Sạt lở bờ suối khiến hàng chục hộ dân bất an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ suối Đăk Sia khiến người dân tại các xã Sa Nhơn, Sa Nghĩa và TT.Sa Thầy (H.Sa Thầy, Kon Tum) sống trong lo âu.

Đăk Sia là con suối lớn của H.Sa Thầy, chảy qua các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Ya Xiêr và TT.Sa Thầy. Do mưa lũ, bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất canh tác, hoa màu của hàng chục hộ dân sống hai bên bờ bị cuốn trôi. Thậm chí có đoạn bờ suối sạt lở vào tới sát khu vực nhà ở, đe dọa sự an toàn của nhiều người.

Tình trạng sạt lở kéo dài khiến người dân bất an. Ảnh: Đức Nhật
Tình trạng sạt lở kéo dài khiến người dân bất an. Ảnh: Đức Nhật

Ông Đỗ Văn Tâm (46 tuổi, ở thôn Đức Lý, xã Sa Nhơn) cho biết vào mùa mưa năm 2020, do ảnh hưởng của mưa bão, suối Đăk Sia bất ngờ thay đổi dòng chảy rồi ăn sâu vào phần đất của gia đình ông. Mỗi năm bờ suối lại sạt lở thêm, khiến khu vườn phía sau nhà ông Tâm trôi theo dòng nước. Hiện sạt lở đã vào tới gần phần móng bếp và chuồng heo.

"Trước đây gia đình tôi có xây khu chuồng trại để nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay, bờ suối ăn sâu vào đến chân móng nên tôi không dám nuôi heo nữa. Nhà ở còn có nguy cơ sạt xuống suối thì còn nghĩ gì đến chăn nuôi. Vào mùa mưa lũ là chúng tôi vừa ở vừa lo", ông Tâm nói.

Không chỉ đất canh tác bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở bờ suối còn làm hư hỏng các công trình thủy lợi. Ảnh: Đức Nhật
Không chỉ đất canh tác bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở bờ suối còn làm hư hỏng các công trình thủy lợi. Ảnh: Đức Nhật

Tương tự, tại xã Sa Nghĩa, đất canh tác của hàng chục hộ dân bị mất do sạt lở bờ suối Đăk Sia. Ông Mai Xuân Thừa (66 tuổi, ở thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa) cho biết nhiều năm qua đất canh tác của gia đình ông liên tục bị thu hẹp, đến nay khoảng 2.000 m2 đất đã bị cuốn trôi.

"Chúng tôi đã nhiều lần đề đạt ý kiến với chính quyền địa phương nhưng chưa thay đổi được gì. Mấy năm trước chính quyền cũng đã làm kè bằng rọ đá để vá lại những khu vực xung yếu. Tuy nhiên cứ kè chỗ này thì nước lại phá bờ chỗ khác, người dân vẫn phải đứng nhìn đất canh tác trôi theo dòng nước", ông Thừa nói.

Bờ suối Đăk Sia sạt lở vào sát chân móng nhà. Ảnh: Đức Nhật
Bờ suối Đăk Sia sạt lở vào sát chân móng nhà. Ảnh: Đức Nhật

Trước tình hình trên, năm 2021, HĐND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ suối Đăk Sia đoạn qua các xã Sa Nhơn, Sa Nghĩa và TT.Sa Thầy. Dự án nhằm chống sạt lở đất, chuyển dòng, bảo vệ các công trình hạ tầng, khu dân cư và khu sản xuất hai bên bờ suối, với quy mô tuyến kè dài 4.900 m (mỗi bên bờ 2.450 m). Tổng vốn đầu tư dự án là 77 tỉ đồng, trong đó 70 tỉ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh, 7 tỉ đồng từ ngân sách cấp huyện. Tuy nhiên, đến năm 2022, dự án phải dừng triển khai do chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn.

Theo Phòng NN-PTNT H.Sa Thầy, hiện trên địa bàn xã Sa Nhơn có 14 hộ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ suối Đăk Sia, gồm 10 hộ bị sạt lở đất canh tác, 4 hộ có nhà ở bị ảnh hưởng trực tiếp. Tại TT.Sa Thầy có khoảng 30 hộ bị ảnh hưởng với diện tích đất khoảng 2,6 ha. Còn tại xã Sa Nghĩa có khoảng 10 hộ bị ảnh hưởng, chủ yếu là đất trồng lúa, cà phê và cây trồng khác.

Mỗi năm bờ suối Đăk Sia lại sạt lở thêm khiến đất canh tác của người dân bị thu hẹp. Ảnh: Đức Nhật
Mỗi năm bờ suối Đăk Sia lại sạt lở thêm khiến đất canh tác của người dân bị thu hẹp. Ảnh: Đức Nhật

Ông Lại Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa, cho biết địa phương đã ghi nhận phản ánh của người dân và báo cáo lên các cấp thẩm quyền. Trước mắt đã huy động lực lượng cùng bà con gia cố các vị trí sạt lở nặng.

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Biến hóa', nâng tầm giá trị nông sản Đà Lạt

'Biến hóa', nâng tầm giá trị nông sản Đà Lạt

Bằng công nghệ hiện đại, ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, các sinh viên Trường Đại học Đà Lạt (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nâng tầm cho nông sản địa phương, góp phần mở ra cơ hội nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản của thành phố ngàn hoa.