Theo dự kiến, Nhà máy nước Vạn Niên 1 sẽ trở thành Bảo tàng nước tại Huế. Ở đó, câu chuyện cấp nước máy từ đầu thế kỷ 20 sẽ được kể chi tiết.
Nhà máy nước Vạn Niên xưa - Ảnh của Eberhardt, Guide de l’Annam, 1914 - Ảnh: Tl |
Trên trang web của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, bài viết về Nhà máy nước Vạn Niên 1 hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. “Lúc còn ngồi trên ghế Trường Quốc học Huế, lần đầu tiên đi thăm lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, tôi thấy trên bờ sông Hương bên tay phải có một cái đình tứ giác, với hai tầng mái dựng giữa vườn hoa cây cảnh hài hòa đẹp mắt. Đặc biệt nhất là ở ba góc định hướng về phía sông có nhiều người qua lại có mấy trụ biểu cao vút…”, ông Nguyễn Đắc Xuân kể lại.
Sau đó mấy chục năm, khi đọc cuốn Hướng dẫn du lịch Việt Nam của Ph.Eberhardt (thầy dạy văn minh văn hóa cho vua Duy Tân), ông Nguyễn Đắc Xuân mới biết đó là công trình gì. “Cái đình ấy không phải chùa chiền, lăng mộ ai cả mà là cái nhà máy cung cấp nước cho thành phố Huế do kiến trúc sư Bossard thiết kế xây dựng vào năm 1909 và hoàn thành năm 1911. Sở dĩ kiến trúc sư Bossard phải thiết kế kiến trúc nhà máy nước giống như một lăng cổ hoặc một cái chùa như thế là để cái nhà máy của phương Tây hài hòa với cảnh quan khu vực lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh của phương Đông”, ông Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ.
Nhà máy nước Vạn Niên 1 vào thời điểm này cũng đã nhiều tuổi. Tuy nhiên, nó đang đứng trước một cơ hội mới khi Công ty cấp nước Thừa Thiên-Huế (HueWACO) muốn xây dựng thành một Bảo tàng Nước và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
TS Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng Nhà máy nước Vạn Niên 1 cùng với Nhà máy vôi nước Long Thọ chính là “biểu tượng” của thời văn minh công nghiệp tại Huế. Được xây dưới thời vua Duy Tân để nâng cao chất lượng sống của người dân, nhà máy lúc đầu sử dụng than để vận hành và sau đó được thay thế dần bằng các công nghệ hiện đại khác cho tới nay. “Đó là một biểu tượng của công nghiệp hiện đại gắn liền với quá trình đô thị hóa Huế. Khi xây dựng Huế thành đô thị di sản thì đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần phát huy”, TS Hằng cho biết. Điều thú vị là thời gian gần đây, việc sử dụng các không gian nhà máy cũ để trở thành không gian văn hóa đang được lưu tâm ở nhiều đô thị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Liên Minh, Trưởng phòng Thiết kế (thuộc HueWACO), hiện là người được giao phụ trách dự án Bảo tàng nước này. Theo ông Minh, việc thu thập tư liệu cũng đã được thực hiện 5 năm nay. “Cơ bản chúng tôi có hiện vật khá đầy đủ. Còn về hình ảnh, chúng tôi cũng đã tìm kiếm trong 5 năm nay được khá nhiều. Chúng tôi cũng đăng trên mạng để nhờ cộng đồng có hình ảnh nào thì hỗ trợ. Cộng đồng đã góp sức và cho nhiều kết quả, họ gửi tư liệu ảnh từ rất xưa cho mình”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết theo dự kiến vào cuối năm nay, khi HueWACO hoàn thành và vận hành một nhà máy mới, Nhà máy nước Vạn Niên 1 sẽ được “nghỉ ngơi”. “Nhà máy này bên cạnh lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, gần lăng Thiệu Trị. UBND tỉnh cũng đang có ý định dựng một công viên phục vụ cộng đồng ở đồi Vọng Cảnh. Có thể hình thành cụm điểm du lịch”, ông Minh nói.
Theo Trinh Nguyễn (TNO)