Không hỏi ý kiến Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn, gọi bà là Tổng thống Đài Loan. Báo Mỹ Daily Beast gọi đó là cú đảo ngược thành quả 40 năm của Trung Quốc trong 10 phút.
Ông Trump đã làm Trung Quốc "choáng váng" qua cuộc điện đàm 10 phút với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn |
Cú đấm mới
Cú điện thoại vỏn vẹn 10 phút giữa ông Trump và bà Thái hồi cuối tuần qua vẫn còn gây chấn động cho tới giờ phút này, khiến Trung Quốc choáng váng. Nhưng dường như cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, ông Trump lại tiếp tục đi một nước cờ mới khi hôm 4-12 lên Twitter chỉ trích Trung Quốc như sau: “Trung Quốc có hỏi ý chúng ta xem chuyện phá giá đồng tiền của họ (khiến các công ty của chúng ta khó cạnh tranh), xem việc đánh thuế nặng nề lên hàng hóa của chúng ta ở đất nước họ (Mỹ thì không đánh thuế họ) hay xây dựng một khu phức hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông là có ổn không? Tôi không nghĩ thế”.
Hãng truyền thông CNN gọi đây là một cú đấm nữa của ông Trump về phía Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn là lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan trong gần 4 thập niên đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ, dẫu là tổng thống đắc cử |
Thành quả gần 40 năm "bốc hơi" trong 10 phút
Quay lại với cuộc điện đàm hồi cuối tuần qua, sở dĩ nó làm xôn xao khắp thế giới là vì suốt từ năm 1979 tới nay, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc, không một nhà lãnh đạo Mỹ nào, dù là mới đắc cử hay đang tại chức, có động thái tương tự. Báo Daily Beast bình luận Trung Quốc đã cực kỳ thành công trong gần 4 thập niên qua trong vấn đề Đài Loan, bao gồm cả việc đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để gây áp lực với các bên. Nhưng chỉ với cuộc điện đàm vỏn vẹn 10 phút với bà Thái, ông Trump đã làm “bốc hơi” hết toàn bộ thành công gần 40 năm đó-theo Daily Beast.
Theo báo này, bằng việc gọi bà Thái là "Tổng thống Đài Loan", ông Trump đã bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc công nhận chủ quyền Đài Loan-lãnh thổ mà Trung Quốc gọi là một tỉnh của nước này.
Tiếp theo, Daily Beast cho rằng bằng cú điện đàm gần 40 năm mới có một lần, nhà lãnh đạo sắp tới của nước Mỹ đã thách thức rõ ràng rằng Mỹ không sợ những lời đe dọa từ phía Trung Quốc, không tôn trọng quan điểm cốt lõi của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.
Báo Daily Beast còn viết rằng bằng việc tạo ra tiền lệ Đài Loan, ông Trump có thể thiết lập một cơ chế thương lượng mới với Trung Quốc về mọi vấn đề, từ Triều Tiên đến thương mại mà không bị giới hạn bởi một "vùng cấm" nào.
Không hề ngẫu hứng
3 Sự đắc cử của ông Trump dự đoán sẽ gây nhiều khó khăn hơn với Trung Quốc so với thời ông Barack Obama làm tổng thống Mỹ. Trong ảnh là Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Obama
Quay lại với cuộc điện đàm kể trên, nhiều chính trị gia Mỹ đã chỉ trích ông Trump là hành động theo kiểu ngẫu hứng, không theo một quy chuẩn, một kế hoạch nào. Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện mau chóng chỉ trích hành động của ông Trump là thiếu phối hợp, là "sự xoay trục chính sách đối ngoại quan trọng mà không theo kế hoạch nào".
Tuy nhiên, báo Washington Post ngày 4-12 dẫn các nguồn tin thân cận với ông Trump và có liên quan đến cuộc điện đàm cho biết cuộc điện đàm này đã được âm thầm sắp xếp từ nhiều tháng trời, không những từ trước khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ mà thậm chí từ trước khi ông chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa!
"Phó tướng" của ông Trump là Mike Pence đã nói rõ rằng bà Thái là người gọi điện cho ông Trump. Tuy nhiên, điều đó cũng khó lòng có nghĩa ông Trump hoàn toàn bị động và chỉ "ngẫu hứng" nghe điện thoại từ lãnh đạo một nơi suốt 40 năm không đối thoại trực tiếp được với lãnh đạo Mỹ. Ở cấp như bà Thái, hẳn sẽ không có chuyện bà gọi sang nước khác mà không có sự sắp xếp từ trước là bên kia sẽ bắt máy. Bị từ chối nghe điện thoại sẽ là một sự sỉ nhục cho bản thân cũng như đảng của bà. Thế nên ai là người gọi trong trường hợp này không quá quan trọng. Điều quan trọng là sự đồng thuận từ trước ở cả đôi bên.
Theo Thanhnien