo dài khoảng 1 tháng. Do thu hoạch “lệch vụ” với bưởi Diễn nên thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán bưởi Hoàng bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/quả” - anh Dũng phân tích.
|
Anh Dũng dùng bẫy để dẫn dụ, bắt ruồi vàng và các loài sâu bọ, phòng trừ dịch hại gây bệnh cho vườn bưởi. |
Theo anh Dũng, để trồng đa dạng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả cao, anh chia đất của mình thành từng ô, mỗi ô đất chỉ trồng một loại cây chuyên biệt. Cách làm này bảo đảm khoảng cách trồng cây theo tiêu chuẩn và thuận tiện cho việc tưới nước, bón phân định kỳ, vì mỗi loại cây sẽ có một chu kỳ chăm sóc khác nhau.
Anh Dũng cho biết, do mua các loại cây giống từ 1-2 năm tuổi về trồng nên thời gian ra quả rất nhanh. Đầu năm 2016 xuống giống thì cuối năm 2016, vườn cây nhà anh đã bắt đầu cho những trái bói đầu tiên. Những cây bưởi sai trĩu quả nhưng anh vặt bỏ bớt để tập trung dinh dưỡng phát triển cho cây.
Sau hơn 3 năm đầu tư vào trang trại, đến nay trang trại của anh Dũng đã được phủ kín với khoảng 900 gốc bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh; 100 gốc ổi và 100 gốc mít.
Bưởi ra 3 vạn quả nhờ “ăn” phân chim, lái vào tận vườn khuân hết
Cùng với trồng các loại cây ăn quả, từ năm 2017 anh Dũng còn đầu tư nuôi thêm chim bồ câu Pháp. Lúc đầu, anh Dũng chỉ dám đầu tư 100 cặp chim bồ câu Pháp. Sau khi nuôi thuần thục thấy mô hình có tính khả thi cao, anh mở rộng quy mô nuôi lên 300 cặp.
|
Chia sẻ kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, anh Dũng cho biết: Điều quan trọng để chim bồ câu phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn cần phải đầu tư làm chuồng ở chỗ thoáng mát. Trong quá trình nuôi, chim bồ cây sẽ được chia cặp (1 con đực ghép 1 con cái trong 1 lồng). |
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi chim bồ câu, anh Dũng chia sẻ: So với chăn nuôi gà và lợn, nuôi chim bồ câu dễ và ít bị dịch bệnh hơn. Điểm thuận lợi nhất của mô hình nuôi chim bồ câu là đầu ra ổn định. Toàn bộ chim câu đến ngày xuất chuồng sẽ được thương lái vào tận nơi mua với giá dao động 70.000-75.000 đồng/con. Mỗi tháng đàn chim cho thu hơn 10 triệu đồng.
Theo anh Dũng, đặc tính của bồ câu Pháp là loài ăn sạch, ở sạch, uống sạch nên hằng ngày, người nuôi phải tỉ mỉ công việc cho ăn, uống, dọn dẹp vệ sinh, lấy trứng ấp và ghép cặp cho chim đẻ. Chim bồ câu giống được 4 tháng sẽ bắt đầu đẻ trứng.
Trong quá trình đó nếu phát hiện bồ câu bố mẹ bỏ bồ câu non thì phải thay bố mẹ cho ăn, để bảo vệ bồ câu con không bị chết. Từ lúc trứng ấp thành chim non nuôi lớn đến khi xuất chuồng mất khoảng 1 tháng.
|
Anh Dũng đóng phân chim vào từng bao để trực tiếp trên mặt đất và cách gốc tầm khoảng 50 cm. Bình quân, mỗi năm mỗi gốc bưởi sẽ được cho “ăn” 2 bao phân chim bồ câu. |
Đáng chú ý, không chỉ có thu nhập từ xuất bán chim bồ câu, anh Dũng còn tận dụng nguồn phân chim để bón cho các giống cây ăn quả.
Theo anh Dũng: Phân chim bồ câu rất giàu kali và khoáng chất nên rất tốt cho các loại cây ăn quả có múi như bưởi. Về cách bón, nếu có thời gian thì nên ủ phân chim với ngô, đậu tương nghiền và kali bột. Hoặc nếu không thì đóng phân chim vào từng bao để trực tiếp trên mặt đất và cách gốc tầm khoảng 50 cm.
Bình quân, mỗi năm mỗi gốc bưởi sẽ được cho “ăn” 2 bao phân chim. “Được “ăn” phân chim, bưởi sai trĩu quả, quả mọng nước, ngọt sắc, da bưởi đẹp. Năm 2019, trang trại của anh Dũng thu bán được hơn 3 vạn quả bưởi, bưởi ngon ngọt nên thương lái đến tận vườn khuân hết sạch. Từ trồng bưởi, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 400 triệu đồng” - anh Dũng phấn khởi khoe.
Nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của xã, là điển hình về phát triển kinh tế, điểm sáng trong thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”, anh Dũng được tin tưởng bầu giữ chức Bí thư đoàn xã Giang Sơn. Thời gian tới, anh ấp ủ dự định mở rộng mô hình và liên kết với những đoàn viên thanh niên trong xã để cùng tìm ra những hướng phát triển mới, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Đức Thịnh (Dân Việt)