Cảnh giác với rắn độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong gần 1 tháng, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có 2 trường hợp nguy kịch. Theo các bác sĩ, thời tiết dần ấm lên là thời điểm loài rắn vào mùa sinh sản và di chuyển kiếm ăn. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và đề phòng rắn cắn, nhất là vào ban đêm.

Ngày 10-2 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân Kpuih Hmrăng (SN 1981, trú tại làng Tong Kek, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) do bị rắn chàm quạp cắn. Được cấp cứu kịp thời, anh Hmrăng đã vượt qua cơn nguy kịch và dần hồi phục. Trên giường bệnh, anh Hmrăng cho biết: “Khoảng 12 giờ ngày 10-2, tôi đi nhổ mì và vô tình bị rắn cắn vào tay phải. Sau đó, tôi được người thân đưa tới Trung tâm Y tế huyện rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu”.

Bác sĩ Phạm Xuân Tư (Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình-bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Bệnh nhân Kpuih Hmrăng được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau đó chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Ngày 16-2, bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục cắt lọc, chăm sóc vết thương bàn tay phải bị hoại tử do rắn cắn. Theo bác sĩ Tư, bàn tay phải của bệnh nhân bị hoại tử đen đốt xa ngón 2, đã cắt bỏ ngón 2 và các y-bác sĩ tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình-bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám vết thương cho bệnh nhân Kpuih Hmrăng. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình-bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám vết thương cho bệnh nhân Kpuih Hmrăng. Ảnh: Như Nguyện

Cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Nhi tỉnh cũng tiếp nhận 2 bệnh nhi bị rắn cắn. Chị Siu Khuê (làng H’lil 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) kể lại: “Ngày 23-2 vừa qua, vợ chồng tôi đi nhổ mì, còn cháu thì đi bẫy chim. Buổi tối, trong khi đi bẫy chim, cháu bị rắn cắn vào chân trái. Chúng tôi đưa cháu lên Trung tâm Y tế huyện cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh”-chị Khuê buồn bã nói.

Theo bác sĩ Bùi Quốc Long (Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi tỉnh), bệnh nhi nhập viện vào tối 24-2 trong tình trạng lơ mơ, thiếu máu, da xanh, xuất huyết dưới da rải rác toàn thân, xuất huyết vùng miệng, hầu họng. Riêng chân trái bị phù nề, bầm tím, có bóng nước, chảy máu, dịch… “Qua khai thác thông tin từ người nhà thì xác định, bệnh nhi bị rắn độc cắn. Chúng tôi đã truyền các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh và truyền huyết thanh kháng độc rắn điều trị tình trạng rối loạn đông máu. Qua điều trị, tình trạng bệnh nhi có khá hơn nhưng tiên lượng rất nặng, tiếp tục theo dõi”-bác sĩ Long cho biết.

Rắn độc, trong đó có rắn chàm quạp có tên gọi khác là rắn lục Mã Lai, rắn lục nưa, là loài rắn cực độc chỉ sau rắn biển. Rắn chàm quạp thường gặp ở vùng trồng nhiều cao su và điều thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... Theo bác sĩ Long, khi bị rắn cắn, người dân cần tiến hành sơ cứu ngay tại nơi xảy ra tai nạn, mục đích là làm chậm quá trình hấp thu nọc độc vào cơ thể. Sau khi trấn an nạn nhân thì cần rửa sạch vết thương và đặt chi bị rắn cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố; băng chặt vị trí cắn với băng vải, băng bắt đầu từ phía trên vết cắn để hạn chế hấp thu độc chất theo đường bạch huyết và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. “Ngoài ra, cần xác định được loại rắn cắn hoặc có những mô tả giúp các bác sĩ xác định loại rắn cắn từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả. Không chỉ rắn chàm quạp mà tất cả các trường hợp rắn cắn đều phải theo dõi tại bệnh viện từ 12 đến 24 giờ để đảm bảo an toàn”-bác sĩ Long khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Long, đa số các trường hợp bị rắn cắn thường rơi vào trẻ em người dân tộc thiểu số. Để đề phòng tai nạn, người dân khi đi làm nên mặc đồ bảo hộ lao động, đeo găng tay, đi ủng để bảo vệ vùng tay chân vốn là nơi dễ tiếp xúc với rắn nhất. Trẻ em đi theo cha mẹ thì người lớn cần giám sát chặt chẽ, không để trẻ chơi ở các bụi rậm, nơi trồng nhiều cây.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.