Việc cán bộ, đảng viên tỉnh Gia Lai gương mẫu, tích cực chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội còn góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền
Xác định lực lượng đoàn viên, thanh niên là nòng cốt trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên không gian mạng, thời gian qua, Tỉnh Đoàn Gia Lai đã tận dụng mạng xã hội, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục hay như: “Góc nhìn Thanh niên”, “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”,... Các trang này, hàng ngày thu hút khoảng 13.000 lượt đoàn viên, thanh niên truy cập.

Chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai-cho biết: Ưu điểm của mạng xã hội chính là thông tin lan tỏa không có giới hạn về không gian, thời gian, việc định hướng, lan tỏa thường xuyên những thông tin tích cực góp phần định hướng cho đoàn viên, thanh niên hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tận dụng tốt không gian mạng để cổ vũ, nhân rộng những điển hình tiên tiến, chung tay xây dựng quê hương Gia Lai giàu đẹp và văn minh.
“Hơn thế nữa, thời gian qua, đa số cán bộ đoàn viên, thanh niên trăn trở khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy. Các trang mạng của Tỉnh Đoàn đã thường xuyên đăng tải lại các thông tin chính thống để đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, tìm hiểu để thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước”-Bí thư Tỉnh Đoàn cho hay.

Cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của các trang mạng xã hội trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa-chia sẻ: Ban Chỉ đạo 35 huyện Đak Đoa đã xây dựng Fanpage “Truyền thông Đak Đoa”. Tính đến nay, trang truyền thông này có hơn 1 triệu người tiếp cận, hơn 100 ngàn lượt tương tác. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề thời sự trong ngày, thông tin chia tách sáp nhập, các vấn đề nóng của thế giới, trang đều chia sẻ thông tin để đăng, các gương người tốt, việc tốt... Qua đó, nhằm lan tỏa các mô hình hay, cách làm hiệu quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đak Đoa Lê Thị Huệ cũng thông tin: “Chúng tôi xác định mạng xã hội là “mặt trận” quan trọng trong công tác tư tưởng. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban đã hướng dẫn các xã, thị trấn và các hội, đoàn thể xây dựng Fanpage, các nhóm Zalo. Năm 2018, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đak Đoa cũng thành lập trang Fanpage “Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đak Đoa” thu hút được nhiều lượt truy cập, theo dõi, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
"Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội này không chỉ đăng tải bài viết, chia sẻ, bình luận, phản ánh các hoạt động của địa phương, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhờ đó, các đơn vị, địa phương nắm bắt tình hình dư luận, tham mưu xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ”.

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy-cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có 947 trang, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh phản bác các điểm sai trái, thù địch. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Lan tỏa các mô hình sáng tạo
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Chỉ đạo 35 tỉnh còn tổ chức chương trình hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V và Giải Báo chí về công tác xây dựng Đảng lần thứ X, năm 2025.
Bà Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh-cho hay: Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với sự tham gia của đội ngũ trí thức, báo chí, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong những năm qua. Ban tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai đạt hiệu quả các Cuộc thi này.
Ban Chỉ đạo 35 tỉnh cũng đã xây dựng được một mạng lưới đấu tranh cả trên các loại hình báo chí chính thống thể hiện tính toàn diện trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh. Tính riêng năm 2024, Báo Gia Lai đã truyên truyền trung bình 5.000 tin, bài, ảnh, phóng sự, clip trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử. Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh duy trì các chương trình phát thanh truyền hình, trong đó có 900 giờ phát chương trình địa phương bằng tiếng Jrai, Bahnar, sản xuất 75 chương trình tiếng Bahnar và Jrai cộng tác phát sóng trên kênh VTV 5-Đài Truyền hình Việt Nam…
Cùng với đó, hàng năm, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban Chỉ đạo 35 các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã duy trì trên 400 trang điện tử, fanpage, website đăng tải, chia sẻ trên 100 ngàn lượt bài viết, thu hút khoảng 100 triệu lượt tiếp cận các thông tin tích cực… Nội dung tuyên truyền tập trung vào kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh, huyện; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng-chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những mô hình hay kinh nghiệm quý, gương “người tốt việc tốt”, công tác lãnh đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm.
Nhiều cơ quan, hội, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều có trang mạng xã hội riêng, tuyên truyền liên tục hiệu quả như trang Facebook Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai, Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Chư Păh... Những thông tin tích cực đăng lên các trang này được lan tỏa nhiều hơn nhờ tính cộng đồng cao. Những bài học nhân nghĩa, thông điệp nhân văn cũng được nhân rộng nhanh hơn.

Ông Nguyễn Quang Trường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh-cho biết: Hàng tháng, ngoài các buổi học nghị quyết của Trung ương và tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến, huyện còn chú trọng các buổi tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trực tuyến đến các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Đảng bộ Huyện ủy Chư Păh tích cực hưởng ứng “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V-2025” do Trung ương tổ chức. Theo đó, Huyện ủy chỉ đạo cho mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều phải có sản phẩm để dự thi.
… Mạng xã hội ngày càng tác động lớn đến đời sống xã hội. Tỉnh Gia Lai đã và đang tiếp tục phương châm lan tỏa thông tin tích cực là một trong những phương pháp để “xây”, nhằm thông tin tích cực đến cán bộ, đảng viên và người dân nắm bắt giúp hiểu được bản chất vấn đề. Chính bước “xây” này sẽ tạo nền tảng lý luận vững chắc để bước “chống” trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn.