(GLO)- Mấy ngày gần đây, thấy con gái nhỏ học mầm non đi học về cứ than ngứa đầu, thường xuyên đưa tay lên gãi, chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (tổ 4, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cứ nghĩ do thời tiết nóng nực, con chạy nhảy nhiều nên đổ mồ hôi gây ngứa ngáy. Tuy nhiên, gần đây khi nghe con thỏ thẻ: “Mẹ ơi hình như có kiến bò trên đầu con” thì chị giật cả mình. “Không lẽ con có chí?”.
Chuyện chí (chấy) chạy thành đàn trên đầu trẻ con như cách đây vài chục năm là chuyện thường, nhưng ở thời điểm tưởng rằng chí đã “tuyệt chủng” mà bỗng dưng phụ huynh lại phát hiện trên đầu con có đám sinh vật này thì quả là “thảm họa”. Chị Thúy Diễm cho biết: “Cứ nghĩ thời buổi bây giờ hiện đại, dầu gội đầu có đầy đủ các thành phần trị chí, trị gàu… nên con nít bây giờ làm gì có chí, nhưng qua việc này thì không thể chủ quan. Tôi có tham khảo các dược sĩ, họ tư vấn và bán cho loại xà phòng đặc trị diệt chí. Tuy nhiên, loài này cũng chỉ dùng cho cháu lớn, còn cháu nhỏ dưới 3 tuổi do tôi lo sợ cháu mẫn cảm với thành phần của thuốc nên đã đến bác sĩ nhờ tư vấn”-chị Diễm cho biết thêm.
Ảnh minh họa |
Không chỉ chị Diễm mà rất nhiều phụ huynh có con học bán trú, nội trú tại các trường-nhất là Mầm non và Tiểu học-khá lo lắng về vấn đề này vì các cháu chưa tự vệ sinh tốt, có khi còn lây chí cho cả gia đình. Tưởng là chuyện nhỏ nhưng khi ở trong tình cảnh cả nhà bỗng dưng... có chí thì chuyện không hề đơn giản.
Chú trọng công tác phòng-chống dịch bệnh trong trường học, Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) luôn quan tâm, chủ động triển khai các hoạt động phòng-chống dịch bệnh theo quy định. Bà Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các cháu học sinh tại trường đều ngủ giường riêng, đều có vật dụng cá nhân riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân. Vào cuối tuần nhà trường luôn bố trí tổng vệ sinh trường lớp theo quy định. Bên cạnh đó, giáo viên luôn chủ động trao đổi tình hình với các phụ huynh để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe từng cháu mà có biện pháp chăm sóc phù hợp. “Trước giờ, nhà trường chưa từng nhận được phản ánh của phụ huynh hay báo cáo của các cô giáo chủ nhiệm lớp trường hợp học sinh bị chí. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nhà trường sẽ nhắc nhở thêm các cô giáo về việc này, đồng thời chủ động trao đổi với các phụ huynh kịp thời phát hiện và xử lý ngay nếu có”-bà Thủy nhấn mạnh.
Chí không gây bệnh nhưng nó mang lại nhiều phiền toái và sự mặc cảm đối với người mắc. Lứa tuổi dễ mắc là các cháu học sinh Mầm non và Tiểu học nhất là khi các cháu ăn ở, ngủ nghỉ tại trường. Chí rất dễ lây nên khi phát hiện một thành viên trong lớp học, trong gia đình có chí thì phải diệt chí để ngăn ngừa lây sang cho người khác. “Mọi người không nên dùng chung vật dụng cá nhân như lược, khăn tắm hay băng buộc tóc… Thường xuyên vệ sinh mùng mền, ga gối; vệ sinh cá nhân sạch sẽ… Xưa việc trị chí chỉ áp dụng theo các phương pháp dân gian. Ngày nay, các bà mẹ có thể dễ dàng mua các loại dầu gội trị chí. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại dầu gội đặc trị, nhất là dùng cho trẻ nhỏ, thì cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để tránh gây kích ứng (nếu có) đối với trẻ”-Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh khuyến cáo.
Như Ý