Cần sớm khắc phục bất cập về giao thông tại Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nằm ở vị trí đường một chiều nhỏ hẹp nhưng lại có mật độ xe đông nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh và giáo viên.

Từ năm 2017 đến nay, điểm bất cập về hạ tầng giao thông này vẫn chưa được khắc phục khiến thầy-cô giáo và học sinh luôn thấp thỏm mỗi lần đến trường.

Đoạn đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) phía trước Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học là đường một chiều khá hẹp và không có lề đường. Đáng chú ý là thầy-cô giáo và học sinh di chuyển hướng từ Đak Lak đến trường phải đi vòng thêm một quãng đường để qua làn một chiều phía bên này để vào trường. Còn từ trường muốn đi về phía trung tâm huyện thì bắt buộc phải đi đoạn đường một chiều dài hơn 1 km để nhập vào làn đường một chiều hướng ngược lại. Đáng chú ý, giữa 2 đường một chiều này từ lâu đã hình thành con đường đất dài hơn 20 m để đi tắt từ đường một chiều này qua đường một chiều kia. Một số học sinh bất chấp nguy hiểm đã chọn đi lối này để rút ngắn quãng đường di chuyển.

Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) nằm ở vị trí đường một chiều nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: M.P

Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) nằm ở vị trí đường một chiều nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: M.P

Em Đỗ Xuân Đạt (lớp 12A9) cho biết: Vào lúc cao điểm, lượng xe lưu thông trên đoạn đường này rất đông, lái xe chạy rất ẩu, cứ lao vùn vụt qua khu vực cổng trường. Lúc tan học, một lượng lớn học sinh ùa ra phía quốc lộ, tài xế bấm còi inh ỏi. “Đường hẹp nên mỗi lần xe khách, xe tải, xe container chạy qua sát rạt bên người, nếu bạn nào không cứng tay lái thì rất dễ ngã. Nguy hiểm hơn là khi chúng em ra đường thì xe lớn từ trên đầu dốc đổ xuống với tốc độ rất nhanh khiến nhiều bạn sợ hãi, chờ lúc vắng xe mới dám đi. Rất may là đoạn đường qua trường vừa cắm biển hạn chế tốc độ (60 km/h) nên nhiều phương tiện qua đây cũng giảm một phần tốc độ so với trước đây”-em Đạt nêu thực trạng.

Còn em Trương Văn Lộc (lớp 12A8) thì cho biết: Nhà em ở thôn Phú Bình (xã Ia Le) nên chỉ phải đi vòng qua một đoạn ngắn đường một chiều để đến trường. Trong khi đó, nhiều bạn nhà ở trung tâm huyện phải đi vòng xuống một đoạn xa hơn 1 km rồi vòng ngược lại thêm một đoạn như vậy nữa để về nhà. “Nhiều bạn ngại đi vòng, bất chấp nguy hiểm băng qua đường rồi đi theo đường đất sang làn đường một chiều phía bên kia để về nhà. Mỗi lần tan học, chúng em rất áp lực. Nhiều lúc lượng xe qua lại đông, học sinh không còn đường để đi. Đã có nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra nhưng may mắn là chưa gây hậu quả đáng tiếc”-em Lộc cho hay.

Theo thầy Lê Quốc Tịnh-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học: Từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã kiến nghị nhiều lần, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án giải quyết nhưng đến nay điểm bất cập về giao thông phía trước cổng trường vẫn chưa được xử lý. “Nhà trường cũng đề xuất phương án làm đường gom ngay trước cổng trường song song với quốc lộ hiện tại (dài hơn 1 km) để học sinh không phải đi vào đoạn đường một chiều này. Mặt khác, huyện cũng đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống đường gom để đảm bảo lưu thông qua khu vực này nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa thực hiện. Điều này khiến thầy-cô giáo và học sinh đều thấp thỏm mỗi khi tan trường”-thầy Tịnh cho biết.

Người dân đi tắt theo con đường tự mở để tránh phải đi vòng đường một chiều. Ảnh: M.P

Người dân đi tắt theo con đường tự mở để tránh phải đi vòng đường một chiều. Ảnh: M.P

Ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: “Để giải quyết điểm bất cập về hạ tầng giao thông trên, huyện phải làm đường gom đấu nối vào quốc lộ đi qua đoạn đường một chiều. Còn về việc làm đường gom phía sau thay vì phía trước trường học theo phương án trước đây thì huyện có ý kiến để Sở có văn bản góp ý với Khu Quản lý đường bộ III”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học thông tin thêm: Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tham gia giao thông đảm bảo an toàn, đặc biệt không băng qua đường đi theo đường đất để sang làn đường phía bên kia. Trường cũng thành lập Tiểu ban an toàn giao thông để nhắc nhở, xử lý học sinh cố tình đi tắt qua đoạn đường đất này nhưng thỉnh thoảng vẫn còn học sinh vi phạm. “Nhà trường cũng có phương án rào lại đoạn đường đất trước cổng trường nhưng người dân khu vực này không chịu vì đây là đoạn đường họ tự mở để đi tắt. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có phương án khắc phục điểm bất cập về giao thông này để đảm bảo an toàn cho phụ huynh, học sinh và thầy-cô giáo khi đến trường. Phân hiệu có đến 13 lớp với 650 học sinh đi lại hàng ngày nên về lâu dài rất nguy hiểm”-thầy Tịnh đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện thì thông tin: Tại điểm bất cập này đã được lắp đặt hệ thống đèn vàng cảnh báo, cắm biển hạn chế tốc độ. Trước đây, huyện cũng có phương án làm đường gom phía trước cổng trường nhưng Khu Quản lý đường bộ III (Bộ Giao thông-Vận tải) không đồng ý cấp phép mà yêu cầu huyện làm đường gom phía sau trường học, điều này vượt quá khả năng của huyện. “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, lắp thêm đèn vàng cảnh báo, đồng thời đề xuất cơ quan chức năng cắm biển hạn chế tốc độ kéo dài phía trên đoạn dốc để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này”-ông Hiệp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.