(GLO)- Khi giá mủ cao su cao ngất ngưởng, bằng nhiều cách, doanh nghiệp xin thuê cả đất rừng khộp để trồng cao su. Đến khi giá mủ cao su xuống thấp, không chỉ doanh nghiệp lơ là chăm sóc mà còn phá bỏ cây cao su để chuyển sang trồng cây trồng khác.
Cao su của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Địa hình, thổ nhưỡng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cây cao su. Các tiểu khu 1134, 1142 (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) được giao cho Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai (Công ty Hoàng Anh Gia Lai) với diện tích hơn 942 ha. Công ty đã trồng được hơn 649 ha nhưng đã có hơn 245 ha cao su bị chết (chiếm 33,13%). Công ty này cũng đã triển khai thực hiện dự án tại xã Pờ Tó (Ia Pa), tổng diện tích cao su đã trồng là 1.199 ha và tỷ lệ cây sống đạt hơn 93,8%, tỷ lệ cây chết chiếm hơn 6,1%. Về diện tích cao su bị chết, doanh nghiệp cho rằng do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp với cây cao su và tự ý chuyển đổi sang trồng cây khác như cỏ, mì, mía trong khi chưa có chủ trương từ cấp thẩm quyền.
Theo báo cáo của UBND huyện Ia Pa, tính đến thời điểm này, dù chưa có chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhưng Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai đã chuyển đổi hơn 80 ha cao su sang trồng cây khác và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò. Tính đến nay, Công ty đã trồng 43 ha cỏ phục vụ chăn nuôi; trồng 34 ha mía và 4 ha xây chuồng trại nuôi bò. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, hệ thống chuồng trại đang tiến hành lắp ráp và xây dựng. Cỏ được trồng và đã thu hoạch, chế biến thành thức ăn cho bò. Hay dự án trồng cao su của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại huyện Chư Pưh cũng đã và đang tích cực chuyển đổi hàng chục ha cao su bị chết sang cây trồng khác…
Tại huyện Chư Prông, một số diện tích khai hoang hoặc đất không phù hợp trồng cao su đã được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê trồng mì. Hiện tại, Công ty đang đề xuất cho phép chuyển mục đích trồng cao su sang trồng các loại cây công nghiệp khác như: mía, trồng cỏ nuôi bò… hoặc liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chuyên ngành. Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức cũng đang xin chủ trương chuyển đổi diện tích cao su bị chết tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông) sang trồng cây trồng phù hợp…
Ông Nguyễn Đình Phương-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Việc các công ty tự ý chuyển đổi diện tích cao su chết sang cây trồng khác nếu không ngăn chặn hoặc có giải pháp cụ thể sẽ tạo tiền lệ không tốt trong những năm tới. Bởi nếu những năm tiếp theo giá mủ cao su tiếp tục xuống thấp, các công ty sẽ tự ý để cây cao su chết và lại chuyển đổi sang cây trồng khác thì tình hình sẽ như thế nào?
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nếu các đơn vị đã chuyển đổi rừng sang trồng cao su nhưng không trồng thì phải trồng lại rừng trên diện tích mà đơn vị khai hoang chứ không được chuyển sang trồng cây khác.
Việc các công ty tự ý chuyển đổi khi chưa có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh, nếu không được chấn chỉnh, ngăn chặn sẽ tạo tiền lệ xấu về sau.
Nguyễn Diệp-Lê Nam