Bố trí đủ nguồn cung vật liệu thi công Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định kết quả đánh giá bước đầu cho thấy trữ lượng các mỏ được khảo sát cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công Dự án đường bộ Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Nhà thầu thi công lấy mỏ đất tại một dự án đường cao tốc. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nhà thầu thi công lấy mỏ đất tại một dự án đường cao tốc. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), Dự án đường bộ Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 117km, đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa (gần 33km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng gần 85km).

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 có chiều dài 32km do Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 5.333 tỷ đồng gồm 2 gói thầu xây lắp.

Dự án thành phần 2 có chiều dài 37,5km do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 10.436 tỷ đồng gồm 3 gói thầu xây lắp.

Dự án thành phần 3 có chiều dài 48km do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 6.165 tỷ đồng gồm 3 gói thầu xây lắp.

Hiện tại, Dự án thành phần 1 đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc địa chính, đang triển khai công tác kiểm đếm được 949/972 trường hợp; hoàn thành bàn giao hơn 168ha, đạt 74% tổng diện tích cần thu hồi.

Dự án thành phần 2 đã kiểm đếm hiện trường gần 318ha; giải phóng và nhận mặt bằng hơn 78ha, đạt 24%. Dự án thành phần 3 đã bàn giao mặt bằng đến nay 276ha đạt, đạt 83% tổng diện tích cần thu hồi.

“Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất chậm, đặc biệt là Dự án thành phần 2 đến nay mới bàn giao mặt bằng khoảng 24%. Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh tiến độ,” đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.

Về tiến độ, sau gần 5 tháng khởi công, đến nay, 8 gói thầu xây lắp của dự án đã và đang được các nhà thầu triển khai thi công nhiều hạng mục san ủi mặt bằng, làm lán trại, tập kết nhân lực, thiết bị, triển khai thi công nền đường.

Đối với nguồn cung vật liệu phục vụ thi công dự án, phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định kết quả đánh giá bước đầu cho thấy trữ lượng các mỏ được khảo sát cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.

Cụ thể, theo tính toán, nhu cầu vật liệu thông thường phục vụ dự án cần khoảng 3,6 triệu m3 đất đắp (Dự án thành phần 1 cần hơn 2 triệu m3; Dự án thành phần 3 cần 1,4 triệu m3).

Trong số đó, cát thi công cần khoảng 1,7 triệu m3 (Dự án thành phần 1 cần 0,35 triệu m3; Dự án thành phần 2 cần gần 1 triệu m3; Dự án thành phần 3 cần 0,4 triệu m3). Đá xây dựng cần 4 triệu m3 (Dự án thành phần 1 cần hơn 1 triệu m3; Dự án thành phần 2 cần gần 2 triệu m3 và Dự án thành phần 3 cần 1 triệu m3).

Đến nay, Dự án thành phần 1 đã khảo sát mỏ đất đắp hơn 6 triệu m3; cát xây dựng hơn 0,6 triệu m3; đá xây dựng 37 triệu m3. Dự án thành phần 2 đã khảo sát mỏ đất đắp 3,8 triệu m3; cát xây dựng hơn 0,6 triệu m3; đá xây dựng hơn 14 triệu m3. Dự án thành phần 3 đã khảo sát mỏ đất đắp 4 triệu m3; cát xây dựng hơn 2 triệu m3; đá xây dựng hơn 5 triệu m3. Khả năng cung cấp vật liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Theo lộ trình được phê duyệt, Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ từ năm 2027.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.