Biển động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên về đến nhà trời đã ngả sang chiều. Gió đang thổi lớn. Mấy tàu dừa ngay cạnh nhà khua lên xào xạc. Cánh cửa nhà chỉ khép hờ bị gió giật bung ra, đập ra đập vào cạch cạch. “Gió thế này, má còn đi đâu không biết”. Liên vừa thu dọn mớ củi khô vào chái bếp vừa càu nhàu: “Má cũng thiệt là, có bếp gas không chịu dùng, xoong nồi lúc nào cũng lấm lem hết”.

Thu vội mấy bộ quần áo của má đang phần phật bay trên dây phơi, có cái đã rơi lăn tròn trên cát, Liên mang nhanh vào trong nhà. Trời thế này, kiểu gì cũng lại mưa lớn. Vừa bước chân vào gian giữa, Liên khựng lại. Trong nhà, mùi khói hương bảng lảng. Trên ban thờ, hình ảnh ba như đang mỉm cười với Liên, bên cạnh bát hương thờ ba là một bát hương nhỏ, không có hình. Đó là em Liên. Đứa em chưa kịp chào đời từ mùa biển động năm ấy. Ngày mà Liên mới là cô bé tròn mười tuổi.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Thời gian sao nhanh quá, mới đó mà đã hơn mười năm trôi qua. Từng ấy thời gian đủ để Liên trưởng thành, đủ để xoa dịu đi nỗi đau ngày nào. Nhưng mỗi khi trở về, nhìn thấy hình ba đang cười, mọi chuyện lại như vừa mới hôm qua. Mắt Liên bỗng nhòe đi, môi mấp máy: Ba ơi! Bỗng Liên giật mình: “Thôi chết, chắc má lại ra biển rồi”. Cô vội khóa cửa lại, chạy băng qua rặng dừa trước nhà về phía biển. Nhìn thấy bóng má từ xa, Liên đã gọi:

- Má ơi! Má!

Chẳng biết có nghe tiếng gọi mà người đàn bà không hề ngoái đầu lại, vẫn đứng bất động nhìn ra biển, ánh mắt xa xăm. Liên chạy gần đến nơi, cô đi chậm lại. Có lẽ má lại nhớ ba, nhớ ngày ấy. Năm nào mùa biển động, chiều chiều má lại ra đây đứng. Má chờ gì ngoài đó? Cũng vẫn chỗ này, ngày má tiễn ba đi. Và chính chỗ này, thằng em từ bỏ má con Liên khi còn nằm trong bụng má. Từ ngày ấy, thi thoảng má như người mất hồn, nhớ nhớ quên quên, đôi lúc đang dưng bật khóc, rồi lại bật cười. Càng lớn lên, Liên càng hiểu hơn nỗi đau mà má đang chịu đựng. Má mới ngoài bốn mươi mà đã trở nên se sắt đến tội nghiệp. Đôi mắt lúc nào cũng rầu rầu, ngay cả khi má cười thì đôi mắt ấy vẫn chẳng thể ánh lên nổi niềm vui. Liên nhẹ nhàng đến bên, vòng tay ôm choàng lên vai má thủ thỉ:

- Má à, ta về thôi!
- Con về rồi hả? Đứng đây, đứng đây với má một lúc. Ngoài kia sóng biển lớn quá.
- Dạ, lại bắt đầu mùa mưa bão nữa đó má à!
- Phải chi ngày ấy, má cương quyết hơn, không cho ba con đi, thì giờ…

Má nói mà mắt vẫn hướng về phía biển. Từng con sóng chồm lên xô vào bờ cát. Những hạt bụi nước li ti bị gió hất vào bờ, bám vào da thịt rin rít. Sống mũi Liên bỗng cay cay. Rồi chẳng thể ngăn dòng nước mắt đang chực trào, Liên nấc lên:

- Thôi mà má. Đã lâu lắm rồi. Má cứ như vậy ba con chắc đau lòng lắm.
Liên ôm má vào lòng vỗ về. Sóng vẫn xô ngoài khơi, mịt mù. Biển động. Biển trơ trọi một mình gào thét, hờn dỗi. Ngoài kia một màu xám đục bao la. Chẳng con thuyền nào còn ra khơi nữa, mặc cho biển đang giận dữ.

*
- Mình à, hay mình đừng đi nữa. Mấy hôm nay em thấy trời chuyển rồi, biển đục lắm.
- Em yên tâm, anh đi nốt chuyến này rồi về sẽ cho thuyền vào vũng tránh bão.

Ba cùng mấy người trong chuyến đi khiêng những can nước ngọt xuống thuyền, chuẩn bị lương thực đủ cho vài tuần lênh đênh giữa biển khơi. Má nhìn theo, tự nhiên thấy lo lắng, bồn chồn. Ba xoa đầu Liên dặn:

- Con gái ở nhà nhớ chịu khó học hành, giúp má nghen. Đi đợt này về ba sẽ mua cho con chiếc áo hoa mới.

Liên “dạ” thật to và sung sướng nghĩ về chiếc áo mới trong tưởng tượng. Liên đâu ngờ rằng đó là buổi chia tay mãi mãi của gia đình. Đó là lần cuối cùng mà Liên được nhìn cái dáng hình quen thuộc của ba. Thuyền ba ra khơi được gần một tuần. Chiều đến Liên lại theo má ra bãi biển ngóng ba. Cơn bão bất ngờ ập đến, biển nổi cuồng phong. Má hớt hải ngóng theo những con thuyền chòng chành vật lộn với sóng biển vào nơi tránh bão an toàn. Thuyền của ba vẫn chưa thấy về. Má lo lắng chạy ngược chạy xuôi hỏi thăm các thuyền bạn. Mọi người trấn an: Chắc thuyền ba đã tạt vào hòn đảo nào đó tránh bão rồi. Má yên tâm hơn. Một ngày. Hai ngày. Ba ngày. Năm ngày… Cơn bão tạm qua đi. Má lại vội dắt theo Liên ra biển. Đôi mắt má trũng sâu nhìn ra biển khơi vời vợi ngóng đợi ba về. Lại thêm cơn bão nữa.

Hôm đó, má đang ngồi chặt mấy cành dừa khô bên chái bếp, có người chạy đến báo đã có thông tin về thuyền của ba. Má mừng quá, buông vội con rựa xuống:

- Thật hả anh? Vậy giờ mọi người sao rồi? Anh Hoan nhà em…
- Cô Tâm…

Người đó ngắt lời má, ngập ngừng. Có chuyện gì mà khó nói vậy sao? Bé Liên ngước cặp mắt tròn xoe nhìn lên:

- Ba con đang ở đâu hả bác Tư?
- Người ta nhặt được mảnh vỡ của tàu chú Hoan dạt vào bãi đá phía trại. Còn người thì…
Má đứng bất động. Nước mắt cứ thế trào ra. Rồi má vùng chạy về phía biển, tiếng gọi của má bị vỡ tan ra trong tiếng gió rít bên rặng dừa. Biển lại đang nổi cuồng phong, từng cơn gió mạnh thi nhau xô má ngã. Má ôm bụng, đôi chân mềm đi:
- Mình ơi!

Tiếng gọi của má hòa vào tiếng gào thét của sóng gió. Liên chạy theo ôm má khóc. Cô bé dường như cảm thấy có điều gì đó rất ghê gớm đang đến với gia đình mình.

- Máu, má ơi! Nhiều máu quá!

Má ôm bụng, hốt hoảng nhìn dòng máu đang chảy dưới chân mình rồi ngất đi khi mọi người kịp chạy đến. Má tỉnh dậy trong ngôi nhà nhỏ của mình, trong ồn ào tiếng người nhưng không có tiếng ba. Cơn bão đã cướp đi ba của Liên, biển khơi đã lạnh lùng nhấn chìm lời hẹn trở về của ba. Đứa em cũng ra đi theo dòng máu đỏ chảy tràn trên đùi má xuống bờ cát khi má chạy ngã sấp ngã ngửa từ nhà ra biển. Má ôm ghì Liên vào lòng, khóc không thành tiếng. Nếu ngày ấy không có Liên, má cũng đã theo ba, theo em mất rồi.

*
Vậy mà đã qua bao mùa biển động. Liên đã trưởng thành, đi làm, đã có thể đỡ đần má. Cô muốn má lên thị trấn ở với mình nhưng má nhất quyết không chịu. Mười mấy năm qua đi, má vẫn tin sẽ có một phép màu nào đó xảy ra. Và mỗi khi biển động, má lại ra đây dõi đôi mắt xa xăm ngóng ra ngoài khơi.

- Cô Tâm ơi! Liên ơi!

Bác Tư vừa chạy vừa gọi má con Liên. Hình như bác đang cười. Không bác khóc mới phải. Rõ ràng Liên thấy giọt nước mắt đang lăn. Bác hết cầm tay má rồi lại cầm tay Liên:
- Chú Hoan còn sống. Còn sống cô ơi, cháu ơi!

Liên không tin vào tai mình nữa, tim đập mạnh. Má vịn chặt vào tay Liên, môi mấp máy:
- Anh Tư nói sao cơ? Anh Hoan nhà em…?

- Phải, phải! Chú ấy còn sống.Tận một hòn đảo ở Philippines cơ. Một tàu cá của tôi bị cơn bão này làm cho chết máy, dạt vào đó. Mấy anh em trên thuyền điện về là gặp chú Hoan. Chú ấy vẫn khỏe mạnh, mỗi tội không nhớ gì nhiều ngoài tên cô và con bé. Đợt bão năm đó thuyền chú Hoan bị đánh tan, đâu biết ai còn ai mất, chú ấy bị dạt vào bãi đá bất tỉnh, ngư dân ở đó họ cứu được. Đây, đây, chú ấy đây này.

Má và Liên vội nhìn vào chiếc điện thoại mà bác Tư đưa ra. Mọi người chụp hình cùng ba gửi về cho bác. Nụ cười của ba vẫn như ngày nào. Đợt bão này qua đi, mọi người sẽ đưa ba về lại quê hương, về với mẹ con Liên.

Ba người không nói gì. Họ đứng cạnh nhau hướng ra biển. Có lẽ Liên sẽ xin nghỉ làm, ở nhà một thời gian, hàng ngày sẽ cùng má ra bờ cát này chờ ngày biển lặng.

Ý Thu

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.