Bình Định: Hăm doạ, thông đồng trong đấu giá đất, Chủ tịch huyện yêu cầu chấn chỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công tác đấu giá đất tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) còn tồn tại biểu hiện liên kết, thông đồng, móc ngoặc, dìm giá, dàn xếp, đặt điều kiện, hăm dọa đối với khách hàng trước khi đăng ký.
Ngày 22/5, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) Nguyễn Đình Thuận vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện, tổ giám sát và tổ giúp việc đấu giá quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND các địa phương, tăng cường công tác giám sát và bảo vệ cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước yêu cầu chấn chỉnh những bất thường trong đấu giá đất.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước yêu cầu chấn chỉnh những bất thường trong đấu giá đất.
Ông Nguyễn Đình Thuận cho hay, trong thời gian qua, công tác đấu giá đất trên địa bàn huyện Tuy Phước đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, góp phần tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu giá đất vẫn còn một số hạn chế, bất cập như các biểu hiện liên kết, thông đồng, móc ngoặc, dìm giá, dàn xếp, đặt điều kiện, hăm dọa đối với khách hàng trước khi đăng ký đấu giá đất hoặc gây khó khăn cho khách hàng trúng sau khi cuộc đấu giá đất kết thúc do không đạt được mục đích như mong muốn.
Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng trên và lường trước các sự việc có thể xảy ra trong các cuộc đấu giá đất tiếp theo, làm bất ổn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng đăng ký tham gia.
Nhằm tạo sự công bằng, khách quan, chống thất thu ngân sách nhà nước, cần phải tổ chức cuộc đấu giá một cách nghiêm túc đúng theo quy định của pháp luật và quy chế đấu giá.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nơi có đấu giá đất chỉ đạo công an xây dựng kế hoạch bảo vệ cuộc đấu giá trong thời gian trước cuộc đấu giá (lúc khách hàng đăng ký), trong và sau khi kết thúc cuộc đấu giá đất, để bảo vệ khách hàng tham gia. Mọi vấn đề phát sinh có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian trước, trong và sau cuộc đấu giá đề nghị lực lượng công an kiên quyết lập biên bản xử lý đúng theo quy định của pháp luật. 
Ngoài ra, Thường trực tổ giám sát và tổ giúp việc cuộc đấu giá quyền sử dụng đất căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thực hiện việc giám sát cuộc đấu giá một cách chặt chẽ, chính xác từ khâu kiểm tra, niêm phong thùng phiếu đến quá trình tổng hợp và đấu giá.
"Kiên quyết thực hiện việc kiểm soát người tham gia đấu giá, không để tình trạng người không có tên trong danh sách đấu giá tại cuộc đấu giá vào hội trường cùng với người đấu giá để trao đổi, gây mất trật tự trong cuộc đấu giá", ông Thuận yêu cầu.
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.