Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về tình trạng 'cò' đấu giá đất, 'quân xanh quân đỏ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tư lệnh Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng "cò" đấu giá, "quân xanh - quân đỏ," để lộ thông tin trước khi cuộc đấu giá diễn ra...
 
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN
Theo chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay (16/3), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian qua.
Cùng với đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời về trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Trước phiên chất vấn chiều nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề trên.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá,” hay “quân xanh - quân đỏ,” để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng xã hội đen đe dọa khiến cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.
Bên cạnh đó, tại một số nơi có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi.
Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá.” Đơn cử như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình trong năm 2020; hay vụ đấu giá đất tại huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) năm 2021...
Báo cáo cũng lưu ý thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài (như ở Thủ Thiêm 180 ngày). Đây là sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá đất để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...
 
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Để khắc phục tình trạng nêu trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trong thời gian tới cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Theo nhận định của cơ quan này, giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt, do đó cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh tới việc cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu giá tài sản chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Về giải pháp căn cơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Về phía địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo làm tốt công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.