Đây đều là những công việc chất lượng cao mà DN dự kiến tuyển người nước ngoài nếu không tìm được ứng viên phù hợp trong nước. Mặc dù có 247 lượt NLĐ ứng tuyển nhưng không ai trúng tuyển. Nguyên nhân được cho là do NLĐ VN chưa tiếp cận được thông tin tuyển dụng.
Tuy nhiên, người viết cho rằng không ít DN chỉ đăng tin tuyển dụng để "hoàn thành thủ tục", nhằm đủ điều kiện xin phép đưa NLĐ nước ngoài vào làm việc. Bởi theo Nghị định 70 thì DN phải chứng minh là đã ưu tiên tuyển người trong nước mà không thành công. Chính vì vậy, các yêu cầu công việc được "thiết kế" khắt khe, chẳng hạn như đòi hỏi NLĐ biết hai ngoại ngữ, hoặc kinh nghiệm làm việc quốc tế ở lĩnh vực hiếm hoi.
Điều này khiến những vị trí với mức lương hấp dẫn trở nên xa vời với phần lớn NLĐ VN. Về bản chất, những cơ hội đó không thật sự dành cho người trong nước.
Thực trạng này không mới. Trên các diễn đàn việc làm, nhiều người vẫn phản ánh sự chênh lệch và cảm giác thiệt thòi khi so sánh giữa lương cho người Việt và người nước ngoài ở cùng một vị trí. Câu chuyện không chỉ là chênh lệch thu nhập mà còn phản ánh một tâm lý phổ biến là "bụt nhà không thiêng", "sính ngoại". Một số công ty có vốn nước ngoài lại thường ưu ái người nước ngoài vào các vị trí quản lý, không chỉ vì năng lực, mà còn vì "họ là người của công ty mẹ". Điều này khiến người Việt dù giỏi, cũng khó leo lên cao.
Câu chuyện này cũng cho thấy một thách thức lớn hơn: NLĐ VN đang gặp khó trong cuộc cạnh tranh lao động toàn cầu.
Vì thế, để thay đổi cán cân này, cần có sự vào cuộc của DN để trao cơ hội công bằng cho người Việt, dựa trên thực lực. Các cơ quan quản lý cần rà soát để xác định rõ những "khoảng hở" trong đào tạo, tiếp cận thông tin và thực thi quy định, xem còn gì khiến NLĐ yếu thế ngay trên chính quê hương mình không. Mặt khác, NLĐ cũng cần tin vào năng lực chính mình và tự rèn luyện để vượt chuẩn, không để bản thân bị tụt lại.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)