Diễn đàn du lịch cấp cao chuyển đổi xanh: Bàn giải pháp thực hiện Net Zero

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có chương trình hành động đồng bộ, đồng thời có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 5/9, tại Diễn đàn du lịch cấp cao chuyển đổi xanh, với chủ đề “Du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng một số đối tác trong và ngoài nước tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung bàn giải pháp thực hiện Net Zero trong ngành Du lịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Du lịch là ngành kinh tế quan trọng cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam cũng như phải chủ động xác định dấu chân cacbon trong ngành Du lịch để có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính.

Ngành Du lịch cần nghiên cứu, xây dựng giải pháp tăng cường phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch bền vững, tối ưu hóa du lịch trong nước, quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính.

Còn đơn vị hoạt động trong ngành Du lịch chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại văn phòng, đi lại, cắm trại, di chuyển; đào tạo nhân viên, khuyến khích khách hàng quan tâm đến vấn đề môi trường; áp dụng biện pháp giảm phát thải như tiết kiệm điện, nước nóng, giảm tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng.

Với tầm quan trọng của du lịch cho nền kinh tế và bảo tồn văn hóa thì đảm bảo mục tiêu Net Zero toàn cầu là vấn đề không chỉ của quốc gia mà còn là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Campuchia, Chính phủ đã thực hiện bước quan trọng để thúc đẩy du lịch bền vững, nhấn mạnh vào việc giảm dấu chân môi trường của ngành.

Một số nỗ lực và sáng kiến của Bộ Du lịch Campuchia có thể kể đến như tích cực thúc đẩy du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại các khu vực như khu vực miền núi, sông Mekong; năng lượng tái tạo trong du lịch ngày càng chú trọng trong hỗ trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bền vững.

Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia diễn đàn, phát triển du lịch đòi hỏi sự liên ngành và hợp tác đa tầng để có thể tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác đối thoại, phát triển, xây dựng một khuôn khổ tập trung vào phát triển công-tư ở các cấp bao gồm quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Cụ thể, báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ICED cho thấy, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có chương trình hành động đồng bộ, đồng thời có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi nhằm hạn chế những “cú sốc” về kinh tế-xã hội.

Lộ trình chuyển đổi nền có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm và điều chỉnh chính sách đảm bảo nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi những chủ thể liên quan.

Đặc biệt thời gian tới, ngành Du lịch cần có sự đóng góp, tham gia của sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết giải pháp cho các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình thực hiện.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.

Trong số đó, Thành phố thực hiện 8 giải pháp chiến lược, như nhóm chính sách đối với sản phẩm đặc trưng; nhóm chính sách tạo đột phá trong liên kết vùng; nhóm chính sách vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15; nhóm chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kéo dài thời gian hoạt động và trải nghiệm các dịch vụ tại khu vực thí điểm kinh tế đêm; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và hỗ trợ về thị thực (visa) đối với tổ chức quốc tế và hỗ trợ đơn vị trong nước tham gia sự kiện.

Để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố không ngủ, sôi động và tràn ngập hứng khởi, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành tổng hợp và công bố danh mục các chương trình, sự kiện, lễ hội bảo đảm mỗi tháng một sự kiện, chương trình tạo động lực để phát triển kinh tế ban đêm, góp phần thúc đẩy và đa dạng hóa trải nghiệm và tăng thêm giá trị cho khách hàng.

Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.