Bình Định: Đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 19 đoạn đèo An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định cho biết Ban yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết các bất cập về hạ tầng giao thông.
Mặt đường thi công nham nhở khiến các phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Mặt đường thi công nham nhở khiến các phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Việc thi công dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 19 qua khu vực đèo An Khê, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thuộc dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên," đang dang dở, chưa đảm bảo an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao khiến người dân bất an và bức xúc.

Ghi nhận của phóng viên ngày 23/5, tại khu vực này, nhà thầu thi công đang hoàn thiện một số đoạn đường cong và chỉ mới đổ đất cấp phối, chưa thảm nhựa gây lầy lội khi có mưa. Đặc biệt hơn, nhiều đoạn đào bới nham nhở lộ hố sâu, rộng, khiến mặt đường bị bó hẹp, chỉ đủ để một xe tải di chuyển. Đáng nói, tại vị trí này không có rào chắn nên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao, nhất là vào ban đêm.

Ông Tạ Công Lợi, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, phản ánh ông hay qua lại đèo An Khê. Đoạn đèo này cực kỳ nguy hiểm thế nhưng không thấy ai túc trực cảnh báo. Có những lúc xe ôtô chạy nhanh, vượt ẩu, nếu không cẩn thận, người chạy xe máy rất dễ mất tay lái lao xuống hố.

Anh A Môn, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho hay ổ gà, ổ voi xuất hiện dày đặc sau những trận mưa lớn kéo dài trong vài ngày qua, thậm chí có những vị trí còn xuất hiện sạt lở. Người dân rất bất an và mong muốn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để tuyến đường được êm thuận hơn.

Đá cấp phối bong tróc, mặt đường lầy lội sau trận mưa lớn. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Đá cấp phối bong tróc, mặt đường lầy lội sau trận mưa lớn. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Chỉ huy trưởng gói thầu XL01, dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên" Phạm Lê Trung Hiếu cho biết "phản ánh của người dân là đúng. Chúng tôi đã bố trí nhân lực, phương tiện tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn để ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời tiến hành đổ đá cấp phối tạm thời để người dân lưu thông bình thường."

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định, thông tin Ban đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra, Ban đã đề nghị Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh lập biên bản xử lý vi phạm đối với đơn vị thi công trên tuyến. Ngoài ra, Ban cũng yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết các bất cập về hạ tầng giao thông.

Cụ thể, đối với những đoạn đường đang thi công đào đất, đắp đường cần triển khai lắp đặt biển báo, rào chắn, cọc tiêu dẫn hướng. Đơn vị thi công cử cán bộ thường trực để chỉ dẫn giao thông vào ban ngày; có đèn nháy cảnh báo và tăng cường ánh sáng về ban đêm; bố trí các biển báo phòng vệ, biển báo hạn chế tốc độ, biển báo công trường, tiêu chóp nón.

Đơn vị thi công bố trí người kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động đầy đủ 24/24 giờ; lắp đặt bổ sung hộ lan mềm hoặc cọc tiêu, dây phản quang kết nối đoạn dẫn lên các đoạn đường đang thi công, đào đất và bị thu hẹp. Cùng với đó thực hiện khơi thông tạo các rãnh xương cá hai bên đường để tạo dòng chảy thoát nước mưa khi có mưa lớn, tránh để dòng nước chảy tràn lên đường kéo theo đất đá gây mất an toàn giao thông.

Đơn vị đánh giá tài sản của người dân bị thiệt hại, hư hỏng trong quá trình thi công. Khẩn trương phối hợp với đơn vị địa phương tổ chức bồi thường thỏa đáng sau khi giám định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Quá trình khắc phục các tồn tại, hạn chế phải hoàn thành trước ngày 26/5 tới.

Dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên" qua địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có chiều dài tuyến 17km. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng Sáu năm nay.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.