Cầu thủ Việt Nam và thử thách xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Văn Toàn, Quang Hải, Công Phượng và Huỳnh Như là những cầu thủ tiếp tục hành trình xuất ngoại nhiều thử thách trong năm mới 2023.
Cầu thủ Nguyễn Quang Hải. Ảnh: An Nguyên

Cầu thủ Nguyễn Quang Hải. Ảnh: An Nguyên

Thách thức đón chờ

Bóng đá nam có cầu thủ xuất ngoại thi đấu trong năm 2023 là Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn. Công Phượng từ chối bản hợp đồng có giá trị nhiều tỉ đồng. Giao kèo trị giá 18 tỉ đồng từ một đội bóng phía Bắc rất hấp dẫn, nhưng Văn Toàn đành lắc đầu. Quang Hải cũng khước từ số tiền rất lớn từ bầu Hiển với mong muốn được thử sức ở môi trường bóng đá đỉnh cao.

Đội trưởng Đội Tuyển nữ Việt Nam Huỳnh Như cũng từ chối mức lót tay kỷ lục 1 tỉ đồng/2 mùa giải từ câu lạc bộ Thái Nguyên.

Họ chấp nhận tất cả để thỏa ước nguyện của mình. Nhưng phía sau những quyết định dũng cảm ấy là những thách thức. Trong bóng đá, hãy nói về thách thức trước khi nhắc về một viễn cảnh màu hồng.

Đầu tiên, cách biệt về chuyên môn là điều rõ ràng. Văn Toàn thi đấu ở K.League 2, Quang Hải ở Ligue 2 và Công Phượng ở J.League 1. Đó là những giải đấu mà V.League sẽ còn rất lâu mới đạt trình độ tiệm cận.

Dễ thấy Quang Hải gặp khó khăn như thế nào tại Pháp. Khi “tuần trăng mật” Pau FC dành cho Quang Hải kết thúc, huấn luyện viên Tholot cũng chỉ có thể để ngôi sao sinh năm 1997 thi đấu trong quãng thời gian ngắn cuối mỗi trận đấu. Hệ quả là Quang Hải chơi dưới mức kỳ vọng ngay cả khi được ra sân liên tục tại AFF Cup 2022.

Cách đây 6 năm, Công Phượng hoàn toàn không có cơ hội ra sân dù chỉ đầu quân cho Mito Hollyhock ở J.League 2. Giờ đây, khi tiền đạo sinh năm 1995 được trao cơ hội tại Yokohama ở J.League 1, bài kiểm tra về chuyên môn còn ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều. Nếu không vượt qua được mùa giải đầu tiên, Công Phượng có thể lại phải trở về nước.

Trường hợp của Văn Toàn còn khó khăn hơn bởi anh thậm chí chưa từng thi đấu ở bất kỳ đội bóng nào ngoài Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, K.League 2 không phải giải đấu quá khó và nặng nề về chiến thuật. Vấn đề lớn nhất với Văn Toàn là anh phải thích nghi với môi trường văn hóa mới, ngôn ngữ mới và câu chuyện về thể lực.

Cứ đi rồi sẽ thành đường

Thực tế, “xuất khẩu cầu thủ” là nhiệm vụ mang tính then chốt của bóng đá Việt Nam để nâng tầm chính mình. Đáng nói, 2 trường hợp xuất ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam lại không phải tâm điểm của dư luận. Cách đây vài năm, Xuân Nam là vua phá lưới ở giải vô địch quốc gia Lào. Sau đó, anh trở về Việt Nam nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Gần đây, cầu thủ sinh năm 1994 chơi tốt hơn và có được triệu tập lên đội tuyển quốc gia nhưng dấu ấn của anh khá mờ nhạt.

Huỳnh Như chứng minh được năng lực nhiều nhất khi ra nước ngoài thi đấu. Từ chỗ là cầu thủ dự bị, Đội trưởng Đội tuyển nữ Việt Nam trở thành kép chính của Lank FC với nhiều bàn thắng và kiến tạo ở giải vô địch Bồ Đào Nha.

Huỳnh Như mất 2 năm mới có thể xuất ngoại. Cô âm thầm học tiếng Bồ Đào Nha, rèn luyện thể lực và chuẩn bị về tâm lý. Kết quả là Huỳnh Như đang trở thành lá cờ đầu của bóng đá Việt Nam.

Nhưng mọi so sánh đều là khập khiễng. Bóng đá nữ không thể đặt lên bàn cân cùng bóng đá nam. Năm 2023 là năm có đến 3 ngôi sao lớn của Tuyển Việt Nam chơi bóng ở nước ngoài. Quang Hải chưa chắc tạo ra điểm nhấn ở Pau FC, Công Phượng cũng có thể thất bại và chưa thể nói trước Văn Toàn có bùng nổ hay không.

Nhưng kể cả khi nhóm cầu thủ này không thành công, họ vẫn đang mang theo sứ mệnh quan trọng đó là mở đường cho bóng đá Việt Nam.

“Cứ đi rồi sẽ thành đường”. Những cầu thủ xuất ngoại đã dũng cảm, đánh cược sự nghiệp của mình để thổi bùng nên khát vọng của các đồng nghiệp về giấc mơ chơi bóng ở ngoài biên giới Việt Nam. Làm được điều này, giấc mơ World Cup mới có thể gần hơn với chúng ta.

Có thể bạn quan tâm