Bóng về xanh lại… - Truyện ngắn Nhụy Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ông ngồi đây suốt mấy mươi năm rồi. Mà chưa bao giờ vắng thế này. Mùa của lá vàng. Một thời xanh lá rụng như mùa thu quên mất ngày tháng. Có những lúc gió ùa tới, lá tuôn như giấc mộng phai.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
Những cây long não già cỗi đổ lá mê man. Rồi lộc mới, nắng làm ửng vòm cây, hai vẻ đẹp nối nhau ngỡ không có lằn ranh của nỗi day dứt mơ hồ. Ông vẫn ngồi đó và chưa ai nhìn thấy nước mắt rỉ theo nếp nhăn. Kỷ vật xưa còn lại là mảnh đạn mà người con gái ấy đã gắp ra từ thân thể ông.
Mùa lạnh năm ngoái, mảnh đạn nhắc ông nhớ về ngày thật xưa, nhớ mãnh liệt khuôn mặt ấy, đôi mắt ẩn sau chiếc khăn rằn che khói súng ám tuổi xuân. Ông trở dậy bởi nỗi nhức nhối từ vết thương đã được khâu lại sau mấy mươi năm, dường như mảnh đạn còn trong đó. Ông vét nốt chỗ thuốc còn lại trong cái hộp dầu cù là, xé tờ lịch mỏng của ngày mai và quấn điếu thuốc. Vẫn chiếc bật lửa đổ xăng bằng nhôm cạch mãi mới đỏ; chợt ông nhớ điều gì. Ông lần dưới gối lấy ra mảnh đạn lên soi vào ánh lửa đỏ quạch. Nó ánh lên màu của tuổi xanh nơi chiến trường với tiếng đanh chát của đạn bom. Ông nhẹ nhàng nằm xuống, và lúc chớm mở mắt thì khuôn mặt tròn tươi ấy đã hiện. Điều ông nhớ ngay là mảnh đạn, ông muốn thấy nó, thứ găm vào người ông từ bên kia chiến tuyến. Người con gái phải khơi ra từ trong lớp băng bông nhuốm máu, sát trùng và đưa cho ông. Bây giờ nó vẫn còn, cùng với chiếc bật lửa thời chiến.
Suốt mấy mươi năm rồi ông vẫn ngồi đây. Từ ngày đứa cháu gái còn nằm nôi, và ông ngồi trên chiếc ghế này nhấp trà cùng những điếu thuốc không đầu lọc. Bây giờ đứa cháu đã lớn bằng cô y tá của ông hồi đó. Mỗi sớm trời trong ông lại ra đây hồi tưởng về quãng thời gian mà cái chết xuyên tới bất cứ lúc nào, kể cả lúc ông bước cùng người ấy ở một con đường xa trận địa. Nếu con của ông được sinh ra thì nó cũng lớn bằng đứa cháu gái bây giờ. Ông nhớ cánh đồng ngô vàng rộm, hai người đã ẩn hiện trong đó với nắng thơm ngào ngạt mùi râu ngô còn xanh. Rồi khi họ đang trèo lên một ngọn đồi thoai thoải thì loạt bom dội tới. Bao cuộc chinh chiến dường như khiến ông trơ lì với tiếng nổ, ông quay người nhìn xuống bụm khói loang dần, phủ đen lên cánh đồng ngô đến lúc chỉ còn một màn đen kịt.
Hẳn nhiên với ông chiến tranh đã đem đến sự nghiệt ngã, dẫu phủ bóng tự hào, cuộc sống từ ngày trở về đến nay là chuỗi hạnh phúc thiếu khuyết, dẫu ông không cắt nghĩa được sự thiếu khuyết đó. Đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên, ông biết đến nhiều cuộc hành quân của bộ đội vào rừng dựng lán để nhường doanh trại làm khu cách ly cho người bị nhiễm loài vi rút nguy hiểm; làm ông nhớ thêm những ngày đêm vạ vật trong rừng không chăn màn, thức ăn phải tự kiếm lấy. Cuộc chiến không ngại gian khó, bởi đồng đội một lòng với nhau, bởi ông mang theo hình bóng người con gái như hơi ấm sưởi linh hồn ông trở về. Một người lính như không còn ngại hoàn cảnh khắc nghiệt nào nữa, ông hiểu đến mọi khó khăn và thậm chí cơn hoảng loạn của bao người trước cơn dịch, với ông thì bình thường. Ông đã có một hình bóng mang theo bên mình đến kiếp sau, cùng với mảnh đạn và chiếc bật lửa. Nó đã thắp lên ngọn lửa từ thứ củi ướt gom trong rừng, nó đã một lần nằm trong tay người con gái ấy thắp lên nụ cười xinh tươi.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
Ông đã ngồi đây suốt mấy mươi năm. Dòng đời cứ trôi và không có nút thắt nào khiến ông thấy vướng lại. Nhưng hôm nay tự nhiên ông nôn nao như bỏ quên điều quý giá chưa nhớ ra. Ông ngẩng đầu sửng sốt thấy nguyên một cây xà cừ vàng lựng. Lúc ông đang cố tin rằng sẽ tìm ra vài chiếc lá xanh ẩn đâu đó trên kia thì ngọn gió lùa hết thảy lá trút xuống như cơn mưa sắc màu trên con đường vàng rộm. Những chiếc lá với chút nhựa sống khẽ cựa mình mộng mị.
Ông đã sống những tháng ngày hạnh phúc dọc chiến hào. Điều nói ra nghe thật ngớ ngẩn. Bởi ông thấy hạnh phúc thật sự không liên quan đến hoàn cảnh khắc nghiệt, khi ông có niềm tin chiến tranh sẽ kết thúc và một gia đình trong mái ấm giữa ông với người con gái ấy mở ra cả khung trời hoa cỏ. Lúc vết thương bớt đau, ông ngồi dậy tự sinh hoạt, niềm ước ao cuộc sống vợ chồng lớn bao nhiêu, dòng máu trong ông lại cuộn lên tình đồng đội bấy nhiêu. Ông muốn ra chiến trường để không hổ thẹn với những người đã bạt rừng đi tìm ông đến suýt mất mạng. Ông phải tiếp tục chặn bước chân thù tràn vào lán trại có người con gái nhỏ bé vẫn ngày đêm chăm sóc thương binh này. Ông nói với nàng về ngày mai, ngày kia; ước mơ ngôi nhà của chúng ta làm từ chiếc máy bay bị bắn hạ; ông gom phế liệu từ cuộc chiến làm vật dụng hằng ngày. Và ông sẽ trồng hoa ban trước ngõ để luôn nhớ về đồng đội đã khuất.
Suốt mấy mươi năm qua ngồi đây ông chưa thấy hiu hắt như thế này. Chưa bao giờ ông phải chứng kiến loài vi rút dạt mọi người về nhiều hướng. Làm ông nhớ chiến tranh. Những con người dũng cảm ở tuyến đầu chở che những người tuyến sau; những người ở tuyến sau chở che cho tuyến sau nữa. Và nhiều nơi vẫn yên bình giữa cơn lốc ý niệm ngợp trời… Cuộc chiến đã lùi xa đủ cho ai đó nếm trải mọi ngọt lành cay đắng. Ông thích lá vàng, có lẽ nó gợi ký ức về một con đường vàng võ xa xăm, người con gái đã không cùng ông đi tiếp. Người vẫn vẹn nguyên khuôn mặt trẻ trung và dẫu cho cội tóc cuối cùng của ông trở bạc thì người ấy lại tươi non trong linh hồn ông.
Con đường vắng, người qua cũng lặng lẽ. Ông ngồi với những suy tư mông lung. Đứa cháu gái cũng là y tá như người con gái của ông hồi xưa. Nếu con của ông được sinh ra thì nó cũng lớn bằng đứa cháu gái bây giờ. Ông cứ lặp lại ý nghĩ này không biết bao lần. Có lúc ông đã thầm thốt tên cháu như chính nó là con mình. Nó thường ngồi bên ông lúc đi làm về. Ông kể những câu chuyện chiến tranh, cháu gái thinh lặng nghe rồi khẽ cười trong trẻo. Nó trân trọng mọi lời ông kể, nó trân trọng sự thật đã gắn với chặng đời trai trẻ của ông, với chiếc bật lửa, mảnh đạn, và cả cơn sốt rét vẫn ẩn náu trong ông. Nó nói với ông con vi rút Corona cũng gần giống “con sốt rét” vậy, nhiễm vào mà có trường hợp chưa phát sốt, như không hề ảnh hưởng đến thể trạng ta. Ông nói với cháu, rằng khi ta biết người thân, đồng đội đã hy sinh vì ta như thế nào, thì mọi sự hy sinh của ta bây giờ vẫn nhỏ bé. Đứa cháu giơ điện thoại chụp con phố vắng tanh xao xác lá vàng.
Ông ngồi đây gần cả đời người rồi. Nhà cuối ngõ, ông bước ra nhìn ngược con phố nhỏ mỗi sớm chiều. Bên kia là quán cà phê. Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế bên này. Chiếc ghế bằng gỗ dài hơn mét, cũng mấy mươi năm rồi, giờ loang lổ xỉn mốc. Ông cứ mang nó từ nhà ra ngồi rồi mang vào, sau này đứa cháu gái nhấc ra cho ông trước lúc đi làm. Rồi một chiều lá vàng bay đầy ngõ, ông đứng dậy và không muốn mang nó vào nữa. Nhiều sáng ông bước khỏi nhà và nghĩ chiếc ghế không còn, ông sẽ cười và trở vào pha trà tưới hoa, nhưng nó vẫn ở đó. Bao nhiêu mùa lá vàng vương vãi. Bao nhiêu mùa xuân mang chồi non ửng hồng dưới nắng trôi đi. Người ấy vẫn sống trong ông, vẫn mang về cho ông tuổi xuân bất diệt từ chiến trường.
Những mẩu chuyện ông kể ra rồi cũng cạn dần. Nhưng câu chuyện về người y tá ấy thì đứa cháu gái chưa được rõ. Ông chỉ mong mối tình của nó hạnh phúc như ông. À…, hạnh phúc ư? Ông vẫn khẳng định đó là hạnh phúc (?), với khoảng thời gian quá ngắn, rồi như một nút thắt, như một khoảng vắng, một dấu lặng. Như một giọt nước mắt của hạnh phúc hay đau khổ, mà nó loang mãi đến bây giờ. Có một điều là mỗi ngày ông vẫn thấy hạnh phúc, như lúc được ngồi trên chiếc ghế bên con phố cũ này, ngắm người qua lại, ngắm lá vàng rơi như một ân huệ dành cho lộc chồi tươi mới.
Ông đã ngồi đây gần cả đời người. Đứa cháu của ông cũng thành phụ nữ chín chắn tự lúc nào. Ông chỉ nhận ra vào hôm có người đàn ông chở nó về, dừng xe chào. Vậy đó, cháu ông chỉ cười là ông hiểu. Ông chợt nhớ người y tá của những ngày niềm hy vọng đất nước giải phóng đang xanh thêm. Và ông nhìn theo bóng đứa cháu, nó lớn quá rồi. Nhiều lần cháu ngồi bên ông vào cuối chiều, mang về cả quà, nói bệnh nhân ra viện họ tặng, cháu nhận về giùm ông. Ông nói ông chỉ còn một điều ước là mong cháu sẽ có được người chồng đầy tình thương. Ông không dùng từ “yêu”, ông thích hai chữ “tình thương”, như người con gái ấy đã dành cho ông còn lớn hơn cả tình yêu. Ông muốn kể cho riêng đứa cháu nghe về người y tá trong chiến trường. Người đã chạm vào vết thương của ông đến nay còn sẹo.
Nghĩ tới lui hoài, nén hoài rồi có lúc ông tự nhủ, ừ một câu chuyện bình thường đến mức tồi. Ông biết tính cháu gái chưa bao giờ rộng lời, mà ông có kể mẩu chuyện của mình cho cả đại gia đình và bè bạn thì cũng chẳng ai lưu tâm, chỉ là câu chuyện vặt bên lề cuộc chiến thôi mà. Thời trai trẻ chưa mảnh tình mang theo ba lô cho đến khi gặp người y tá. Rồi như một vở kịch bất ngờ bị hạ màn. Hồi kết thắt lại trong ngực ông. Trở về cũng là một người lính trong sạch cho đến giờ, với gia đình yêu quý này, ông có gì phải giấu chứ. Đứa cháu hôm đó mượn ông mảnh đạn lên “khoe” với đồng nghiệp. Nó về bảo ông à đây là của quý, tặng bảo tàng đi ông. Ông lắc đầu. Mảnh đạn sẽ theo ông về bên kia thế giới cháu ạ.
Gần cả đời người rồi ông vẫn ngồi đây. Ông đợi một dáng hình quen thuộc dẫu biết điều này chỉ có trong giấc mơ. Thi thoảng ông vẫn mơ về tuổi trẻ lấm trong bụi khói chiến tranh. Ông thầm hỏi ai đó, sao con tim ông vẫn tươi trẻ như những ngày có người con gái ấy mà tóc bạc trắng, mà bước đi chậm và đôi lúc ông thấy mình trôi đâu mất. Mấy mươi năm ông cứ khăng khăng về điều tự dối, rằng người con gái chỉ lạc vào một góc chiến trường nào đó thôi. Hôm kia cháu ông đưa khẩu trang cho ông và dặn ra đường nên mang. Ông thích nghe lời cháu mình nhất. Nhưng ông chỉ lo cho sự an lành của những người khác, vì ông đã gần hơn với hư vô rồi.
Những đồng đội phần nhiều đã rời về cõi khác. Ông như một mình tìm lại chiến trường sau trận thắng. Con người đang gần hơn bởi các phương tiện kết nối thông minh. Ông thì lạc hậu quá rồi, đôi lúc còn nghĩ chẳng đồng đội nào nhớ đến mình nữa; ngoại trừ người đó ở nơi nào đó. Rồi lại trách mình chìm vào ảo ảnh, trách mình lầm lụi mà đi vào giấc mơ. Đến nỗi đứa cháu gái đến ngồi bên rồi chẳng hay. Nó trở về nhà sau hơn một tháng, kể từ ngày vào rốn dịch chăm người lây nhiễm. Lúc nào đó ông thoáng nghĩ, nếu như loài vi rút này biến thể hay xuất hiện loài vi rút khác khiến người nhiễm phải cách ly mấy tháng trời thì cuộc sống sẽ còn đảo lộn ra sao. Và có phải những người giảm trừ tham lam, sân giận và lòng kiêu mạn thì an lành. Nghĩ vậy rồi ông thấy sợ với ý nghĩ tiêu cực nào đó của mình thoáng qua, nó cũng gần như một loài vi rút. Ông tưởng đến những ý nghĩ tham lam, sân giận và lòng kiêu mạn luôn sản sinh ra dạng năng lượng mà chính đó là thức ăn của loài vi rút hiểm. “Ông nghĩ gì vậy?”. Đứa cháu hỏi làm ông giật mình. Nó đưa ông một gói được bọc kỹ, gửi từ gần nơi ông đóng quân hồi xưa. Một gói trà ngon. Ông ngạc nhiên hỏi đứa cháu ai gửi. Nó bảo không có địa chỉ người gửi. Ông lặng đi.
Ông vẫn ngồi đây, có lẽ đến ngày cuối đời. Đang mùa hoa điệp và lá vàng rụng. Nhìn xa như dòng nhớ khôn nguôi về thời xanh còn lai vãng. Sao chỉ riêng người con gái ấy biết là ông đang ngắm lá vàng và hoa rơi theo mùa. Họ sẽ bật cười nếu biết ông vẫn im lìm ngắm những vàng phai. Ông thương cháu lạ lùng, mơ màng về một đám cưới sau mùa dịch. Đứa cháu ngồi bên ông trên chiếc ghế đen sẫm vương đầy lá, ánh nhìn xa xăm như đợi ai ở cuối con phố heo hắt, ông thấy tròng mắt nó ươn ướt... Ông chợt tắt cái ý niệm kể về người y tá đã gắp cơn đau khỏi cơ thể mình, về đứa con của ông chưa kịp sinh thành. Người con gái ấy đã nằm lại ở miền thăm thẳm của chiến tranh, khi nơi nơi đang xanh lại những dòng tên.
Đứa cháu lặng nhìn về phía cuối đường. Ông không biết an ủi nó sao? Lá vẫn rơi như mưa từ cõi mộng. Đôi tay nhỏ xinh của đứa cháu quàng lấy tay ông, nép đầu vào vai ông. Nó khóc. Nó hỏi ông tại sao chỉ sau một tháng con người ta thay đổi đến vậy. Hay cháu mơ. Hay người ta đang đùa dai với cháu. Lẽ nào cháu đang sống trong ảo ảnh. Có đêm cháu thấy người lây nhiễm mà cháu thường chăm dẫn đến một nơi như thiên đường. Tỉnh lại cháu thấy mình còn mặc nguyên bộ đồ trực dịch. Sao vậy ông? Tại sao con người có thể theo một người khác chỉ sau một tháng hở ông!? Ông không biết. Làm sao ông có thể giải thích được với cháu mình chuyện ông đã mất đi những quý giá nhất chỉ trong một khoảnh khắc của chiến tranh.
Theo Nhụy Nguyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.