Nhà rông Bahnar ở Kon Tum: Vẻ đẹp của sự trường tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài nhiều điểm du lịch độc đáo, vùng đất Bắc Tây Nguyên còn có những mái nhà rông mang đậm bản sắc văn hóa nằm hài hòa với từng buôn làng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Nơi đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà rông đã hiện hữu gần 100 năm qua. Trải bao mưa nắng và sự khốc liệt của chiến tranh, mái nhà rông vẫn luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Đối với tộc người Bahnar ở Kon Tum, nhà rông là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là nơi hội tụ tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian.
Theo phong tục của dân tộc Bahnar, 1 năm trước khi chuẩn bị xây dựng nhà rông, già làng thông báo cho tất cả thành viên trong làng được biết để tập kết vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yàng xin phép cho làng thực hiện. Quá trình xây dựng nhà rông của làng được thực hiện theo tinh thần dân chủ, tự nguyện, không khiên cưỡng, áp đặt nhưng mọi thành viên trong làng đều phải đóng góp tùy vào hoàn cảnh của từng hộ, người góp của, người góp công. Và dĩ nhiên, già làng chính là “kiến trúc sư” của công trình này.
  Nhà rông Kon Kri (xã Đak Rơ Wa, TP. Kon Tum). Ảnh: internet
Nhà rông Kon Kri (xã Đak Rơ Wa, TP. Kon Tum). Ảnh: internet
Công việc đầu tiên là chọn địa điểm (thường là trung tâm của làng). Già làng đảm nhận việc “nghiên cứu mẫu” và đưa ra quyết định cuối cùng. Già làng cũng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và góp tiền của. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc xẻ, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng không bị mối mọt (thường là gỗ cà chít), tìm tre nứa, song mây... Những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn thì phụ trách các mảng như đục đẽo, kết cấu... Một việc bắt buộc đó là mỗi gia đình trong làng phải đóng góp đủ 1 bó tranh lớn, ngay cả hộ của già làng cũng không ngoại lệ. Việc này thường giao cho phụ nữ đảm nhiệm.
Khi vật liệu đã đầy đủ, dân làng bắt tay vào việc dựng nhà. Nhà rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất ngay trong ngày đầu để cầu mong sự may mắn cho công đoạn tiếp theo (kiểu “đầu xuôi, đuôi lọt”). Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, giàn giáo, rui, mè, lợp tranh, hầu hết là được buộc bằng dây mây rất vững chắc... Dưới những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng, mọi phần việc đều trôi chảy, thông suốt. Tuy nhiên, để lao động sản xuất không bị ảnh hưởng, mỗi gia đình luân phiên tập trung làm 2 ngày rồi nghỉ 1 ngày lo việc nương rẫy. Lễ mừng nhà rông mới được tổ chức trong 3 ngày liền sau khi dựng xong. Dân làng xem như là ngày hội lớn, tất cả những thành viên làm ăn nơi khác cũng về dự để tận hưởng niềm vui chung của cộng đồng.  
Hiện nay, tỉnh Kon Tum có tổng cộng 625 làng đồng bào dân tộc thiểu số và trên 505 mái nhà rông lớn nhỏ. Riêng dân tộc Bahnar có khoảng 43 nhà rông và kiểu dáng cũng khá riêng biệt. Nhóm Bahnar Bnâm (khu vực huyện Kon Plông) thì dựng nhà rông có chiều ngang tương đối rộng, góc nhọn ở 2 mái xiên dài tạo cảm giác hơi nặng nề, làm giảm đi thế vươn lên của nó. Nhà rông của nhóm người Bahnar Jơlơng (phía Đông TP. Kon Tum) thì 2 cạnh xiên ở đầu hồi trên mái lại là đường thẳng nên dường như mất đi vẻ hiên ngang. Nhà rông Bahnar Rơngao (nằm quanh khu vực sông Đak Bla) hoành tráng hơn cả với thiết kế mái cao độc đáo và rất đồ sộ, khung được kết cấu theo kỹ thuật rường-cột liên kết 3 chiều giữa hàng cột đứng với xà ngang và xà dọc, không có liên kết kèo ở ngay đầu cột. Trong số các nhà rông Bahnar Rơngao lâu đời ở Kon Tum hiện còn nhà rông làng Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) thuộc diện cổ nhất tại Tây Nguyên, được xây dựng năm 1930. Tuy nhiên, ngôi nhà rông này cũng đã trải qua 6 lần tu sửa vì bị xuống cấp theo thời gian. Năm 2003, nhà rông Kon Rờ Bàng được “nhân bản” tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, do 29 nghệ nhân của làng trực tiếp tiến hành. Nhà rông có chiều cao 19 m, tương đương kích thước của nhà rông mẫu. Đó là niềm tự hào của người Kon Tum nói chung và người Bahnar ở Bắc Tây Nguyên nói riêng.
Trải qua bao năm tháng, thăng trầm, nhà rông Bahnar ở Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng, là môi trường đào tạo thế hệ kế thừa để nhà rông mãi được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
HOÀNG LONG

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.