Bộ GTVT sẽ cắt hơn 60% điều kiện kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến rà soát danh mục điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Bộ GTVT tổ chức ngày 26-3.

Điều kiện kinh doanh cần trên tinh thần kiến tạo cho doanh nghiệp

Đề cập đến các điều kiện còn bất cập trong kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nhiều điều kiện đưa ra khiến cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý không thực hiện được. Chính điều này vô tình tạo điều kiện cho các cơ quan thanh kiểm tra xử lý các doanh nghiệp.

 

Dự kiến sẽ có hơn 60% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT bị cắt bỏ.
Dự kiến sẽ có hơn 60% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT bị cắt bỏ.

Theo ông Thanh, có những doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng mua ô tô nhưng “đắp chiếu” do phải chờ đăng ký kinh doanh, đăng ký và được chấp thuận tuyến mới được hoạt động. “Đối với xe hợp đồng quy định phải thông báo hợp đồng vận chuyển trước khi thực hiện chuyến đi về Sở GTVT địa phương. Thử hỏi trong 1 ngày có bao nhiêu hợp đồng được kiểm soát hay chỉ là để doanh nghiệp đối phó. Bên cạnh đó, quy định xe hợp đồng không được có 30% chuyến đi trùng nhau rất khó thực hiện”, ông Thanh nói.

“Các nghị định tới đây cần xây dựng theo tinh thần kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”. Những điều kiện nào có thể chuyển sang hậu kiểm được nên chuyển sang hình thức này, tránh tình trạng tiền kiểm”, ông Thanh đề xuất.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, ngoài 5 loại hình vận tải được quy định trong Luật GTĐB, thời gian qua xuất hiện đối tượng dùng phần mềm kết nối giữa chủ phương tiện và hành khách như Uber, Grab. Hoạt động này ảnh hưởng đến doanh nghiệp taxi trong nước cũng như khách hàng do giá cước nhảy múa, tăng gấp 3-4 lần trong giờ cao điểm.

“Những điều kiện trên không được quy định chặt chẽ dẫn đến tình trạng không thượng tôn pháp luật. Đơn cử, Grab chỉ được thí điểm tại 5 tỉnh, thành nhưng vẫn hoạt động tại các địa phương khác mà không kiểm soát được, làm số lượng phương tiện gia tăng, gây ùn tắc giao thông”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, chu kỳ kiểm định xe cơ giới 6 tháng một lần khiến doanh nghiệp tốn thêm nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó doanh nghiệp đã phải niêm yết giá cước, đăng ký giá và được quản lý chặt chẽ của địa phương nhưng mỗi năm vẫn phải kiểm định đồng hồ tính cước một lần. “Việc bắt buộc đóng bảo hiểm đối với hợp đồng 1 tháng với lái xe gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đa số lái xe không có nguyện vọng vào và “nhảy việc” liên tục”, ông Hùng dẫn chứng và đề xuất: “Cần dỡ bỏ bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp họ giảm chi phí, có được cơ hội giảm giá thành cho khách hàng”, ông Hùng đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện để tạo sân chơi bình đẳng giữa taxi và xe hợp đồng điện tử. Nên sửa đổi và bãi bỏ quy định về số xe tối thiểu đối với taxi, chỉ cần quy định cụ thể về kỹ thuật và tiêu chuẩn mà mọi doanh nghiệp phải đáp ứng. Bên cạnh đó, để phù hợp với Luật Quy hoạch nên bỏ quy định taxi chịu quy hoạch số lượng phương tiện tối đa. Đồng thời, cũng nên bỏ trách nhiệm của lái xe vì Nhà nước không cần can thiệp vào việc này, mà để các doanh nghiệp tự quản lý. Ngoài ra, cũng nên sửa các quy định quản lý giá để bãi bỏ quy định kê khai giá cước vận tải bằng xe taxi vì sau khi xuất hiện các nền tảng kết nối vận tải, thị trường vận tải hành khách đã trở nên cạnh tranh hơn.

Trên 350/570 điều kiện được gỡ bỏ

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, xu hướng cải thiện điều kiện kinh doanh đang được Chính phủ chú trọng và các bộ tích cực thực hiện. “Đối với ngành GTVT có nhiều thách thức so với các lĩnh vực khác là vừa thuận lợi trong kinh doanh vừa phải giải quyết những vấn đề rất nóng của cuộc sống như đảm bảo ATGT, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới”, ông Tuấn nói.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, ngoài Điều 7 của Luật Đầu tư quy định các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng các điều kiện liên quan đến quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nói rõ về tiêu chí điều kiện kinh doanh.

“Hiện, ngành GTVT có 570 điều kiện với 28 ngành nghề được quy định tại 5 luật chuyên ngành với 20 Nghị định chi tiết các điều kiện hướng dẫn thực hiện”, bà Nga nói và cho biết: “Bộ GTVT mong muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực GTVT. Quá trình rà soát những điều kiện nào không phù hợp với Luật Đầu tư, gây khó khăn cho việc gia nhập thị trường, doanh nghiệp không thể thực hiện được sẽ cắt bỏ ngay trong năm nay”.

 

Theo danh mục rà soát điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT, Bộ GTVT hiện đang rà soát cắt bỏ và đơn giản hóa 350/570 điều kiện kinh doanh (trên 60%). Trong đó, lĩnh vực đăng kiểm cắt giảm 38/58 (65%); đường bộ 83/129 (trên 66%); dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm 15/31 (trên 48%); đường sắt 17/26 (65%); hàng hải 109/189 (57%); đường thủy nội địa 37/49 (75%) và hàng không dân dụng 53/78 (67%).

Đối với lĩnh vực đường bộ, bà Nga cho biết, có 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 129 điều kiện quy định tại Luật GTĐB và các nghị định. Lĩnh vực này đã rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa 83/129 điều kiện. Đơn cử như quy định gây khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyến cố định, taxi tham gia thị trường như điều kiện quy định về quy mô doanh nghiệp hay bỏ quy định về quy hoạch luồng tuyến, nơi đỗ xe, các quy định về phòng cháy chữa cháy.

“Điều kiện kinh doanh nằm ở cả luật và nghị định, trong khi chưa sửa được luật tạm thời chấp nhận phương án luật đã quy định nên không thể thực hiện trái luật mà song song với đó kiến nghị phương án sửa đổi luật. Trước mắt, những quy định thuộc nghị định của Chính phủ sẽ được xem xét tháo gỡ trước”, bà Nga khẳng định và cho biết: “Uber, Grab là vấn đề mới phát sinh mà Bộ GTVT chưa theo kịp với thực tiễn. Bộ GTVT khuyến khích tất cả các loại hình ứng dụng thông tin, không riêng loại hình nào. Vấn đề là quản lý điều kiện kinh doanh vận tải và hỗ trợ kết nối vận tải thế nào”.

Trần Duy/giaothong

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.