Có phải bạn cũng đang làm việc tại nhà giữa mùa đại dịch Covid-19 khi đang cách ly xã hội? Thế thì bạn phải làm quen với những thách thức của làm việc từ xa.
Bạn phải làm quen với những thách thức của làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Shutterstock |
Kết nối internet kém, các vấn đề kỹ thuật, sự quấy rối từ các thành viên gia đình và hàng xóm, mục tiêu và thời hạn làm việc, cách ly xã hội - tất cả những điều này có thể khiến chuyện làm việc ở nhà trở nên căng thẳng hơn so với làm việc tại công sở. Điều này cuối cùng có thể gây tổn hại cho sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc thực hiện năm 2017 cũng gắn kết chuyện làm việc tại nhà với sự gia tăng mức độ căng thẳng. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm việc tại nhà phải đối mặt với một loạt các thách thức mà cuối cùng là gây tổn hại cho sức khỏe của họ, theo The Health Site.
Tác động của căng thẳng (stress) đối với sức khỏe của bạn
Không phải những tình huống căng thẳng giết chết bạn, mà là cách bạn đối phó với stress vốn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Khi bạn căng thẳng, bạn có thể cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và khó ngủ. Theo thời gian, tình trạng này có thể kích hoạt các cơn đau tim, đột quỵ..., theo The Health Site.
Stress làm gia tăng hoóc môn adrenaline, vốn thúc đẩy hoạt động bơm máu của tim, qua đó làm tăng huyết áp. Nếu không được giải quyết, tình trạng này có thể khiến bạn dễ bị đau tim và đột quỵ hơn.
Bạn cũng có nhiều khả năng bị hút vào những thói quen không lành mạnh khi bị stress. Những người bị stress có xu hướng ăn thực phẩm không lành mạnh, uống rượu và hút thuốc. Stress cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn. Các nghiên cứu cũng gắn kết stress với lo lắng và trầm cảm...
May mắn thay, stress có thể được ngăn ngừa và điều trị.
Mẹo giảm stress khi làm việc tại nhà
Có nhiều cách để giảm bớt stress khi làm việc tại nhà. Sau đây là một số cách mà bạn có thể thử, theo The Health Site.
1. Tập thể dục
Tập thể dục kích hoạt việc phóng thích endorphin, hóa chất trong não giúp cải thiện tâm trạng và giảm hoóc môn gây stress.
2. Đặt thời gian biểu
Nên lập thời gian biểu thay vì làm việc khi bạn tranh thủ được thời gian.
3. Làm việc khi bạn ở trong trạng thái tốt nhất
Chọn thời gian khi bạn cảm thấy thoải mái. Điều này có thể giúp bạn đạt năng suất cao hơn.
4. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khó trước
Đừng để những nhiệm vụ gây khó chịu hoặc nhiều thách thức ngự trị tâm trí bạn. Suy nghĩ về chúng có thể khiến bạn căng thẳng hơn.
5. Luôn kết nối
Cảm giác cô lập có thể rút cạn năng lượng và ảnh hưởng đến năng suất của bạn. Luôn kết nối với những người cùng làm việc tại nhà như bạn, hoặc những người có cùng chí hướng, tất nhiên phải đảm bảo các quy định về phòng bệnh trong mùa dịch Covid-19 như hiện tại, theo The Health Site.
6. Dành thời gian cho những hoạt động mà bạn thích
Điều này có thể làm cho vấn đề của bạn cảm thấy dễ xử trí hơn.
7. Tìm chuyên gia
Nếu nỗ lực tự giúp đỡ bản thân không thể khiến bạn giảm stress, hãy tìm sự trợ giúp y tế, theo The Health Site.
Theo Quyên Quân (Thanh Niên)