(GLO)- Trồng mía không còn là chuyện xa lạ với đồng bào dân tộc Jrai tại các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh. Thế nhưng chuyện hàng chục gia đình tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) tự nguyện góp đất phá bỏ bờ lô, bờ thửa tạo thành mảnh đất lớn cùng nhau trồng mía theo hình thức cánh đồng mía mẫu lớn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Góp đất trồng mía
Cánh đồng Knông (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) rộng khoảng 400 ha từ bao đời nay chỉ sản xuất lúa nước 1 vụ hoặc chỉ trồng được cây mè, mì. Do chưa chủ động nguồn nước tưới nên cây trồng sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Cơ giói hóa khâu bón phân tại cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: N.D |
Với mục đích giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cùng chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân có đất nằm liền kề nhau cùng hợp thửa để thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn. Hiện tại đã có 23 hộ dân tình nguyện cùng góp 24 ha để thực hiện chương trình này. Công ty tổ chức làm dịch vụ cơ giới hóa từ khâu trồng-chăm sóc-thu hoạch mía; chuyển giao cho nông dân giống mía mới năng suất cao… Đồng hành với người dân thực hiện canh tác mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn bằng các chính sách ưu đãi: cử cán bộ kỹ thuật cùng tham gia giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư 100% chi phí sản xuất như làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên thu mua dứt điểm sản lượng mía; bảo hiểm lợi nhuận cho nông dân trong 3 vụ đầu...
Trao đổi với P.V, anh Kpă Nguyên (làng Plieu Pa Ma Hlak, xã Chư Mố) cho hay: Nhóm của chúng tôi gồm 7 hộ tự nguyện góp 6,5 ha đất liền kề nhau để trồng mía. Đây là lần đầu tiên cây mía xuất hiện trên cánh đồng rộng lớn này. Trong thời gian qua do nắng hạn nhưng các thành viên trong nhóm đã tích cực bơm tưới nước từ hệ thống giếng khoan, tưới béc được Công ty đầu tư nên so với các nơi khác ruộng mía chúng tôi tốt hơn nhiều. Các thành viên trong nhóm chia nhau để theo dõi và chăm sóc cho cây mía phát triển tốt để đảm bảo kịp thu hoạch bán cho nhà máy trong niên vụ ép sắp tới.
Anh Kpă Thêm (làng Plei Pa Ơi Hbriu) cũng vui vẻ không kém khi nhóm của anh có 5 hộ góp 5 ha cũng được Công ty đầu tư định mức giống như những hộ liên kết khác, mọi người trong nhóm đều nhận định trồng mía như thế này sẽ tốt hơn so với trồng lúa 1 vụ và trồng mè…
Kỳ vọng vào cánh đồng mẫu lớn
Cánh đồng mía Knông là một trong 4 cánh đồng mía mẫu lớn được Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất. Công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích mía của nông dân đảm bảo có lãi. Bên cạnh đó, Công ty hỗ trợ không hoàn lại cho các chủ đất 2 triệu đồng/ha, bảo hiểm lợi nhuận bình quân hàng năm bằng mức thu nhập với cây lúa 1 vụ là 8 triệu đồng/ha trong vòng 3 năm… Từ cách làm mới trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hình thức này, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai hy vọng trong những niên vụ tới sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu tại 4 xã Đông sông Ba có diện tích mía đạt 1.000 ha.
Ông Nguyễn Bá Chủ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cho hay: Đây là một trong những mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên với sự tham gia của 100% hộ đồng bào dân tộc Jrai. Theo ước tính, với sự đầu tư đồng bộ ở tất cả các khâu, năng suất mía bình quân sẽ đạt trên 70 tấn/ha, đảm bảo người trồng mía lợi nhuận sẽ cao hơn so với trồng lúa 1 vụ và các loại cây trồng khác. Ngoài cánh đồng mẫu lớn tại xã Chư Mố, Công ty đang tập trung triển khai một số cánh đồng mía mẫu lớn khác như: cánh đồng Chrô Pơnan (huyện Phú Thiện) rộng 30 ha có 21 hộ tham gia; cánh đồng buôn Bir (thị xã Ayun Pa) 21 ha với sự đóng góp của 23 hộ và một cánh đồng mẫu lớn tại huyện Krông Pa rộng 21,3 ha… Với nhiều chính sách đầu tư mới, thuận lợi cho bà con sản xuất, chúng tôi hy vọng rằng đây là những mô hình điểm để giúp nông dân địa phương trong vùng có điều kiện tham quan, học tập để nhân rộng ra nhiều xã khác.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề giá mua mía do thị trường quyết định. Vậy nên, giải pháp tăng lợi nhuận cho nông dân trồng mía là hình thành cánh đồng mía mẫu lớn để áp dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc mía, tăng năng suất mía trên đơn vị canh tác là xu thế phát triển tất yếu. Vì vậy, mục tiêu của Công ty là tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn đạt khoảng 1/4 tổng diện tích mía toàn vùng.
Nguyễn Diệp