Bước vào cuộc chơi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chuyển đổi xanh đang trở thành cuộc đua ở cấp độ toàn cầu.

Các quốc gia lớn đã dành nhiều nguồn lực, thiết kế nhiều khung khổ pháp lý cũng như giải pháp thực tế để thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Việt Nam cần bước vào cuộc đua này bằng quyết tâm và nỗ lực tương xứng với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26-27, nhằm khẳng định sự tiên phong và tranh thủ các nguồn lực quốc tế một cách hiệu quả.

Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang áp dụng những tiêu chuẩn cụ thể gắn với sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, châu Âu đưa ra Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon, Quy định Chống phá rừng...; trong khi Mỹ có dự thảo Đạo luật Cạnh tranh sạch, dự thảo Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài... Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn hàng đầu thế giới nên bất cứ sự thay đổi nào tại các thị trường chính cũng sẽ tạo ra cả áp lực lẫn động lực cho chúng ta.

Theo khảo sát của Ban IV, trên 50% doanh nghiệp (DN) được hỏi cho rằng "chưa thật sự cần thiết" chuyển đổi xanh, trong đó 5,1% nêu rõ "rất không cần thiết" và 12,3% nhận xét "không cần thiết". Đáng chú ý, 64% DN tham gia khảo sát chưa có sự chuẩn bị về chuyển đổi xanh, trong khi thời điểm chuyển tiếp của nhiều chính sách tại các thị trường lớn sắp qua. Ba khó khăn mà DN đối mặt khi chuyển đổi xanh đều không dễ giải quyết, gồm: nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn sâu và giải pháp kỹ thuật.

Việt Nam cần hành động ngay để bắt kịp yêu cầu, xu thế từ các thị trường, đối tác thương mại chính. Theo đó, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách, quy định đã tồn tại để phù hợp với xu hướng chuyển đổi, mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, thiết kế về đồng vốn trung và dài hạn... cần được ban hành và hướng dẫn thực hiện sớm.

DN mong muốn được giảm bớt chi phí thực hiện chuyển đổi xanh thông qua ưu đãi thuế, tín dụng nhằm khắc phục khó khăn về vốn. Pháp luật về thuế và lệ phí hiện hành đã có một số chính sách cụ thể hoặc lồng ghép để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, khuyến khích sử dụng hàng hóa xanh. Song, qua nắm bắt thực tiễn cho thấy vẫn cần có hướng dẫn chi tiết, đẩy mạnh hợp tác và đối thoại công - tư để các thiết kế chính sách có thể đi vào cuộc sống, sát với hoạt động của DN.

So với nhiều quốc gia trong khu vực, việc tạo lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang có phần chậm trễ, trong khi đây là mảnh ghép quan trọng để DN và đất nước chuyển đổi xanh. Chúng ta cũng cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng những chính sách hỗ trợ DN tiên phong thích ứng với cuộc chơi mới, tập trung vào tài chính xanh, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng. Từ đó, có thể tạo hình mẫu và động lực để nhiều DN nỗ lực thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.

Theo ThS PHẠM THỊ NGỌC THỦY - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.