Bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, hầu hết cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư về công trình bảo vệ môi trường, các hạng mục xử lý chưa đảm bảo theo quy trình, đặc biệt là việc tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên đã gây ô nhiễm môi trường.
Thực trạng đáng lo ngại
Chúng tôi có mặt tại bãi rác tập trung của huyện Chư Pah ở thôn 2 (xã Hòa Phú) lúc công nhân đang đốt rác sau khi đã phun thuốc sinh học diệt côn trùng, khử mùi. Tại đây, mùi hôi của rác trộn lẫn với mùi khói khét lẹt khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Bên cạnh đó, khu vực chứa nước rỉ rác cũng đục ngầu, bốc mùi hôi tanh. Theo ông Đặng Thành Phương-Phó Trạm trưởng Trạm Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện Chư Pah, bãi rác này rộng hơn 4 ha, đi vào hoạt động từ năm 2008. Trung bình mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận 4-5 tấn rác thải từ thị trấn Phú Hòa. Sau đó, rác được xử lý theo phương pháp thủ công là phơi, đốt vào mùa khô và chôn lấp vào mùa mưa. “Ngoài ô nhiễm không khí do hoạt động đốt rác, việc bãi rác chưa có hệ thống thu gom nước rỉ còn gây ô nhiễm nguồn nước. Trước tình hình đó, Trạm triển khai đào hố chứa nước rỉ rác, trồng cây xanh xung quanh để ngăn rác không bay vương vãi và tiến hành phun các loại thuốc diệt côn trùng, khử mùi”-ông Phương cho hay.
 Bãi rác tập trung của huyện Chư Pah nằm lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.T
Bãi rác tập trung của huyện Chư Pah nằm lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.T
Tuy nhiên, theo ông Phương, những giải pháp này không thể khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Thực tế, đây là bãi rác lộ thiên, chưa được thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời, không thực hiện giám sát môi trường định kỳ và không có kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nên trong quá trình vận hành vẫn gây ô nhiễm. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí để xử lý, nâng cấp, cải tạo bãi rác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”-ông Phương thông tin. Cũng theo ông Phương, ngoài bãi rác này, Trạm đang quản lý, vận hành bãi rác xã Nghĩa Hưng. Đây cũng là bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tương tự, nằm cách khu dân cư hơn 1 km, bãi rác tập trung của huyện Đak Đoa cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bãi rác có quy mô 1,4 ha, là nơi tập trung rác thải từ xã Trang, Kdang, Tân Bình, Đak Krong, Glar và thị trấn Đak Đoa với khối lượng trung bình 25 tấn/ngày. Theo bà Lê Thị Thu Thảo-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa, đây là bãi rác lộ thiên. Bãi rác này chưa được thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm không khí, môi trường đất và nước. “Kinh phí để đầu tư lò đốt rác hoặc chôn lấp hợp vệ sinh rất lớn nên huyện và tỉnh không thể đáp ứng được. Trong khi đó, kinh phí thu từ hoạt động thu gom rác trong dân rất thấp nên không kêu gọi được việc xã hội hóa đầu tư. Vì vậy, giải pháp tạm thời của huyện là phun hóa chất 1 tuần/lần vào mùa khô, 2 tuần/lần vào mùa mưa rồi sau đó đốt rác. Huyện mong được hỗ trợ kinh phí để đầu tư các hạng mục xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”-bà Thảo kiến nghị.
Gặp khó trong xử lý
Trao đổi với P.V, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 697 tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, khu vực đô thị là 346 tấn/ngày, khu vực nông thôn hơn 351 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai, trong khi đó, các cơ sở xử lý chất thải đều chưa xây dựng đủ các hạng mục xử lý rác thải, quá trình xử lý cũng chưa đảm bảo đúng quy trình dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trong 33 cơ sở xử lý chất thải rắn (gồm 4 lò đốt rác và 29 bãi rác) trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có bãi rác tại TP. Pleiku được thực hiện theo quy trình chôn lấp hợp vệ sinh. Song trên thực tế, bãi rác này vẫn chưa được đưa ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường. 4 lò đốt rác cũng không thể xử lý hết được số rác phát sinh tại địa phương; số còn lại đều là bãi rác lộ thiên và hầu hết đều chưa xử lý đảm bảo đúng quy trình nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hầu hết các xã đã quy hoạch điểm thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt song chủ yếu là bãi rác lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Các bãi rác lộ thiên thường không được lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác; rác thải chủ yếu được xử lý theo hình thức phun thuốc diệt côn trùng, khử mùi, đốt, san ủi. Vì thế, các bãi rác này đều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”-bà Vinh cho hay.
Cũng theo bà Vinh, hàng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang-thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt cho các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Trong khi đó, các địa phương chưa thể cân đối được nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. “Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng tới phân loại rác tại nguồn; xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình hợp tác xã quản lý môi trường dựa vào cộng đồng; khuyến khích thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn; cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục đầu tư dự án xử lý chất thải; xây dựng, ban hành và hướng dẫn các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính cho các tổ chức, cơ sở đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn có áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp”-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin. 
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...