Cha con và âm nhạc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con đường âm nhạc của nhạc sĩ Phi Ưng là câu chuyện riêng tư nhưng cũng rất phổ quát. Phi Ưng viết về mình nhưng chạm đến tận cùng đời sống Tây Nguyên để bất cứ ai cũng tìm thấy mình trong từng nét nhạc phác họa chân thật cuộc sống cao nguyên đại ngàn. Một tài năng âm nhạc đang lúc sung sức nhất đã quay về với buôn làng, tìm kiếm và dìu dắt những tài năng trẻ với hy vọng khơi dòng cho âm nhạc Tây Nguyên chảy mãi.  
Âm nhạc Tây Nguyên sẽ để lại khoảng trống khó lấp đầy nếu những hạt giống đỏ không được phát hiện, nâng đỡ kịp thời. Nhạc sĩ Phi Ưng luôn trăn trở về điều này khi trò chuyện về sự kế thừa, tiếp nối âm nhạc dân tộc.
Cách đây 20 năm, anh được nhạc sĩ An Thuyên đặc cách nhận vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Có năng khiếu nghệ thuật và được đào tạo bài bản, anh trở thành một nghệ sĩ có khả năng hát, sáng tác nhạc, hòa âm phối khí và được giới chuyên môn trân quý như hạt ngọc giữa rừng.
Tựa đề các ca khúc do nhạc sĩ Phi Ưng sáng tác rất mộc mạc nhưng đã “vẽ” lên một Tây Nguyên sống động từ đời sống văn hóa sâu thẳm đến cuộc sống lao động bình dị thường ngày như: Uống rượu cần, Rừng hoang, Già làng kể khan, Chuyện tình Đămbri, Em đẹp như hoa pơ lang, Chư Blôm Ia Pa, Buổi sáng lên nương, Tắm suối, Chăn trâu…
Nhạc sĩ Phi Ưng. Ảnh: Minh Châu
Nhạc sĩ Phi Ưng. Ảnh: Minh Châu
Trả ơn cuộc đời
Được thỏa sức bay cùng ước mơ của mình, Phi Ưng cho đó là hồng ân mà cuộc đời đã ban cho và anh luôn nghĩ đến những “ơn đền tiếp nối” thay cho lời cảm ơn. Anh tâm sự: “Cha mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn nhưng chính môi trường đào tạo dưới mái trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã chắp cho tôi đôi cánh bay trên vùng trời nghệ thuật”.
Khi đã có những sáng tác thành công, ghi dấu ấn trên các sân khấu chuyên nghiệp và có tiếng nói trong giới văn nghệ sĩ, Phi Ưng tự đặt cho mình trọng trách tìm kiếm, tiếp sức cho những cánh chim non nớt của núi rừng như thầy An Thuyên đã làm với anh và các thế hệ học trò Tây Nguyên. Một cách vô tư và trách nhiệm, anh luôn làm cầu nối cho những tài năng người bản địa đến với giảng đường để được học tập, rèn giũa khả năng âm nhạc.
Mới đây nhất, từ sự động viên của Phi Ưng, chàng trai Y Yung (làng A Dơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa), người sở hữu chất giọng hiếm và có khả năng hát được nhiều dòng nhạc, nhất là dòng nhạc Tây Nguyên đã quyết tâm vào Trường Cao đẳng Gia Lai để được đào tạo bài bản, mài giũa thêm giọng hát.
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Nhạc sĩ Phi Ưng có 1 kênh Youtube riêng chia sẻ về âm nhạc Tây Nguyên và con đường sáng tác của anh. Từ những MV do anh tự thể hiện các ca khúc của mình và một số bài dân ca anh sưu tầm, đến nay đã xuất hiện thêm nhiều giọng ca thành danh của cao nguyên Gia Lai như: Y Yun, Siu Blup, Ksor Nhíu (Y Như), Y Sihs, A Mưr…
Mỗi MV ca nhạc được quay với bối cảnh rất đỗi tự nhiên là buôn làng, cánh đồng, dòng suối, những cánh rừng xanh thẳm, những ngọn núi, ngọn đồi nghiêng bóng trên thảo nguyên bao la, hay có khi chỉ là hình ảnh khâu vá trước hiên nhà sàn gió thổi… Nhưng đó là những gì gần gũi, đời thường nhất để người ta thấy yêu quê hương hơn qua âm nhạc, qua những hình ảnh bình dị. Đó cũng là cách giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa mà Phi Ưng hướng tới bên cạnh việc tìm kiếm và phát hiện tài năng âm nhạc bản địa.
Gần đây, hình ảnh 2 người con của Phi Ưng xuất hiện trong các MV ca nhạc, hát những bài dân ca Bahnar và các sáng tác mang đậm âm hưởng dân gian dân tộc của nhạc sĩ khiến người ta tin vào dòng chảy âm nhạc luôn có sự tiếp nối mạnh mẽ, liên tục bởi các thế hệ trẻ Tây Nguyên.
Mạch nguồn chảy mãi
Khi mùa vụ thu hoạch vừa xong, kết thúc một năm sung túc trong các buôn làng, trở lại ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Phi Ưng ở làng Dôr 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa), tôi cảm nhận rõ không khí chậm lắng, yên bình. Nhạc sĩ Phi Ưng vắng nhà nhưng bóng dáng anh vẫn lấp đầy trong “ngôi nhà âm nhạc”.
Con gái Y Hsuanh và con trai Hoàng Y Phước (Trường THCS Anh Hùng Núp, xã Glar) đang cùng hát một bài rất vui nhộn của bố Phi Ưng bên cây đàn t’rưng: “Hôm nay đi chăn bò, đi chăn bò, mang gói cơm/Hôm nay đi chăn bò, đi chăn bò, cầm cây roi to/Em ngồi trên lưng con bò mẹ, kể chuyện bò nghe, cầm sừng bò/Em ngồi trên lưng, kéo tai bò, con bò vẫy đuôi chạy tới/Tung tăng tung tăng, bò nghé chạy khắp nơi/Chăn bò vui ơi là vui”.
Hoàng Y Phước chia sẻ: “Em thuộc hát nhiều ca khúc nhưng rất thích bài hát “Đi chăn bò” vì từ nhỏ đã được mẹ địu trên lưng đi sau những đàn bò gặm cỏ trên cánh đồng Kơ Dơ rộng lớn. Bố Phi Ưng sáng tác nhiều bài hát rất gần gũi với tuổi thơ những đứa trẻ Bahnar lớn lên trên vùng đất này”.
Còn Y Hsuanh nói, em thích nhất bài dân ca “Tanh brai” (Dệt vải) do bố Phi Ưng sưu tầm. Bên cây đàn t’rưng, Y Hsuanh say sưa hát “Dệt vải” bằng tiếng Bahnar. Giai điệu trầm bổng của lời hát dẫn người nghe vào thế giới của những sợi chỉ màu đang dần thành hình nên sắc màu thổ cẩm, tiếng động của khung dệt, bóng dáng thiếu nữ với đôi tay khỏe khoắn, dứt khoát làm chủ từng động tác. Hsuanh chia sẻ, em nhìn thấy bóng dáng của mẹ, của bà qua từng lời ca. Đó là hình bóng thương yêu nhất mỗi khi em nhớ về họ.
Hai con của nhạc sĩ Phi Ưng rất yêu thích những bài dân ca cổ Bahnar và các sáng tác khai thác chất liệu âm nhạc dân gian của cha. Ảnh: Minh Châu
Hai con của nhạc sĩ Phi Ưng rất yêu thích những bài dân ca cổ Bahnar và các sáng tác khai thác chất liệu âm nhạc dân gian của cha. Ảnh: Minh Châu
Nhạc sĩ Phi Ưng tâm sự: “Tôi sợ bó buộc con cái theo suy nghĩ của mình nên cho con tiếp cận nhiều thể loại âm nhạc, muốn nghe, muốn hát gì tùy chúng. Nhưng may mắn, cả hai đều mê dân ca Bahnar và thích nhạc của cha. Dù giọng hát chưa thật hay, cần được rèn luyện nhiều nhưng nghe các con hát say mê, đầy tình cảm trong đó, tôi thấy hạnh phúc vì âm nhạc dân tộc vẫn luôn có chỗ đứng trong tâm hồn thế hệ trẻ. Vì thế, mỗi khi rảnh rỗi, tôi đưa các con ra cánh đồng làng, làm những MV ca nhạc, giúp các con lưu giữ những khoảnh khắc tuổi thơ, đồng thời thấy được cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc”.
Nhạc sĩ Phi Ưng tin rằng, các con cũng chính là đại diện cho thế hệ trẻ người Bahnar, khi chúng yêu và tự hào với di sản đồ sộ về âm nhạc Tây Nguyên, thì âm hưởng hào hùng mà trữ tình của cao nguyên đất đỏ sẽ tiếp tục được chắp cánh bay cao, vang xa.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.