Bài 2: Cam kết chưa được thực hiện trọn vẹn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi “xin thuê đất” làm dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dự án, tuyển lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân… Tuy nhiên, những lời hứa này đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách trọn vẹn, phần lớn chỉ thuộc về lợi ích của doanh nghiệp.

Cao su tới thời kỳ khai thác của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: N.D
Cao su tới thời kỳ khai thác của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: N.D

Tổng hợp từ UBND tỉnh: tổng kinh phí đầu tư phê duyệt dự án nêu trên là 4.561,9 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của vùng dự án là 188,5 tỷ đồng, hỗ trợ địa phương công tác an sinh xã hội là 59,8 tỷ đồng. Đến năm 2014, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được 244,7 tỷ đồng, đạt 129,8%; hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho các địa phương 47,5 tỷ đồng, đạt 79,4%.

Theo đánh giá của các địa phương có đất rừng giao cho doanh nghiệp trồng cao su, tiến độ thực hiện các phần việc trên chưa được như mong đợi. Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp chỉ tập trung các hạng mục nhà làm việc, nhà ở công nhân, lưới điện, nước sinh hoạt, đường giao thông phục vụ cho vùng dự án. Còn cam kết hỗ trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội tại địa phương cho người dân hưởng lợi thì chưa được đầu tư bao nhiêu.

Cụ thể, tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) Công ty cổ phần Trồng rừng công nghiệp Gia Lai (Công ty Hoàng Anh Gia Lai) chỉ đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, 30 căn nhà cho công nhân và trụ sở làm việc tại khu dự án chứ chưa thực hiện theo cam kết hỗ trợ xây dựng 5 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Pờ Tó. Còn tại huyện Chư Pưh, Công ty TNHH Thương mại Đệ Nhất Việt Hàn đầu tư dự án 18,89 tỷ đồng, song cũng chỉ làm được 12 km đường giao thông, 2 cống tràn, nhà ở công nhân tại khu dự án với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, còn đóng góp an sinh xã hội cho địa phương thì chưa thực hiện theo cam kết. Công ty TNHH một thành viên Trang Đức hiện cũng chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dự án, về an sinh xã hội cũng chưa triển khai gì.

 

Cao su chết rải rác tại xã Ia Ga (Chư Prông). Ảnh: N.D
Cao su chết rải rác tại xã Ia Ga (Chư Prông). Ảnh: N.D

Các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su được UBND tỉnh phê duyệt đều có nội dung: các doanh nghiệp cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư hạ tầng cơ sở trong vùng dự án, tích cực tham gia vấn đề an sinh xã hội. Theo dự án được đầu tư phê duyệt, tổng số lao động dài hạn cần tuyển dụng là 9.379 người. Nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ mới tuyển dụng 2.254 lao động dài hạn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 777 người; lao động thuê mướn theo thời vụ 2.414 người, lao động khác 1.413 người. Trong quá trình giám sát mới đây của HĐND tỉnh, việc tuyển dụng lao động dài hạn vào làm công nhân của một số dự án trồng cao su chưa đạt kế hoạch. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa thực hiện tuyển dụng lao động theo cam kết hoặc tuyển dụng quá thấp so với số lao động dài hạn cần tuyển trong thời kỳ cây cao su kiến thiết cơ bản. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với địa phương để tuyển, vận động người dân tộc thiểu số vào làm công nhân.

Về vấn đề này, theo các doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động dài hạn là người địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, họ quen canh tác tự do, nay vào làm công nhân cao su với yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật, thời gian, mùa vụ nên chưa thích nghi. Hơn nữa, phần lớn các dự án cao su được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn…

Dù vậy, theo phản ánh từ các địa phương, các doanh nghiệp chưa làm tốt công tác này. Bà H’Bing Buôn Yă-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh cho biết: “Từ khi dự án được triển khai, các doanh nghiệp cũng có tuyển lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm việc. Tuy nhiên, họ chỉ làm được 1 đến 2 tháng rồi tự nghỉ việc. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không đảm bảo nơi ăn, chốn ở và đặc biệt là do phải làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật không lương. Doanh nghiệp nêu lý do phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số dẫn đến bỏ việc là chưa thỏa đáng”.

Nguyễn Diệp-Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.