Bổ sung nhiều trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có nhiều điểm mới theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính, nhằm minh bạch hóa hoạt động cấp giấy phép xây dựng.
Sắp tới, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng sẽ được đơn giản hóa. Ảnh: Thông Chí
Sắp tới, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng sẽ được đơn giản hóa. Ảnh: Thông Chí
Chiều 23.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Lâu nay, vấn đề xin cấp phép xây dựng là một trong những thủ tục được người dân gọi là “cửa ải” khi xây dựng nhà ở, thậm chí còn nảy sinh không ít tiêu cực, nhũng nhiễu.
Để cải thiện, Dự án luật lần này có một số điểm mới như rút ngắn, đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng, nâng cao công tác giám sát, thanh, kiểm tra nhằm hạn chế sai phạm trong lĩnh vực xây dựng…
Chiều 23.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ báo cáo thêm và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh: Quốc hội.
Chiều 23.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ báo cáo thêm và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh: Quốc hội.

Thêm công trình không cần xin giấy phép xây dựng

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 51 điều, hủy bỏ 1/168 điều của Luật Xây dựng 2014.
Đáng chú ý là dự luật đã đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, miễn giấy phép xây dựng đối với một số công trình xây dựng. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh...
Ngoài ra, tại Điều 89 dự luật quy định về  trường hợp không cần giấy phép xây dựng, trong đó có các trường hợp như: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa…
Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng, gửi kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, quản lý trật tự xây dựng.
Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng
Một điểm mới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng là rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Cụ thể, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Đặc biệt dự luật tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
ĐẶNG CHUNG-CAO NGUYÊN-TRẦN VƯƠNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.