Sáng 16-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đã họp phiên thứ nhất với các Bộ, ngành, địa phương về triển khai Đề án này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, mục đích yêu cầu của Đề án nhằm đánh giá hiện trạng và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp và việc phân biệt bước đầu về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản có liên quan.
Phân tích các yêu cầu đặt ra đối với việc quy định mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền đô thị, có sự phân biệt rõ với chính quyền nông thôn. Nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp đối với chính quyền đô thị bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở kết quả xây dựng Đề án, đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các quy định cụ thể về chính quyền địa phương trong Hiến pháp và mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị trong Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi).
Theo đó, mục tiêu lớn là xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại để quản lý có hiệu quả công việc của chính quyền. Từ kết quả nghiên cứu của Đề án, xác lập căn cứ lý luận và thực tiễn để hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức hợp lý chính quyền địa phương nói chung. Phân biệt mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nói riêng theo tinh thần đổi mới được xác định trong Văn kiện Đại hội X và XI của Đảng.
Theo Chinhphu.vn