Cảnh giác ung thư khi xuất hiện hạch vùng cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người trên 30 tuổi xuất hiện hạch vùng cổ phải thận trọng vì có thể là hạch di căn của một số ung thư vùng hầu họng.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết đa phần một khối hạch xuất hiện ở vùng cổ là lành tính. Thông thường đó là hạch viêm, tỷ lệ khoảng 75%.
Ảnh: hickeysolution
Ảnh: hickeysolution
Đối với trẻ em, hạch nổi ở vùng góc hàm, cổ bên, sau tai... kích thước nhỏ hơn 3 cm, mềm, di động và đau khi sờ nắn. Các hạch này thường lành tính, do các phản ứng viêm nhiễm của vùng tai mũi họng. Tuy nhiên với người trên 30 tuổi, khi xuất hiện hạch vùng cổ phải hết sức thận trọng và không được chủ quan vì có thể là hạch di căn của một số loại ung thư ở vùng hầu họng.
Hạch cổ di căn không tìm thấy được ổ nguyên phát được gọi là hạch di căn chưa rõ nguyên phát CRNP, tỷ lệ khoảng 2-9%. Để chẩn đoán, bác sĩ cần phải khám tỉ mỉ vùng tai mũi họng hoặc khoang miệng. Đôi khi bướu nguyên phát nằm ngoài da đầu hay sâu trong thực quản.
Bác sĩ chỉ tiến hành sinh thiết hạch nghi ngờ ác tính khi đã tầm soát kỹ các vùng này. Lý do, động tác sinh thiết hạch có thể gây hiện tượng gieo rắc tế bào ung thư trên đường mổ và để lại nhiều biến chứng sau khi điều trị.
Phương pháp được sử dụng là nội soi tai mũi họng, siêu âm vùng cổ, CT scan, MRI hoặc PET CT scan. Chụp PET CT có thể phát hiện 25% ung thư nguyên phát, chi phí khá cao. Hơn nữa đối với vùng đầu cổ, PET CT scan một số trường hợp vẫn cho kết quả âm tính giả, có nghĩa không phát hiện ra bướu.
Khoa Xạ 3 Bệnh viện Ung bướu TP HCM hai năm qua có 80 bệnh nhân lúc nhập viện được chẩn đoán hạch cổ di căn CRNP, sau khi rà soát kỹ thì chỉ 50 trường hợp có tổn thương bướu nguyên phát. Khoảng 87% có hạch cổ từ 3 cm trở lên, không đau và khả năng ác tính cao. Đa số hạch di căn ở vùng góc hàm và bên cạnh trái cổ. Các vị trí thường là vòm hầu và khẩu hầu, đặc biệt là amiđan, chiếm tỷ lệ 90%.
Điều trị chủ yếu bằng cách xạ trị bao phủ diện rộng hạch cổ di căn và đường hô hấp, tiêu hóa trên. Nếu tìm thấy ổ nguyên phát thì xạ trị chỉ tập trung vào vùng bướu và hạch cổ di căn, ít để lại biến chứng sau xạ trị hơn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, người trên 30 tuổi đột nhiên xuất hiện một khối hạch vùng cổ lớn hơn 3 cm, không đau thì nên thận trọng và phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc ung bướu để được tư vấn và chẩn đoán đúng mức. Siêu âm vùng cổ và nội soi tai mũi họng kỹ trước khi sinh thiết hạch.
Đa số trường hợp sau khi siêu âm, nội soi có thể phát hiện và sinh thiết ngay tại bướu nguyên phát, không cần phải sinh thiết hạch. Ung thư vùng hầu họng được chẩn đoán và điều trị chính xác, hợp lý ngay từ đầu hiệu quả đáng kể, giảm biến chứng, nâng cao chất lượng sống.
Lê Phương (VNE)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.