An Khê khởi động phát triển kinh tế đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm ở cửa ngõ phía Đông tỉnh Gia Lai, thị xã An Khê có quốc lộ 19 chạy qua nối liền 2 thành phố năng động, sầm uất là Pleiku và Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

An Khê còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng và cơ sở hạ tầng đô thị, thương mại-dịch vụ phát triển đồng bộ. Đây là những tiềm năng, thế mạnh để An Khê khởi động phát triển kinh tế đêm.

Nhiều tiềm năng

Với quyết tâm trở thành đô thị loại III vào năm 2025, những năm qua, cùng với nguồn vốn từ trung ương và tỉnh, thị xã An Khê đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để làm mới, nâng cấp các tuyến đường nội thị; huy động hơn 42 tỷ đồng để lát vỉa hè bằng gạch block với tổng diện tích 69.311 m2; đầu tư xây dựng 35,74 km mương, cống thoát nước trên các tuyến đường nội thị.

Bên cạnh đó, trong năm 2021 và 2022, thị xã bố trí hơn 3,6 tỷ đồng để trồng 1.597 cây xanh khu vực nội thị, 500 m2 cây lá màu, 60 cây cảnh trang trí tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Song song đầu tư hạ tầng đô thị, thị xã chú trọng quy hoạch, đầu tư trùng tu, tôn tạo các cụm di tích, duy trì và từng bước nâng tầm các lễ hội lớn gắn với Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo như: lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung, cúng Quý Xuân, cúng Khai sơn, cúng Quý Thu, Hội cầu Huê, các lễ hội văn hóa của đồng bào Bahnar và lễ hội dâu da đỏ (xã Cửu An) để thu hút khách du lịch. Năm 2023, thị xã có hơn 11.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Điệp-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã-cho biết: An Khê là vùng đất lưu dấu nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử. Thị xã hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá; 1 bảo vật quốc gia (công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê có niên đại cách đây 800 ngàn năm) và 17 điểm di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Thị xã An Khê có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế đêm. Ảnh: PHONG CASTA

Thị xã An Khê có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế đêm. Ảnh: PHONG CASTA

Với tiềm năng, lợi thế đó, trên cơ sở Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và Kế hoạch số 2700/KH-UBND ngày 17-11-2022 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh, UBND thị xã An Khê đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2025.

Theo đó, thị xã quy hoạch 5 địa điểm xây dựng, phát triển kinh tế đêm với hoạt động chính là mua sắm, buôn bán, ẩm thực gồm: khu vực phía Tây bờ đập Bến Tuyết; khu vực chợ An Tân; đường Lê Hồng Phong, đoạn từ đường Quang Trung đến đường Nguyễn Trãi (khu vực Hoa viên Quang Trung); đường Nguyễn Công Trứ (khu vực trước và trong Sân vận động thị xã); đường Trần Hưng Đạo (khu vực dọc bờ kè sông Ba).

“Trên cơ sở kế hoạch của UBND thị xã, Phòng Văn hóa-Thông tin có trách nhiệm nghiên cứu, xác định các tour, tuyến, điểm, khu du lịch để có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, vui chơi, giải trí về đêm trên địa bàn, tại khu vực phát triển hoạt động, dịch vụ kinh tế đêm; xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp, ấn tượng về các điểm đến du lịch của thị xã; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia các hội nghị xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Phòng tham mưu UBND thị xã các giải pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch; triển khai liên kết phát triển du lịch nhằm phát huy lợi thế”-ông Điệp cho biết thêm.

Những bước đi ban đầu

Để từng bước hình thành các khu vực phát triển kinh tế đêm trên địa bàn, thị xã cho phép phường Tây Sơn tổ chức thí điểm cho thuê mặt bằng vỉa hè tuyến đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ suối Tre đến nhà hàng Sen Vàng Plaza để sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Phường Tây Sơn đã chia khu vực dọc bờ kè sông Ba thành 70 lô.

Ông Lữ Văn Tâm-Chủ tịch UBND phường Tây Sơn-cho biết: Sau khi UBND thị xã thống nhất phương án quản lý khai thác và sử dụng tạm thời hè phố, phường xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cán bộ, công chức tiến hành kẻ vẽ phân lô; thông báo rộng rãi cho người dân biết để đăng ký và tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố theo quy định.

“Mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố tuyến đường Trần Hưng Đạo là 20.000 đồng/m2/tháng. Trước mắt, phường cho thuê 30 lô, dự kiến thu hơn 43 triệu đồng/tháng. Số tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước và chi cho các hoạt động quản lý”-ông Tâm thông tin.

Cuối tháng 9-2023, anh Đinh Thái Hải (tổ 4, phường Tây Sơn) thuê 1 lô ở khu bờ kè sông Ba với giá 2 triệu đồng/tháng và đầu tư hơn 30 triệu đồng mua đồ pha chế, bàn ghế, khung bạt, đèn trang trí để mở quán giải khát, bán đồ ăn vặt.

Nhằm phát huy tối đa mặt bằng, anh mở cửa phục vụ khách hàng từ sáng sớm đến 21 giờ với các thức uống: trà sữa, trà trái cây, sinh tố, sữa chua, nước ép rau củ quả, soda; đồ ăn có xúc xích Đức, phô mai que, bò khô vắt chanh.

Với cách phục vụ tận tình, thức uống ngon, giá cả phải chăng, quán Táo của anh Hải thu hút đông đảo khách hàng từ thanh-thiếu niên, người lao động đến công chức Nhà nước.

“Bờ kè sông Ba có không gian thoáng mát, view ngắm cảnh phố xá đông vui, ngắm dòng sông Ba thơ mộng, hợp “gu” của nhiều người. Đó là lý do khiến tuyến đường này luôn tấp nập, nhất là ban đêm.

Hy vọng thị xã sớm đưa hoạt động kinh tế đêm vào khai thác, phường cho thuê mặt bằng thời gian dài hơn, không phải từng tháng như hiện nay để tôi cũng như nhiều hộ kinh doanh yên tâm buôn bán, đầu tư trang trí hàng quán, phục vụ nhu cầu thực khách, nâng cao thu nhập”-anh Hải nói.

Anh Đinh Thái Hải (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thuê 1 lô ở khu bờ kè sông Ba mở quán bán nước giải khát và đồ ăn vặt. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Thái Hải (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thuê 1 lô ở khu bờ kè sông Ba mở quán bán nước giải khát và đồ ăn vặt. Ảnh: Ngọc Minh

Đường Nguyễn Công Trứ (tổ 3, phường Tây Sơn) dài gần 300 m có hơn chục hàng quán nằm san sát, được xem là một trong những tuyến phố ẩm thực của thị xã.

Quán Chiều Nhớ của chị Phạm Hiền Trân nằm gần cuối tuyến đường này. Vợ chồng chị Trân mở quán từ năm 2007 đến nay. Ngoài đặc sản dê tươi, Chiều Nhớ còn có các món được chế biến từ gia cầm, hải sản.

“Khách đông, việc nhiều nên vợ chồng tôi thuê 7 nhân viên phục vụ, tiền công 5-6 triệu đồng/người/tháng và bao ăn ngày 3 bữa. Nhiều hôm khách đông, tôi phải huy động các con ra phụ giúp. Khách chủ yếu người địa phương và một số khách vãng lai nghỉ ngơi tại các khách sạn quanh đây đến ăn uống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương”-chị Trân chia sẻ.

Đường Nguyễn Công Trứ (tổ 3, phường Tây Sơn) dài gần 300 m với nhiều hàng quán, khách sạn tọa lạc có tiềm năng xây dựng tuyến phố đêm. Ảnh: N.M

Đường Nguyễn Công Trứ (tổ 3, phường Tây Sơn) dài gần 300 m với nhiều hàng quán, khách sạn tọa lạc có tiềm năng xây dựng tuyến phố đêm. Ảnh: N.M

Trên địa bàn thị xã An Khê hiện có 1.251 hộ kinh doanh, 402 doanh nghiệp, 29 nhà nghỉ, khách sạn. Quanh đường Nguyễn Công Trứ có 3 khách sạn: Khách sạn An Khê, 555, Hương Bình, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến lưu trú.

Bà Nguyễn Thị Hương-chủ khách sạn Hương Bình (558 Quang Trung) cho hay: “Gia đình có 2 cơ sở kinh doanh khách sạn với 37 phòng. Chúng tôi nắm được nhu cầu của một số khách hàng có nhu cầu vui chơi buổi tối, ăn đêm, trải nghiệm chợ đêm nhưng trên địa bàn thị xã chưa có.

Nếu thị xã phát triển những tuyến đường chuyên kinh doanh ẩm thực, chợ đêm, du khách có thể lưu lại thêm để đi chợ, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương. Qua đó, tăng chi tiêu, tăng nguồn thu cho nhà hàng, khách sạn và người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thị xã”.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đặng Quốc Hoài Huy cho biết: Để triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 2700/KH-UBND của UBND tỉnh, thị xã đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu từ năm 2024 đến năm 2025 sẽ hình thành các khu vực kinh tế đêm trên địa bàn. Ủy ban nhân dân thị xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường để triển khai thực hiện.

“Tất cả các hoạt động hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân; thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công; phát triển ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”-ông Huy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.