Hiện có khoảng 27.000 hộ nông dân có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, có những nông dân lãi tới 15 tỷ đồng/năm nhờ áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Chia sẻ tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) khoe: “Doanh thu gia đình hàng năm đạt trên 15 tỷ đồng. Riêng năm 2016, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí thì lợi nhuận đạt trên 15 tỷ đồng”.
Ông Đức kể, nhiều năm qua ông đã tích tụ được khoảng 120ha đất để sản xuất theo hướng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ông sử dụng diện tích đất trên để sản xuất lúa giống cung cấp cho nông dân trong vùng, với sản lượng đạt 2.400 tấn/3 vụ. Thế nhưng, trong quá trình sản xuất lúa giống, ông thấy lượng phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ,... quá nhiều, nếu đem đốt hoặc bỏ đi thì phí, mà những thứ này đều có thể đem chế biến làm thức ăn cho bò.
Nhờ kết hợp chăn nuôi với trồng trọt mà mỗi năm, ông Đức đút túi 15 tỷ đồng tiền lãi |
Nghĩ vậy, bắt đầu từ cuối năm 2013, ông mạnh dạn lập thành lập trang trại nuôi bò sinh sản áp dụng theo hướng công nghệ cao. Kết quả, hiện trang trại của ông có 510 con bò cái sinh sản và 120 con bò đực nuôi vỗ béo.
Không chỉ dừng lại ở trồng lúa, nuôi bò, hàng ngày ông vẫn chăm chỉ truy cập mạng Internet để tìm kiếm thông tin về kinh tế thị trường với mục đích tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình.
“Sau khi tìm hiểu, tôi thấy những năm gần đây trái cây Việt xuất khẩu đi các nước với sản lượng ngày càng tăng, trong đó có trái chuối già cấy mô. Tôi nghĩ, với vùng đất quê hương còn nhiễm phèn mặn không thể trồng được cây có múi nên tôi đã chọn cây này để đột phá, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi”, ông Đức nói. Ông tiếp tục thuê 71 ha đất để nuôi bò, trồng cỏ và trồng chuối.
Ông cũng chia sẻ, đây là mô hình khép kín bởi sau khi thu hoạch buồng chuối, thân cây chuối được tận dụng để chế biến làm thức ăn cho bò; phân bò được thu gom để ủ thành phân hữu cơ bón cho chuối nhằm cải tạo đất, giúp giảm chi phí phân bón và quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm hữu cơ cung cấp cho thị trường.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Trí ở xã Thọ Xuân (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng tiết lộ, nhờ ứng dụng biện pháp kỹ thuật cao từ các khâu chăm bón, xây dựng hệ thống tưới tự động trong mô hình trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4ha mà mỗi năm ông thu về 37,5 tỷ đồng. Tính ra, ông đút túi gần 14 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí.
Hay như gia đình ông Ngô Văn Tiêu (Nam Yang, Đak Hoa, Gia Lai) cũng thu lãi tới gần 2 tỷ đồng nhờ áp dụng mô hình công nghệ tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel cho vườn tiêu 15.000 gốc.
Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2017 có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia.
Theo đó, tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hàng năm của giai đoạn 2012-2017 đạt 3,55 triệu hộ, chiếm 57,2% số hộ đăng ký.
Tuy số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giảm 0,3% so với giai đoạn trước, nhưng chất lượng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi được nâng lên và bền vững hơn.
Cụ thể, có 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/hộ sau khi trừ hết các chi phí; có 775 ngàn hộ nông dân có thu nhập từ 200-dưới 300 triệu đồng/hộ; có 340 ngàn hộ đạt thu nhập từ 300-500 triệu đồng/hộ; có 165 ngàn hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/hộ. Đáng chú ý, có tới 27.000 hộ dân đạt thu nhập trên 1 tỷ, trong đó có những hộ thu nhập lên tới 15 tỷ đồng.
Bảo Phương (Vietnamnet)