Cà phê xưa và nay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không biết từ bao giờ, cà phê đã trở thành thức uống không thể thiếu đối với người dân Phố núi. Trên các nẻo đường, góc phố của Pleiku, đi đến đâu ta cũng gặp những quán cà phê thơm nồng hương vị đặc trưng của cao nguyên bazan giàu bản sắc, góp phần tạo nên nét đẹp riêng cho phố.

1. Tôi quen ông Nguyễn Quang Hiền (tổ 4, phường Yên Đổ, TP. Pleiku)-một trong những người yêu thức uống cà phê như chính cuộc sống của mình, ở ngay trong không gian nhỏ xinh, giản dị, đem đến cho thực khách cảm giác gần gụi của quán cà phê Kim Liên (84 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku). Thật thú vị khi ngồi lắng nghe ông Hiền cùng những người bạn tâm giao ôn lại những ký ức đẹp về loại thức uống số 1 Tây Nguyên, thưởng thức mùi hương rất thực của ly cà phê nguyên chất được chính tay bà chủ quán Kim Liên pha mang ra mời bạn hữu.

 
Ảnh: Thái Bình
Ảnh: Thái Bình

Ông Nguyễn Quang Hiền kể cho tôi nghe về những ngày còn nhỏ, giữa tiết trời se lạnh của buổi sáng Pleiku, ông vẫn thường được hưởng một ly... nước xái cà phê sau khi người cha uống cữ cà phê sáng trước khi đi làm; cũng có khi ông được cha cho đi cà phê cùng tại phòng trà Thăng Long, chỗ đối diện cà phê Thu Hà hiện nay. Phòng trà Thăng Long là một trong những tiệm cà phê đầu tiên tại Pleiku; cùng với thưởng thức cà phê, khách được lắng mình trong những bài hát phát ra từ chiếc máy hát đĩa cổ. “Cà phê vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước tại Pleiku được bán chủ yếu tại các quán ăn do người Hoa làm chủ hoặc bán trong các phòng trà, vì thế có 2 kiểu: cà phê phin bán tại các phòng trà và cà phê vợt (cà phê bít tất) bán tại các quán ăn. Từ thập niên 70 trở đi thì quán cà phê ở Pleiku đã mọc lên khá nhiều, như: cà phê Băng (đường Lê Hồng Phong hiện nay), Thiên Lý, Nhớ (đường Tăng Bạt Hổ), Mimosa (góc đường Tăng Bạt Hổ-Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ), Kim Liên (đường Hoàng Diệu, nay là Hùng Vương, sau Kim Liên chuyển lên Tăng Bạt Hổ); đặc biệt là cà phê Dinh Điền ở ngay bên cạnh khu vườn cây lâu năm của Biệt Điện (khu vực Tỉnh ủy ngày nay)… Cái thú vào quán cà phê của thanh niên lúc ấy là 1 ly cà phê hoặc 1 ly yaourt đá, 1 gói thuốc lá thơm và 1 băng nhạc cối hát bằng cái máy hát Akai kèm amply để mọi người trong quán đều có thể nghe được…”-ông Hiền nhớ lại.

2. Bây giờ, ở Pleiku quán cà phê nhiều vô số kể, mới chỉ kể đến tên gọi đã thấy sự phong phú và khá đặc trưng. Có thể kể đến các kiểu đặt tên quán như: dùng tên thương hiệu cà phê (Thanh Thủy, Thu Hà, Trung Nguyên, Thiên Nga…); dùng tên mình, số nhà (cà phê Yến-đường Nguyễn Tất Thành, cà phê Hoàng Hà-đường Nguyễn Văn Trỗi, cà phê 59-đường Lạc Long Quân, cà phê 33A-đường Lê Duẩn, cà phê 24-hẻm 24/1 Trần Hưng Đạo…); dùng tên nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh (Fun-đường Lê Lợi, Galaxy-đường Cù Chính Lan, Glory-đường Lê Hồng Phong, Tennis-đường Lê Hồng Phong và Quang Trung…); tên các loài hoa, cây cỏ (Ti gôn-đường Nguyễn Tất Thành, Chuỗi Ngọc-đường Đoàn Thị Điểm, Hoàng Lan-đường Wừu, đường Phan Đình Phùng, Mai Vàng-đường Lê Duẩn…) hoặc được đặt theo một ý thích nào đó của chủ nhân theo xu hướng càng ngắn gọn, dễ nhớ thì càng tạo được ấn tượng với khách như: Mộc-đường Duy Tân, Maya-đường Sư Vạn Hạnh, Gu-đường Hoàng Hoa Thám...

Nói không với những ly cà phê trộn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm gần đây, Pleiku ngày càng có thêm những không gian dành cho những ly cà phê nguyên chất với hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết, tự nhiên. Không chỉ thế, một bộ phận không nhỏ người Pleiku dần dần chuyển từ cách thưởng thức cà phê pha phin theo kiểu truyền thống sang cà phê pha máy, tạo nên một sự thú vị khác trong văn hóa cà phê. Với những người đã uống cà phê theo cách này khá lâu như ông Nguyễn Hải Cường (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) thì “Đây không chỉ là thói quen, cao hơn, đó là nhu cầu được thưởng thức đúng hương vị và chất lượng của món đồ uống đã góp phần làm nên một nét văn hóa đặc trưng của Pleiku. Tôi uống cà phê rang xay nguyên chất còn coi đây như là một cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính mình”.

Một ngày, nếu bạn là khách phương xa đến Pleiku, chắc chắn bạn sẽ được những người Pleiku mến khách đón bằng một nụ cười tươi ngay giữa không gian nhỏ xinh ấm cúng, âm nhạc nhẹ nhàng, bên những ly cà phê rang xay nguyên chất đúng điệu. Hít hà mùi hương có vị ngọt tự nhiên của nó, bạn sẽ khó lòng mà quên. Và rồi từ đó, câu chuyện về cà phê lại được mở ra, trong tươi mới tiếng cười…

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.