(GLO)- L.T.S: Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai đang tiến hành các bước thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhân dịp này, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mộng Hoàng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy về một số nội dung liên quan.
Ảnh: Thanh Nhật |
* P.V: Xin đồng chí cho biết một số điểm mới trong Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị?
- Đồng chí Nguyễn Mộng Hoàng: Chỉ thị 36-CT/TW có sự kế thừa, phát triển các quan điểm, yêu cầu, định hướng của Bộ Chính trị trong các kỳ đại hội trước, với tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu chung là công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng phải được đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của Đảng. Đặc biệt, chỉ thị đã nhấn mạnh và làm rõ hơn một số vấn đề trong việc chuẩn bị nội dung, nhân sự và tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đảm bảo nguyên tắc của Đảng, đúng quy trình, quy định, khoa học, dân chủ, công tâm, khách quan để lựa chọn những cán bộ ưu tú nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín và năng lực công tác tham gia cấp ủy khóa mới.
Trong đó, Trung ương đánh giá việc thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp ở một số địa phương thời gian qua có hiệu quả tốt, vì vậy sắp đến sẽ thực hiện nhất quán chủ trương này ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Đối với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã, Ban Bí thư đã cho chủ trương để thực hiện, các cấp ủy xem xét, tiến hành thực hiện mô hình này ở những huyện và xã có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành Công an, Thanh tra, Tài chính, Thuế, Hải quan ở cấp tỉnh và cấp huyện không là người địa phương. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Chính trị quyết định thực hiện trên phạm vi toàn quốc và Ban Tổ chức Trung ương quy định rõ cách hiểu “người địa phương” để triển khai một cách đồng bộ. Ban Thường vụ cấp ủy các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đối với các chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy hoặc điều động bố trí cán bộ sau đại hội. Đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan ngành dọc cấp trên trong việc bố trí một số chức danh cán bộ ngành dọc không là người địa phương. Đồng thời, thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một địa phương, đơn vị, cũng như phấn đấu thực hiện chủ trương này ở cấp xã. Riêng đối với các xã khó khăn về cán bộ thì Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét từng trường hợp cụ thể, trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để thống nhất phương án giải quyết.
Ngoài ra, độ tuổi giới thiệu tái cử phải đủ tuổi công tác trọn nhiệm kỳ, hoặc ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Có sự phân biệt về độ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và độ tuổi giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND nhiệm kỳ 2016-2021, nhằm phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng và nhiệm kỳ HĐND và UBND các cấp…
* P.V: Những vấn đề cần quan tâm về công tác nhân sự cấp ủy tại Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là gì, thưa đồng chí?
Tiểu ban nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020) họp phiên thứ nhất. Ảnh: Thanh Nhật |
- Đồng chí Nguyễn Mộng Hoàng: Đại hội Đảng bộ các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Sự thành công của Đại hội Đảng các cấp là tiền đề quyết định sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Do vậy, công tác nhân sự phải thực hiện nghiêm các yêu cầu của Bộ Chính trị quy định tại Chỉ thị 36-CT/TW, cùng các hướng dẫn của Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, cấp ủy các cấp phải rà soát, bổ sung quy hoạch, chuẩn bị một bước cho công tác nhân sự đại hội. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện việc giới thiệu nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới, Ban Thường vụ cấp ủy xây dựng đề án nhân sự báo cáo cấp ủy; cấp ủy chuẩn bị định hướng xây dựng cấp ủy khóa mới và đề án nhân sự để báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên. Công tác nhân sự cấp ủy phải thực hiện đúng quy chế, quy trình, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ; cơ bản phải tiến hành theo quy hoạch cán bộ và đồng thời với chuẩn bị nhân sự lãnh đạo HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ tới. Cấp ủy các cấp phải đảm bảo chất lượng, tính kế thừa, phát triển, có số lượng, cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp ủy cần có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn cấp ủy viên; kết hợp việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Việc giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đồng thời chú trọng giới thiệu nhân tố mới có đức, có tài... Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ, đảm bảo 3 độ tuổi trong cấp ủy và phấn đấu 3 độ tuổi trong Ban Thường vụ và Thường trực cấp ủy; phấn đấu cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy, tỷ lệ cán bộ trẻ không dưới 10%, tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị…
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Nhật (thực hiện)