Chọn ngành học không vì yêu thích, dẫn đến chán học và trở thành sinh viên 'đội sổ' ngay từ năm đầu đại học, thế nhưng vừa tốt nghiệp ra trường, Lê Hoàng Đạt (27 tuổi) đã trúng tuyển tập đoàn đa quốc gia của Đức.
Lê Hoàng Đạt từ một sinh viên “đội sổ”, khi vừa ra trường đã được nhận vào làm tại một tập đoàn nước ngoài NỮ VƯƠNG |
Câu chuyện của Hoàng Đạt, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khiến nhiều người phải trầm trồ và tò mò về cách anh chinh phục những điều tưởng chừng như không thể.
Khi không biết thích gì, thì hãy thích... tiền !
Kể về lý do “đội sổ”, Đạt cho biết ngay từ ngày đầu đi học không có một chút động lực nào, anh chọn vào trường và ngành học này đơn giản vì trước đó ba mình đã từng học ở đây. Vào đó cũng chẳng biết sẽ học cái gì, sau này ra trường sẽ làm gì nên anh không có động lực để học.
“Ngày xưa ba học “cơ khí” thì sau vài chục năm sau mình thêm chữ “điện tử” vào cho nó hoành tráng hơn nên chọn học ngành cơ điện tử. Không biết mình thích gì, muốn gì nên cứ chọn đại. Mình thuộc thể loại không biết mình thích gì và cũng không có kỹ năng hay giỏi vào bất kỳ một cái gì hết”, Đạt bày tỏ.
Đến một lúc Đạt nhận ra cuộc sống này cho dù có những điều mình thích hay không thích cũng phải làm. Cho dù không thích ngành học, nhưng vẫn phải học để ra trường. “Lúc đó có hai lựa chọn, một là phải học để ra trường có việc làm, hai là không học để ra đời không biết làm gì hết. Nên chỉ có con đường là học, mặc dù lúc đó vẫn không biết mình thích cái gì. Vì thế, mình khuyên các bạn trẻ là ngay khi không biết mình thích cái gì, thì hãy thích tiền đi. Khi đó mình sẽ phải học, phải ra trường để đi làm kiếm tiền”, Đạt chia sẻ.
Tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp trước khi xin việc
Trong thời gian sinh viên, Đạt xin vào làm rất nhiều công việc ở nhiều công ty khác nhau, lúc đó cảm thấy mình giỏi về cơ khí và thiết kế, nhưng khi làm vẫn thấy không thích. Chính vì thế, khi ra trường Đạt đánh liều xin vào một tập đoàn lớn và làm về phần mềm, lĩnh vực trước giờ Đạt yếu nhất.
Là lĩnh vực yếu nhất, lại chưa hề có kinh nghiệm, thì bằng cách nào Đạt trúng tuyển chỉ sau 3 ngày ra trường? Với Đạt điều này phụ thuộc vào việc bạn có tìm hiểu kỹ về vị trí công việc hay doanh nghiệp mà mình muốn xin vào hay không. “Để vào được thì mình phải tìm hiểu ngành đó, vị trí đó cần những gì, kỹ năng gì để chuẩn bị. Lúc đó mình biết vị trí mình xin vào không cần kinh nghiệm, chỉ cần những kỹ năng này, kỹ năng kia, và thế là mình chuẩn bị trau dồi. Vì vậy, việc biết và hiểu nhau ngay từ đầu rất quan trọng. Giống như muốn chinh phục một cô gái thì phải biết cô gái đó như thế nào, thích cái gì…”.
Sau 3 ngày ra trường, Đạt được tuyển vào một tập đoàn đa quốc gia của Đức và sau đó 4 tháng Đạt đã được cử đi công tác ở Ấn Độ.
Nhưng Đạt không muốn dừng lại ở đó. Trong một lần ra Khánh Hòa cứu trợ đồng bào bị bão lũ, anh nhận ra có rất nhiều người nghèo không có cơ hội để thay đổi cuộc sống. Đạt trao 150 triệu đồng (tiền quyên góp) giúp nhiều người. Từ đó, Đạt bắt đầu có suy nghĩ phải giàu, phải giàu để làm được nhiều việc ý nghĩa hơn. Nhưng muốn giàu thì phải kinh doanh, và chàng trai bắt đầu tìm tòi và học kinh doanh.
“Mình nhận ra quản lý một công ty lớn hay bé cũng phải giải quyết những vấn đề như: nhân sự, nguồn vốn, đối tác, công nghệ… nên quyết định mở chuỗi các quán bán nước mía để kinh doanh trong sức của mình. Để tập làm chủ, để biết được một công ty vận hành như thế nào. Cũng chính vì thế, trước khi làm giám đốc công ty công nghệ, mình đã làm ông chủ rồi, người đầu tư khi nhìn vào họ sẽ tin tưởng hơn. Và cũng không dễ gì mà công ty khởi nghiệp của mình mới đây dù chưa ra sản phẩm đã được định giá 2 triệu đô”, Đạt kể.
Phải chuẩn bị từ khi còn là sinh viên
Chia sẻ về cách để ra trường có được công việc tốt như mong muốn, Đạt cho biết thường từ 3 - 5 năm đầu gọi chung là cấp bậc nhân viên. Khi làm được khoảng 3 năm, sẽ lên một mức mới và chia ra làm 2 hướng chính là quản lý và chuyên sâu về kỹ thuật.
Từ thời sinh viên, bạn nào cảm thấy học mấy môn chuyên ngành khó, mà lại giỏi về vấn đề giao tiếp, giỏi về làm trưởng nhóm hơn… thì đa số khi đi làm sẽ chọn đi theo hướng quản lý. Còn những bạn cảm thấy học các môn chuyên ngành rất dễ nhưng lại khó khi học các môn xã hội, thì đa phần sẽ đi theo hướng chuyên về kỹ thuật.
“Nếu bạn nào cảm thấy đi theo hướng quản lý tốt, thì nên chọn làm thêm ở quán cà phê, bán hàng… vừa kiếm được tiền mà vừa học được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý... Còn những bạn cảm thấy đi theo hướng kỹ thuật thì có thể đánh đổi chọn làm không lương hoặc lương thấp ở những công ty chuyên ngành, để có được những kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này”, Đạt khuyên.
Đạt cũng gửi gắm thêm: “Tất cả công ty đều có mô tả về công việc, nên nếu từ năm nhất mà đã thích công ty, thích công việc và vị trí nào đó, thì nên tham khảo những kỹ năng để chuẩn bị trước thì khi ra trường công việc mình mong muốn dễ dàng nằm trong tầm tay”.
Cũng theo Đạt, người trẻ đi xin việc mà không tìm hiểu gì về công ty đó thì khó mà thành công. Bạn trang bị một bộ kỹ năng A, nhưng doanh nghiệp lại cần kỹ năng B, thì không thể nào gặp nhau được.
Theo Nữ Vương (Thanh Niên)