Châu Ái Vân: “Họa sĩ của tuổi thơ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Không vô cớ mà các nhà sưu tập đặt cho nữ họa sĩ Châu Ái Vân biệt danh ấy. Chọn chất liệu sơn mài để chuyển tải nét hồn nhiên của tuổi thơ, Châu Ái Vân đã đưa người xem hành trình trở về thuở nhỏ với những cảm xúc đẹp đẽ, sáng trong.

Ánh nắng sớm mai tràn qua ô cửa sổ vào gian phòng nhỏ cuối nhà của họa sĩ Châu Ái Vân ở thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) khiến gam màu nóng trong tranh chị càng rực rỡ.

Ngoài tranh phong cảnh, hoa và tĩnh vật, những bức về đề tài trẻ thơ chiếm số lượng nhiều nhất. Tại Gia Lai, nữ họa sĩ này đang khẳng định mình bằng một phong cách riêng biệt, khó lẫn với ai.

Nữ họa sĩ Châu Ái Vân. Ảnh: P.D

Nữ họa sĩ Châu Ái Vân. Ảnh: P.D

Nữ họa sĩ chọn đi thẳng vào chủ đề đậm chất dân gian, đồng quê, gợi ký ức về tuổi thơ xa lắc. Đó là hình ảnh của những đứa trẻ vừa chăn trâu vừa bày trò chơi banh chuyền, bịt mắt bắt dê, thả diều nơi đồng xa. Gần gụi hơn với sự tô điểm của tàu lá chuối, ụ rơm vàng, con chó nhỏ hay chú mèo lười. Không gì ngộ nghĩnh và đáng yêu hơn thế.

Chẳng những gặp lại mình của ngày thơ bé, người thưởng lãm còn thích thú trước những bức vẽ về mơ ước tuổi thơ trong tranh Châu Ái Vân. Tranh của chị xuất hiện những hình ảnh rất “phi thực” nhưng lại khiến người xem không thể rời mắt như trèo lên ngọn cây… nhảy dây hoặc thả diều (bức “Giấc mơ ngày thơ bé”).

Riêng bộ tranh “Ngày hè” lên đến cả chục bức cũng được giới sưu tập tranh yêu thích bởi lời bày tỏ về mong ước tuổi nhỏ, dịp hè vui chơi thoải mái, không áp lực học hành.

Những đứa trẻ Tây Nguyên gùi bắp, địu em lên nương rẫy hay đi nhặt củi khô cũng vào tranh Châu Ái Vân hết sức sống động, hồn nhiên trong những bức “Vui lên rẫy, gùi đầy ngô”, “Những bước chân vui”…

Châu Ái Vân cho hay, những tác phẩm ấy chân thực bởi đó chính là một phần tuổi thơ của chị ở thị trấn Kon Dơng với những ngày cùng bạn bè đi kiếm củi, cắt cỏ cho gia súc, vào rừng hái quả dại… “Tuổi thơ là vùng ký ức đẹp nên mình hay nhớ về. Hồi đó thấy cực, nhưng giờ nghĩ lại thấy hay”-chị Ái Vân trò chuyện. Ngoài giờ dạy mỹ thuật ở Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng), chị lại dành thời gian miệt mài bên các tác phẩm chủ đề này.

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Ngọc Quang (quận Đống Đa, Hà Nội), người sưu tập 4 bức tranh của họa sĩ Châu Ái Vân gồm tranh hoa sen và tranh về tuổi thơ cho hay: Anh khá bất ngờ khi biết một họa sĩ ở miền núi lại có ngôn ngữ thể hiện rất lạ qua chất liệu sơn mài.

“Tranh tuổi thơ của Châu Ái Vân có ngôn ngữ hình ảnh rất tự nhiên, cô đọng, tối giản. Nét tạo hình em bé trong tranh như những đường kỷ hà (tròn, oval, elip…) chứ không rườm rà. Màu sắc cũng là những gam màu rất đơn giản nhưng phối lại với nhau thì cho ra nét hồn nhiên trẻ thơ. Mình đã giới thiệu tác phẩm của Châu Ái Vân cho một số bạn bè mua tranh và họ cũng rất thích”-anh Quang cho biết.

Ngoài ra, theo anh Quang, tranh của Châu Ái Vân thể hiện tình cảm giữa các em bé với nhau hay giữa các bé với con vật thân thuộc, mang đến cho người xem cảm xúc ấm áp, vui vẻ, hồn nhiên.

“Mình sinh ra, lớn lên ở thành phố nên không gặp tuổi thơ mình trong đó. Nhưng thông qua tranh, mình hình dung một khung cảnh rất yên bình mà hiện nay những đứa trẻ ở đô thị rất khó có được”-anh Quang chia sẻ.

Tác phẩm "Những đứa trẻ.

Tác phẩm "Những đứa trẻ.

Mỗi người đều có lý do để tìm đến với tranh chủ đề tuổi thơ, có thể là vì niềm nhung nhớ quê hương hay bởi một điều gì đó đã vụt mất trong cuộc sống hiện đại.

Anh Nguyễn Hữu Bảo-Việt kiều Mỹ, người đã sưu tập vài bức tranh của họa sĩ Châu Ái Vân-bày tỏ cùng tác giả: “Buồn vì trẻ con bây giờ dành nhiều thời gian cho máy tính, điện tử quá… Nhìn tranh Vân-trẻ con chơi “bịt mắt bắt dê”, anh cũng thấy vui cùng mấy cháu. Anh thích vì sau mỗi bức tranh của em là một mẩu chuyện rất thú vị. Màu sắc vẫn đẹp như thường lệ”.

Chia sẻ thêm về cái duyên với hội họa, nữ họa sĩ cho hay: Chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật năm 2005. Năm 2016, chị tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cũng với chuyên ngành trên.

Nhiều năm liền, chị có tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên. Gần đây, chị được Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mời tham gia triển lãm tranh sơn mài; tác phẩm cũng được trưng bày tại các gallery ở Hà Nội.

“Hội họa khiến mình thấy cuộc sống phong phú hơn, tâm hồn vui tươi, yêu đời. Những lúc ngồi vẽ, dường như mình quên hết mọi áp lực, ưu phiền trong cuộc sống. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ cạn đề tài về tuổi thơ nên đây tiếp tục là chủ đề mình theo đuổi”-chị Ái Vân vui vẻ cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...