Nguyễn Siêu Hạnh, 33 tuổi, sáng lập tổ chức tình nguyện Hành trình tuổi trẻ (Journey of youth, viết tắt là JOY), là một trong 10 gương mặt tiêu biểu toàn quốc vừa nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019.
Nguyễn Siêu Hạnh trong một lần phổ biến thông tin cho tình nguyện viên của dự án - Ảnh: NVCC |
Suốt 11 năm nay, Hạnh đi khắp vùng cao nguyên xây công trình nước sạch, kết nối dự án hỗ trợ y tế cho bà con, trẻ em nghèo.
Trăn trở với nước sạch ở vùng cao
19 tuổi, Hạnh là tình nguyện viên cho một tổ chức bảo vệ trẻ em đường phố ở TP.HCM. Duyên đến, anh được nhận vào làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Đức, song song với việc học ở Việt Nam. Năm 2009, Nguyễn Siêu Hạnh bắt đầu dự án cho riêng mình ở Việt Nam.
"Lúc bắt đầu dự án chỉ vài người, sau đó tôi kêu gọi bạn bè học chung lớp, bạn bè bên ngoài, dần dần kết nối, lan tỏa để mọi người biết đến và tự tìm đến mình" - Hạnh chia sẻ.
Chương trình đầu tiên là tổ chức gói bánh chưng, trao quà tết cho trẻ em nghèo ở Tây Ninh. Hạnh nhớ mãi lần gây quỹ cho chương trình chỉ có 9 triệu đồng, tới phút cuối thiếu mất... 300.000 đồng. Anh nói giai đoạn đầu rất khó khăn vì không ai biết đến mình, thời điểm đó gây quỹ thêm được 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng cũng quý. Sau cùng, Hạnh chọn núi rừng Tây Nguyên là điểm dừng chân.
Anh kể, những lần đi trao quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, đến vùng đất Tây Nguyên anh nhận thấy bà con đang gặp vấn đề về nước sạch. Bản thân Hạnh và các tình nguyện viên sau khi lên sống cùng bà con đều bị bệnh về da, gặp vấn đề về tiêu hóa vì nguồn nước không đảm bảo.
"Tôi đặt câu hỏi ngược lại: Mình sống 2-3 ngày đã gặp vấn đề này rồi, còn họ sống cả cuộc đời ở đó, họ sẽ đối mặt như thế nào? Thậm chí họ còn không ý thức được nguồn nước của mình bị bẩn nữa" - Hạnh trăn trở.
Trách nhiệm với nguồn nước
Từ trăn trở đó, nhóm của Hạnh đi đến giải pháp là xây dựng các công trình nước sạch cho bà con ở khu vực Tây Nguyên. Anh cho biết công trình nước sạch đầu tiên được đặt tại Đắk Lắk, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên nhóm chỉ làm bến nước để giữ lại nước cho bà con trong làng sử dụng. Cho đến khi hoàn thành 3 công trình đầu tiên, các nhà hảo tâm bắt đầu tìm đến chàng trai trẻ với mong muốn tài trợ thêm cho các dự án nước sạch của nhóm.
"Mỗi công trình nước sạch hiện cung cấp cho khoảng 2.000 người dân/ngày. Công trình nước sạch được đặt ở trường học là trung tâm thôn, chúng tôi bàn giao lại cho trưởng thôn, hằng ngày bà con đến đó mang nước sạch về nhà sử dụng" - Hạnh bộc bạch.
Để người dân có ý thức, trách nhiệm với công trình nước sạch, Hạnh cho biết người dân khi đến lấy nước sạch sẽ bỏ ra từ 3.000-5.000 đồng/bình nước 20 lít, số tiền đó sẽ được chi trả lại cho tiền điện, thay thế các đồ dùng hỏng hóc. "Chúng tôi muốn người dân nhận thấy trách nhiệm của mình, không phải miễn phí mà là trách nhiệm của họ để duy trì nguồn nước bền vững" - anh chia sẻ.
Năm 2018, sau khi dự án nước sạch được nhiều người biết đến, Hạnh cùng tổ chức JOY tiếp tục kết nối các y bác sĩ ở TP.HCM để giải quyết vấn đề y tế cho bà con vùng cao nguyên, phát hiện ra các căn bệnh để điều trị ngay. Tính đến nay, Hạnh cùng tổ chức JOY đã rong ruổi khắp khu vực Tây Nguyên với gần 42.000 người được thụ hưởng từ các dự án nước sạch và y tế.
Hơn 11 năm gắn bó với hoạt động tình nguyện, Hạnh nói phong trào tình nguyện hiện nay phát triển mạnh hơn trước rất nhiều. Trước đó, chàng trai trẻ đam mê thiện nguyện phải tự mày mò, tự làm, tự vận động gây quỹ rất khó khăn.
Anh kể khó khăn đến mức có những lúc tưởng chừng muốn buông bỏ để quay về cuộc sống bình thường, nhưng chính những người xung quanh luôn là động lực để anh tiếp tục. Đặc biệt là hình ảnh của những đứa trẻ ở vùng cao nguyên luôn khiến anh xúc động mạnh, thôi thúc anh tiếp tục làm điều có ý nghĩa.
"Suốt 11 năm qua, mỗi năm làm đến 2-3 chương trình nhưng xúc động nhất là chương trình Trung thu. Năm nào tôi cũng khóc, khóc bởi sự lung linh của những chiếc lồng đèn, khóc bởi nhìn thấy niềm vui của những đứa trẻ lần đầu tiên được cầm lồng đèn đi chơi giữa núi rừng" - Hạnh giãi bày. Anh cho biết sẽ tiếp tục dự án nước sạch và y tế, sắp tới anh cùng tổ chức JOY có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực môi trường, trồng rừng ở khu vực Tây Nguyên.
Về Việt Nam làm điều có ý nghĩa
Sinh ra ở TP.HCM nhưng hiện nay Nguyễn Siêu Hạnh lựa chọn vùng núi Sa Pa (Lào Cai) và gắn bó ở đó suốt 3 năm qua. Ở vùng cao Tây Bắc, anh đảm nhận vai trò quản lý các dự án hỗ trợ cộng đồng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa vùng cao hướng đến tạo thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số.
Năm 25 tuổi, Hạnh là sinh viên Việt Nam duy nhất đoạt giải thưởng "World Summit Youth Award" cho dự án công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Sau giải thưởng này, Hạnh nhận được lời đề nghị ở lại Đức làm việc nhưng anh nhất định từ chối cơ hội đó, lựa chọn quay trở về Việt Nam.
"Tôi muốn về Việt Nam. Tôi từng ở Đức 5 năm, mặc dù ở bên đó có điều kiện sống tốt hơn nhưng gia đình, bạn bè, mọi thứ đều ở đây, ở Việt Nam này. Tôi sinh ra ở đây nên muốn quay về, muốn làm điều gì đó cho nơi mình lớn lên" - Hạnh bày tỏ.
Mới đây, Nguyễn Siêu Hạnh còn được chọn là nhóm thủ lĩnh đầu tiên của Quỹ Obama Foundation khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 200 nhà lãnh đạo mới nổi tiêu biểu từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.
HÀ THANH (TTO)