(GLO)- Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề của xã hội, nhất là ở vùng nông thôn. Không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội mà tổ chức này còn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, khu vực kinh tế tập thể còn nhiều mặt yếu kém, năng lực hạn chế, số HTX làm ăn có hiệu quả còn ít, lợi ích đem lại cho các thành viên chưa cao. Quy mô các HTX còn nhỏ lẻ, sản xuất còn đơn điệu, thiếu năng động. Đặc biệt thời gian qua, số lượng HTX, tổ hợp tác liên tục giảm, số hoạt động cầm chừng, số ngưng hoạt động.
Toàn tỉnh hiện có 123 HTX, trong đó 57 HTX nông nghiệp, 20 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 28 HTX vận tải; 6 HTX xây dựng, 6 HTX thương mại và 6 quỹ tín dụng nhân dân. Điều đáng ghi nhận là trong điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhưng nhiều HTX vẫn duy trì hoạt động ổn định, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động. Trong khó khăn, một số HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mở rộng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thực hiện các dịch vụ đầu vào cho các thành viên. Một số HTX không chỉ đem lại lợi nhuận cho chính mình mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Các HTX được coi là cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đề cao tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng HTX và các tổ hợp tác tại các địa phương liên tục giảm qua các năm, không ít HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả hoặc ngưng hoạt động, đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 20 HTX ngưng hoạt động kéo dài, 4 HTX đã giải thể. Năm 2010, huyện Chư Sê có 14 HTX, nhưng đến nay chỉ còn 5 HTX đang hoạt động. Nếu năm 2013, huyện Krông Pa có 15 HTX thì đến nay chỉ còn 5 HTX đang hoạt động, không còn một HTX nông nghiệp nào còn hoạt động. Huyện Ia Pa có 12 HTX và 3 tổ hợp tác thì đã có 4 HTX ngưng hoạt động. Cùng chung cảnh ngộ, sau khi tách huyện (năm 2010), ngoài 3 HTX đã tạm ngưng kinh doanh đến nay trên địa bàn huyện Chư Pưh không thành lập mới một HTX hay tổ hợp tác nào...
Ông Hồ Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 12 HTX và 3 tổ hợp tác, trong đó có 2 HTX xây dựng, 1 HTX thương mại dịch vụ và 9 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài 2 HTX Xây dựng và HTX Nông nghiệp Đại Đồng (xã Pờ Tó) hoạt động có hiệu quả, các HTX còn lại hoạt động cầm chừng kém hiệu quả, thậm chí đã ngưng hoạt động. Đặc biệt, các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu mới tổ chức hoạt động đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như dịch vụ thủy nông, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đầu ra thì bỏ ngỏ. Cùng với đó, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện có diện tích canh tác nhỏ nên thu chỉ đủ để bù đắp được chi phí bỏ ra, hầu như không có lợi nhuận.
Với tình hình hoạt động không mấy khả quan của các HTX trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Phạm Nhuần lý giải: “Các HTX nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là hoạt động thủy nông và giao thông nội đồng, không có các dịch vụ khác như giống, vật tư nông nghiệp. Thời gian qua, đa số các HTX chỉ hoạt động cầm chừng, một số đã ngưng hoạt động. Năng lực quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế, yếu kém, do đó đã gặp khó khăn trong cạnh tranh với nền kinh tế thị trường. Sắp tới, UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo các phòng ban triển khai chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đồng thời triển khai rà soát các HTX hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động thì sẽ cho giải thể”.
Hà Duy-Quang Tấn